Những ngày giáp tết Kỷ Hợi 2019, tại tháp Po Klong Garai, Ban quản lý Di tích đang ráo riết hoàn tất các hoạt động nhằm phục vụ du khách chu đáo du khách trong dịp tết Nguyên đán năm nay. Trong lúc hàng chục lượt du khách trong nước và quốc tế đang đến tham quan, nhiều thợ xây vẫn đang khẩn trương tập trung hoàn thành công trình mở rộng lối đi lên Tháp. Đến ngày 29/1, lối đi mới này đã hoàn tất, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của du khách được dễ dàng hơn khi đến với tham quan di tích này.
Xây dựng mở rộng lối đi lên Tháp, giúp du khách đi lại thuận lợi dễ dàng hơnHàng trăm lượt du khách trong nước và quốc tế đến tham quan Tháp mỗi ngày
Ông Nguyễn Văn Linh - Giám đốc Ban quản lý di tích tỉnh Ninh Thuận, cho biết: “Tết là dịp mà lượng du khách đến Tháp tham quan tăng cao. Dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, từ mồng 2 đến mồng 6 tết, Tháp Pô Klong Garai sẽ mở cửa phục vụ từ 6 giờ sáng đến 6 giờ tối, tổ chức các hoạt động biểu diễn nghệ thuật làm gốm và dệt thổ cẩm truyền thống của người Chăm, biểu diễn văn nghệ dân gian Chăm và nhiều trò chơi dân gian khác nhau đề phục vụ du khách”.
“Ngoài việc mở rộng lối đi lên Tháp, chỉnh trang lại toàn bộ khuôn viên khu di tích, chúng tôi cũng trang trí và vệ sinh toàn bộ các khu vực di tích, đặc biệt là các hiện vật, tranh ảnh trưng bày. Chúng tôi cũng đã triển khai kết nối các công ty du lịch để nắm rõ lượng khách đoàn lớn để có phương án đón tiếp và tổ chức các hoạt động phục vụ được chu đáo”, ông Linh cho biết thêm.
Không chỉ đổi mới hình thức hoạt động, lồng ghép không gian văn hóa dân gian Chăm vào các hoạt động, Ban quản lý di tích cũng có những hình thức phục vụ, tạo điều kiện thuận lợi và thu hút du khách.
Cụ thể, trước đây, các đoàn tham quan phải thuê hướng dẫn viên thuyết minh khi đến tham quan di tích này. Hiện nay, Ban quản lý đã bố trí đội ngũ hướng dẫn viên chuyên nghiệp, thuyết minh miễn phí cho du khách đến tham quan tháp bằng song ngữ Việt-Anh.
Hướng dẫn viên Ban quản lý di tích tháp Po Klong Garai nói về Tháp Chính cho du khách
Tháp Po Klong Garai là biểu tượng truyền thống của người Chăm ở Ninh Thuận
Chị Tài Công Thúy Diễm, hướng dẫn viên Ban quản lý di tích tháp Po Klong Garai, cho biết: “Mong muốn của tôi là giúp du khách trong và ngoài nước biết nhiều hơn về di tích tháp Po Klong Garai, về Văn hóa dân tộc Chăm ở Ninh Thuận, tôn giáo, tín ngưỡng của người Chăm… Ngoài việc nắm chắc kiến thức, mỗi hướng dẫn viên còn phải biết cơ bản những điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh để giới thiệu và tư vấn giúp du khách, để giúp họ có lộ trình du lịch trên địa bàn Ninh Thuận phù hợp nhất”.
Tại tháp Po Klong Garai, du khách được tìm hiểu về lịch sử, văn hóa ở phòng trưng bày thông qua tranh ảnh tái hiện những nghi thức lễ hội và những vật dụng như nhạc cụ truyền thống, các trang phục của tu sĩ Chăm và xe trâu của người Chăm. Xe trâu được làm hoàn toàn bằng gỗ, các mối nối được đục đẽo, và đóng sao cho vừa khít mà không cần dùng đến vật phụ trợ khác, thể hiện sự khéo léo sáng tạo và thông minh của người Chăm.
Trải qua những biến cố lịch sử và những đổi thay của thời gian, tháp Po Klong Garai không chỉ còn vẹn nguyên về hiện vật mà còn là nơi lưu giữ những giá trị truyền thống sắc màu văn hóa Chăm Pa ở mảnh đất Ninh Thuận.
Tháp Pô Clong Garai cổ kính, oai nghiêm và sừng sững trên đồi Trầu
Tháp Chính thờ vua Po Klong Garai (1151 - 1205), ngài là người có công trạng to lớn trong việc xây dựng hệ thống dẫn thủy nhập điền phục vụ nông nghiệp của người Chăm trong vùng. Công trình của vị vua nổi tiếng này vẫn được sử dụng cho đến ngày hôm nay là đập Nha Trinh và kênh Chàm.
Phòng trưng bày với những tranh ảnh tái hiện những nghi thức lễ hội và những vật dụng như nhạc cụ truyền thống, các trang phục của tu sĩ Chăm và xe trâu của người Chăm.
Gốm Bàu Trúc, dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp và nhiều vật lưu niệm đẹp mắt được trưng bày và bán tại tháp Po Klong Garai
Được biết, hàng năm vào dịp Tết đều có rất đông du khách đến thăm cụm tháp Chăm này vì vẻ đẹp hùng vĩ và đây là cụm tháp Chăm hiếm hoi còn giữ được nguyên vẹn ở Việt Nam. Di tích kiến trúc nghệ thuật tháp Po Klong Garai là quần thể tháp Chăm được xây dựng vào cuối thế kỷ XIII, đầu thế kỷ XIV, nằm trên ngọn đồi Trầu, thuộc phường Đô Vinh (TP Phan Rang - Tháp Chàm), được xây dựng vào cuối thế kỷ 13 đầu thế kỷ 14 (thời vua Chế Mân) để thờ vua Po Klong Garai (1151-1205), vị vua đã có nhiều công lớn trong việc cai trị vương quốc Chăm- Pa. Di tích này được Bộ Văn hóa xếp hạng di tích di tích quốc gia năm 1979 và được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.
Tác giả: Đức An
Nguồn tin: Báo Dân trí