Chiều cuối tuần, một người phụ nữ đi chiếc xe đạp cũ một tay (tay kia bị thương) đến Văn phòng báo Dân trí tại Đà Nẵng gửi đơn xin giúp đỡ cho hoàn cảnh của mình. Thấy vậy, chúng tôi hỏi chị sao không đi xe hôm hoặc gửi đơn qua đường bưu điện, chị bảo không có tiền. Trước lúc ra về, chị xin chúng tôi chai nước vì không có tiền mua.
Nghe chị kể về hoàn cảnh của mình mà chúng tôi không khỏi nghẹn lòng. Người phụ nữ đó là chị Nguyễn Thị Hồng Đào (sinh 1974, tạm trú thôn Cẩm Toại Đông, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng).
Chị kể, vợ chồng chị lập gia đình muộn, dù cả hai đã ngoài 40 tuổi, gần 50 tuổi nhưng con gái lớn mới 5 tuổi, còn con gái nhỏ mới 2 tuổi.
Chị Đào đang điều trị tại Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Đà Nẵng |
Trước đây, vợ chồng chị có mua được căn nhà ở quận Thanh Khê nhưng sau đó công việc bán bảo hiểm của chị thất bại, vỡ nợ; chồng chị làm thợ hồ, nhận xây các công trình hội trường nhưng do mưa gió, nghiệm thu không đạt cũng bị bể. Vì thế, vợ chồng chị phải bán căn nhà trên lên huyện Hòa Vang thuê nhà sống.
Thời gian đầu, chị thuê quán bán tạp hóa, còn chồng chị vẫn đi làm thợ hồ. Tuy nhiên, công việc buôn bán không thuận lợi nên đầu năm 2017 chị xin đi làm công nhân chà nhám ở xưởng gỗ trong khu công nghiệp. Mới đi làm được thời gian ngắn thì chị xảy ra chuyện.
“Hôm đó, chị làm thay cho cô khác nghỉ ở nhà có việc. Khi đưa gỗ vào máy dán gỗ thì tay phải bị cuốn vào trong máy khiến bị dập mô bàn tay, khuỷu tay”, chị Đào nhớ lại.
|
Chị bị thương ở khuỷu tay... |
Từ đó đến nay, chị thường xuyên nhập viện để phẫu thuật và điều trị cánh tay phải bị thương. Thời gian đầu, phía công ty nơi chị làm việc cũng đã hỗ trợ, thanh toán chi phí điều trị cho chị. Tuy nhiên, sau này họ không hỗ trợ nữa vì theo họ chị là công nhân mới đi làm.
Dù đã nhiều lần phẫu thuật nhưng cánh tay phải của chị vẫn chưa thể hoạt động bình thường trở lại. Hiện chị đang điều trị tại Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Đà Nẵng để phẫu thuật vá da và tập phục hồi chức năng.
Vì bận chăm lo cho hai con nhỏ và còn phải đi làm thợ hồ để kiếm tiền nên chồng chị không có thời gian vào viện để chăm cho chị. Hầu hết chị phải tự túc trong những tháng nằm viện.
Và lòng bàn tay sau tai nạn lao động |
Chị Đào cho biết, chồng chị đi làm phụ hồ thu nhập chẳng được mấy đồng, lại phải đóng tiền gửi trẻ cho con nên khiến gia đình chị rất khó khăn. Chị nằm viện nhưng không có tiền để ăn cơm nên hầu như phải đi xin ăn.
“Thấy người ta bỏ quả đu đủ hư thì chị xin về cắt bỏ phần hư, còn lại ăn được gì thì ăn. Người ta ăn xôi xong còn dư phần muối mè chị cũng xin về rồi mua mấy ngàn cơm trắng về ăn. Hay những gói bánh mì hết hạn, người ta bỏ đi chị cũng xin về ăn. Những lúc khỏe, chị đi lượm ve chai trong bệnh viện bán kiếm ít đồng”, chị Đào cho hay.
Chị nằm viện gần cả năm trời, hai con nhỏ cũng thường xuyên đau ốm mà cả nhà chỉ trông chờ vào thu nhập ít ỏi từ những ngày phụ hồ của chồng nên hiện giờ nhà chị không có khả năng để thuê nhà nữa. Vì thế, chồng chị đành đưa hai con nhỏ về nhà mẹ đẻ xin ở tạm.
Nằm viện, không có tiền mua cơm nên chị Đào thường xin đồ ăn thừa hoặc người ta bỏ đi để ăn |
Giờ đây, chị Đào chỉ mong cánh tay phải của mình hồi phục phần nào chị còn đỡ đần chồng trông con, để anh có thời gian đi làm.
Cũng theo chị Đào, hoàn cảnh của các anh chị em hai bên nội ngoại ai cũng khó khăn nên không có điều kiện để giúp chị. Ngay cả việc chị bị tai nạn lao động, chị cũng không dám báo cho mẹ già ở Quảng Nam biết. Chị thấy mình thật bất hiếu vì không thể về thăm bà và cũng không có tiền để gọi điện thoại hỏi han bà.
Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Võ Hoàng Minh (khoa Phẫu thuật chỉnh hình, Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Đà Nẵng) – cho biết, chị Đào bị chấn thương vùng cánh tay, khuỷu tay và lòng bàn tay nên chức năng vận động bị hạn chế. Hiện bệnh nhân đang được tập phục hồi chức năng.
Chị Đào buồn tủi cho hoàn cảnh gia đình mình |
Cũng theo bác sĩ Minh, chị Đào có bảo hiểm hộ nghèo nên được bảo hiểm thanh toán viện phí 100%, trừ những khoản ngoài danh mục bảo hiểm.
Ông Nguyễn Nhỏ - trưởng thôn Cẩm Toại Đông (xã Hòa Phong) – cho biết, từ lúc chị Đào bị tai nạn lao động, gia đình chị gặp nhiều khó khăn. Chồng chị vừa đi phụ hồ vừa xoay xở với hai đứa con nhỏ nên rất vất vả. Trước đây, vợ chồng chị thuê nhà để ở nhưng mới đây chồng và hai đứa con của chị phải về ở nhờ nhà mẹ đẻ vì không có tiền để thuê nữa.
Bà Trần Thị Duẩn, nguyên cán bộ xóa đói giảm nghèo xã Hòa Phong cho biết, sau khi bị tai nạn, chị Đào được hưởng trợ cấp xã hội 470 ngàn đồng/tháng vì hoàn cảnh gia đình rất khó khăn.
Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về: 1. Mã số 2792: Chị Nguyễn Thị Hồng Đào (thôn Cẩm Toại Đông, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng). ĐT: 0905. 296. 822 STK: 0103189511, Ngân hàng Đông Á chi nhánh Duy Xuyên (Quảng Nam). |
Tác giả: Khánh Hồng
Nguồn tin: Báo Dân trí