Phép toán gây tranh cãi
Tính nhanh nằm ở đâu trong biểu thức?
Vì ảnh không chụp cả trang vở nhưng theo kinh nghiệm của người viết bài này thì đây có thể là bài tập của cô trò lớp 2.
Bao giờ giải một bài toán tính giá trị của biểu thức ta cũng phải tuân thủ quy tắc tính từ trái sang phải với điều kiện nhân chia trước, cộng trừ sau, trong ngặc trước, ngoài ngoặc sau. Nếu sai thuật toán đó, kết quả sẽ sai.
Dù là bài toán tính nhanh bằng cách áp dụng tính chất giao hoán, kết hợp, … thì quy tắc trên vẫn phải đảm bảo.
Trong bài toán nói ở đây, HS có thể thứ tự tính từ trái sang phải nếu chưa biết cách tính nhanh. Nếu thực hiện yêu cầu tính nhanh nhằm phát triển tư duy toán học, các em có thể quan sát phép trừ có hiệu tròn chục và cặp đôi số hạng có tổng tròn chục. Đó là 66-6 và 7+23.
Dù HS lớp 2,3 chưa học tính chất kết hợp nên các em hoàn toàn có thể tính 66-6 và 7+23 trước. Sau đó cộng hai kết quả lại với nhau, rồi trừ đi 18, cộng với 2. Cụ thể như sau:
66 – 6 + 7 + 23 – 18 + 2 = 60 + 30 – 18 + 2 = 90 – 18 + 2 = 72 + 2 = 74
Để HS làm quen dần với dấu ngoặc đơn trong biểu thức, GV có thể dạy các em tập viết dần như sau:
Như vậy, tính nhanh trong biểu thức này là ở việc thực hiện phép trừ và phép cộng có kết quả tròn chục trước.
Tại sao cô giáo sai ?
Cô giáo sai ở việc ngộ nhận (-18+2)
Phía trước 18 có dấu trừ mà cô giáo cứ lấy 18 cộng với 2 (Cô không nhận ra rằng 18 mang dấu âm, cái mà cô đã được học từ THCS).
Xét về quy tắc đại số, trong một tổng, số hạng luôn đi cùng dấu (dấu âm hoặc dấu dương)
Nếu theo cách tính của cô giáo, ta viết cụ thể thế này:
Bạn đọc sẽ nhìn ra ngay cô giáo sai ở dấu ngoặc cuối cùng (in đậm). Xét theo đại số, số 2 mang dấu dương, đưa vào trong ngoặc mà phía trước ngoặc có dấu âm thì số 2 phải đổi dấu. (Ở đây chỉ mới đổi dấu số 18 một cách ngoài ý định)
Như vậy, cô giáo sai vì nguyên nhân cơ bản là cô không nhớ quy tắc đổi dấu trong phép cộng đại số.
Nếu chữa bài chu đáo, cô sẽ phát hiện mình sai!
Việc chữa bài và nhận xét trên vở HS là một công việc đánh giá thường xuyên theo thông tư 22 (22/2016/TT-BGDĐT)
Điều 6, thông tư 22 quy định: “Giáo viên dùng lời nói chỉ ra cho học sinh biết được chỗ đúng, chưa đúng và cách sửa chữa; viết nhận xét vào vở hoặc sản phẩm học tập của học sinh khi cần thiết, có biện pháp cụ thể giúp đỡ kịp thời”.
Về nghiệp vụ sư phạm, cô giáo không nên dùng bút đỏ đánh những nét cong vào vở HS như vậy. Vì chữa bài như vậy, mất thẩm mĩ và HS không hiểu, nhất là HS nhỏ tuổi.
Với bài toán này, cô giáo cần trình bày thứ tự các bước tính vào vở HS thì lần sau, HS mới nhớ. Nếu chữa như vậy, cô giáo sẽ phát hiện ra “Tại sao đề bài chỉ có trừ đi 18 mà ta lại trừ đi cả tổng (18+2)…”
Nếu đừng vội vàng, cô giáo sẽ không sai!
Trong thao tác sư phạm, thường là các thầy cô rất cẩn trọng khi phê vào vở HS. Đặc biệt là phê các kí hiệu Đ/S. Sai mà cô phê Đ cũng dở, Đ mà cô lại phê S thì cha mẹ HS sẽ có người bảo “cô không giỏi bằng trò” (hoặc cô dốt hơn trò”). Nghề gõ đầu trẻ có đặc thù như vậy. Trong làng, trong xã, cô giáo sẽ mất uy tín chỉ vì phê đúng thành sai.
Với bài tập này, cô giáo cứ tính thông thường đi đã. Tính “không nhanh” sẽ có kết quả 74. Vậy thì tính nhanh bằng “giời” đi nữa, nó cũng phải bằng 74.
Lời kết: Nghề nào cũng vậy, có tâm chưa đủ mà còn phải luôn trau dồi kiến thức, tự bồi dưỡng mình. Mong dư luận đừng vì một việc nhỏ mà đánh giá một con người. Đừng vì một hạt sạn mà bỏ đi cả nồi cơm bốc khói. Hãy động viên, chia sẻ với những người đang miệt mài với sự nghiệp trồng người cao cả.
Tác giả bài viết: Thầy giáo Tùng Sơn (Hải Dương)
Nguồn tin: