Giáo dục

Thầy đã 'lấy' được em về!

Câu chuyện xúc động của thầy Ninh Văn Dậu thu hút sự quan tâm của bạn đọc đã có diễn biến mới như bao bạn đọc mong muốn: Ksor Gôl đã trở lại trường.

>> "Nhất định thầy sẽ vào rẫy lấy em về!”
thay giao
Thầy Dậu chở Gôl trở về từ rẫy... - Ảnh: T.B.D.

17h chiều 8-3, thầy Ninh Văn Dậu - giáo viên Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (huyện Krông Pa, Gia Lai) - gọi điện cho chúng tôi, giọng đầy xúc động: “Ksor Gôl đang cùng các thầy trở về đây. Mấy ngày nghỉ học, Gôl nằm hẳn ở trong rẫy để cạo mì (sắn - PV) kiếm sống.

Thấy bạn bè đọc báo rồi nhắn tin, Gôl bảo rất nhớ thầy, nhớ trường, rồi cứ ngồi ở rẫy ngóng vì biết chắc thầy sẽ trở lại đón”.

Qua điện thoại, Gôl cũng xúc động: “Từ hôm nghỉ học đến giờ em buồn lắm. Muốn đi học lại mà nhà em nghèo quá, đông anh em, nên phải bỏ học ở nhà đi làm. Giờ được thầy hiệu trưởng, thầy Dậu vào đón, em sẽ trở lại lớp đi học lại từ ngày 9-3”.

Thầy Trần Văn Thế - hiệu trưởng Trường Đinh Tiên Hoàng - cho biết ngay sau khi tâm sự của thầy Dậu được báo Tuổi Trẻ đăng tải, trường đã nhận được rất nhiều cuộc điện thoại chia sẻ, hỏi thăm của bạn đọc khắp cả nước.

Nhiều người muốn giúp đỡ Ksor Gôl trở lại lớp và hứa lo toàn bộ chi phí học tập cho em. Ngay sau bữa cơm trưa 8-3, thầy hiệu trưởng, thầy Dậu và một giáo viên khác chạy xe máy vượt 20km vào rẫy tìm Gôl.

Lúc tới nơi, Gôl đang gọt mì. Cậu học trò sạm đen ngồi dưới nắng chang chang, gặp thầy như chực bật khóc vì biết mình sẽ được trở lại trường.

Tại rẫy của Gôl, các thầy vừa mở lời, Gôl đã trả lời ngay: “Em xin nghe thầy, em sẽ ngồi lên xe máy về cùng thầy ngay bây giờ...”.

Thầy Dậu bảo thầy rất vui, cảm giác như “vừa giành được huy chương”. Thầy đã “lấy được em về” thật sự!

* Trong các cuộc điện thoại gọi đến để chia sẻ câu chuyện của thầy Dậu, chúng tôi khá bất ngờ khi biết có một thầy giáo, thầy Lép - từng được cứu nhờ bàn tay yêu thương của thầy Dậu.

Lép là người Ja Rai, nhà ở xã Ia Dreh, huyện Krông Pa, Gia Lai. Cách đây hơn bốn năm, Lép cũng đang là học sinh cuối cấp. Trong những suy nghĩ tăm tối, tuyệt vọng của cái nghèo, Lép đã có hai lần bỏ dở việc học lớp 12, ở nhà đi phụ anh chị cắt mì.

Rồi thầy Dậu - lúc đó là giáo viên chủ nhiệm - đã biết suy nghĩ ấy của Lép. Thầy tìm tới tận nhà Lép, thuyết phục bạn trở lại lớp thành công. Rồi cũng chính thầy Dậu là người đã đứng ra liên hệ với báo Tuổi Trẻ xin cho Lép suất học bổng Tiếp sức đến trường năm ấy, để Lép tiếp tục vào cổng Trường đại học Tây Nguyên.

Sáng 7-3, khi đọc câu chuyện của thầy mình trên báo, Lép đã gọi điện cho chúng tôi sau bốn năm trời từ ngày gặp em ở lễ trao học bổng Tiếp sức đến trường.

Giờ Lép đã là một thầy giáo cấp I. Lép nói run run: “Thầy em đấy, anh còn nhớ không? Nếu không có thầy thì có lẽ bây giờ cuộc sống em đã rất khác... Khi đọc câu chuyện của Ksor Gôl mà thầy cố vận động trở lại lớp, em đã khóc vì bắt gặp hình ảnh em ngày nào”...

Cảm ơn thầy Dậu!

Tuổi Trẻ xin trích đăng một số ý kiến bạn đọc về tấm lòng của thầy Ninh Văn Dậu.

Một tấm lòng cao cả. Hi vọng em học trò sẽ cảm nhận được tình cảm của thầy và trở lại lớp, học thật giỏi. Hi vọng các cơ quan đoàn thể địa phương sẽ hỗ trợ để em được tiếp tục đến trường. Hi vọng ngành giáo dục sẽ còn nhiều tấm lòng như thầy Dậu.

(VoDieu - dieuhueuni@...)

Tôi cũng là giáo viên, khi đọc bài này mà khóe mắt rưng rưng. Thật đẹp hình ảnh người thầy giáo với lòng yêu thương học trò vô tận, đã làm việc mà không phải ai cũng làm được. Giá trị của nghề dạy học chính là ở đây!

(Công Thương - congthuong69@...)

l Bạn Ksor Gôl ơi, hãy về với thầy, với lớp bạn ạ! Hãy lắng nghe và cảm nhận tấm lòng của thầy. Có khó khăn gì, nếu cùng nhau giải quyết, chúng ta sẽ vượt qua thôi!

(Vinh - vinhtm2016@...)

Đọc xong bài viết này tôi thật lòng khâm phục thầy Dậu! Tôi đã trực tiếp đứng lớp và quản lý trường... Giờ tuy đã nghỉ rồi, nhưng lòng mình vẫn yêu mến nghề dạy học.

Tôi mong muốn em học sinh đó trở lại trường với thầy với bạn, cho dù hoàn cảnh của em có khó khăn cỡ nào đi nữa... Em hãy vì thầy mà trở lại trường nhe em. Mọi người hãy chung tay giúp em trở lại trường.

(Giáo viên về hưu Trần Minh Luân, Cần Thơ)

Tôi là giáo viên THPT như thầy, nên hiểu được phần nào tâm trạng của thầy. Có những lúc biết học trò bỏ học mà không sao làm khác được, trong lòng cảm thấy đau lắm.

Người thầy dạy lâu năm thường xem học trò như con, như cháu, nếu là giáo viên chủ nhiệm thì càng thương yêu, biết rõ tính nết từng em.

Ngày nào lên lớp thấy trống vắng em nào cũng phải tìm hiểu rõ nguyên nhân để an ủi, động viên... Tôi tin rằng thầy Dậu sẽ đưa được em học sinh kia trở về với trường, với lớp!

(Nguyễn Văn Rum - nguyenrum85@...)

l Thưa thầy! Trong cái bon chen, ghen ghét, thờ ơ và lạnh nhạt... của xã hội thì tấm lòng của thầy thật tươi mát, trong trẻo, thật nhân hậu... Đọc bài của thầy, tôi đã khóc vì ký ức tuổi thơ vời vợi của mình được trở về và sống lại vẹn nguyên.

Tôi nhớ mãi người thầy của mình năm ấy. Nhờ thầy mà tôi đã vượt qua tất cả! Và bây giờ tôi cũng đã là một người thầy.

Tôi ước sao những người được xã hội gọi là thầy cô giáo ai cũng có cái tâm yêu thương học trò hết mình như thế thì chắc tốt biết bao!

Và tôi tin rằng em học sinh có “đôi mắt sáng” ấy sẽ về lớp và tiếp tục con đường học tập của mình theo tiếng gọi của thầy... Tôi có niềm tin như thế!

(Trần Công Văn - trancongvan1402@...)

Tác giả bài viết: THÁI BÁ DŨNG

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok