Giáo dục

Tháo gỡ bất cập trong quản lý giáo dục

Trước những áp lực của dư luận và sự vào cuộc của các cơ quan, tổ chức có liên quan như Bộ GD&ĐT, Công đoàn Giáo dục Việt Nam…, tỉnh Đắk Lắk đã tạm dừng thông báo việc chấm dứt hợp đồng với hơn 500 giáo viên mà trước đó huyện Krông Pắk tuyển dụng ồ ạt trong khi không có chỉ tiêu biên chế.

Trước đó, tại Thanh Hóa, hàng nghìn giáo viên, nhân viên hành chính trong ngành GD bị chấm dứt hợp đồng cũng với lý do tương tự. Việc giao cho chính quyền địa phương quá nhiều quyền trong tuyển dụng nhân sự, tài chính... khiến công tác quản lý của ngành GD trở nên phức tạp.

Tuyển dụng vượt so với yêu cầu

Chỉ từ năm 2011 đến năm 2015, đã có 588 giáo viên và 80 nhân viên các trường học từ mầm non, tiểu học đến THCS trên địa bàn huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) được tuyển dụng. Phần lớn số giáo viên, nhân viên này đều ở trong diện hợp đồng ngoài chỉ tiêu được UBND tỉnh giao. Ngày 9/3, UBND huyện Krông Pắk đã tổ chức họp giải quyết những tồn tại, hạn chế trong công tác sử dụng biên chế, tuyển dụng hợp đồng lao động trong ngành giáo dục dẫn đến dư thừa hơn 500 giáo viên và thông báo chấm dứt hợp đồng 200 giáo viên không trong chỉ tiêu biên chế 2017.

Số giáo viên còn lại, dù đủ điều kiện xét tuyển vào cuối tháng 3/2018 nhưng chỉ có 83 chỉ tiêu nên cũng sẽ có hơn 300 giáo viên sẽ phải tiếp tục rời bục giảng. Sự việc này đã như giọt nước tràn ly, hàng trăm giáo viên sau khi nghe tin sẽ mất việc đã kéo đến UBND huyện Krông Pắk để cầu cứu. Trước những bức xúc của giáo viên cũng như sự vào cuộc kịp thời của các cơ quan, tổ chức có liên quan như Bộ GD&ĐT, Công đoàn Giáo dục Việt Nam để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động, tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo tạm dừng chấm dứt hợp đồng để tìm “giải pháp nhân văn hơn”.

Nguyên nhân của việc dôi dư hơn 500 giáo viên ở phạm vi một huyện, như giải thích của đại diện huyện ủy Krông Pắk với báo chí, là sau năm 2011, việc tuyển dụng giáo viên được giao toàn quyền cho chủ tịch huyện quyết, không có sự giám sát “nên mới xảy ra việc tuyển dụng ồ ạt, bất chấp như vậy”.

Theo phân cấp quản lý, Sở GD&ĐT chỉ tuyển GV bậc THPT còn từ cấp THCS trở xuống sẽ do chủ tịch huyện quyết định. Và có nơi, chủ tịch huyện sẽ giao Phòng GD&ĐT chủ trì, phối hợp với Phòng Nội vụ và Tài chính, nhưng có nơi làm ngược lại. “Ngành Giáo dục nắm õ trường này thiếu bao nhiêu chỉ tiêu, ở môn học nào nhưng không nắm thông tin tuyển dụng, không được tham mưu. Chính điều này khiến việc tuyển dụng không sát với thực tế, tạo ra nghịch lý thừa – thiếu cục bộ” – một lãnh đạo Sở GD&ĐT Đắk Lắk phân tích.

Lãnh đạo địa phương được trao quá nhiều quyền trong tuyển dụng nhân sự của ngành GD cũng là nguyên nhân dẫn đến dôi dư giáo viên, nhân viên tại Thanh Hóa. Bà Phạm Thị Hằng – Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa phân tích: “Có những huyện hợp đồng lao động vô tội vạ khi được giao quyền. Trong khi đó việc kiểm tra, giám sát của các đơn vị có trách nhiệm còn nảy sinh nhiều vấn đề bất cập.

Có huyện đang đủ, hoặc thừa lao động nhưng vẫn ký tuyển dụng; có trường hợp một trường Tiểu học mà có tới 9 nhân viên hành chính thì lấy ngân sách đâu để chi lương?”. Bà Hằng cũng thẳng thắn thừa nhận, để xảy ra những vấn đề này là do việc phối hợp chưa tốt giữa các ngành Nội vụ và GD. “Việc phân cấp triệt để, giao cho huyện, thị xã, thành phố quyền tuyển dụng quá lớn, cộng với việc giám sát chưa tốt giữa các đơn vị trên là nguyên nhân của việc tuyển dụng tràn lan, gây hệ lụy và dư luận không tốt trong xã hội”.

Ngành GD&ĐT phải là đầu mối quản lý

Ông Lê Bá Thiềm - Trưởng phòng GD&ĐT thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) chia sẻ: “Dù đã có quy định mỗi lớp mẫu giáo có 2,2 giáo viên, nhà trẻ có 2,5 giáo viên nhưng ở Hà Tĩnh, tỉ lệ này chỉ có 1,7 giáo viên/lớp thôi. Thế nên nhiều lớp có đến 40 cháu/lớp nhưng chỉ có một giáo viên quần quật cả ngày vừa dạy vừa chăm trẻ. Chúng tôi “đấu tranh” rất nhiều cuộc nhưng vẫn không được thực hiện việc đảm bảo tỉ lệ giáo viên/lớp”.

Theo như ông Thiềm thì có một thực trạng là các nghị định của chính phủ, thông tư của Bộ liên quan đến giáo dục thì các địa phương thực hiện không đầy đủ. Cũng có cùng quan điểm này, ông Ngô Quang Hưng – Phó GĐ Sở GD&ĐT Phú Yên cho rằng, trong phân cấp quản lý, một số chỉ đạo về tài chính, con người, mỗi địa phương thực hiện một kiểu và không thực hiện đúng mức như chỉ đạo của Chính phủ.

Ông Hà Thanh Quốc – Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Nam cũng cho rằng, việc phân cấp trong quản lý giáo dục trên thực tế đã có sự biến dạng, ảnh hưởng trực tiếp đến chỉ đạo và nâng cao chất lượng giáo dục. Tại Hội nghị tổng kết năm học 2016 – 2017, ông Quốc chia sẻ câu chuyện rằng ông đã từng tổ chức một buổi gặp mặt các Trưởng, Phó trưởng phòng các Phòng GD&ĐT quận/huyện trên địa bàn tỉnh chỉ để biết mặt vì “làm Giám đốc Sở mà không biết lãnh đạo Phòng GD&ĐT các địa phương mới được bổ nhiệm”.

Việc bổ nhiệm Trưởng, phó các Phòng GD&ĐT là cho Chủ tịch UBND quận, huyện bổ nhiệm, “nhưng cứ có việc gì ở địa phương thì lại kêu giám đốc Sở ra truy” - ông Quốc cho biết. Từ đây, ông Quốc kiến nghị, việc phân cấp quản lý giữa các cấp học trong hệ thống giáo dục phải sửa đổi làm sao đó để cho khi trở thành Luật rồi thì quản lý chung phải thuộc về ngành giáo dục: từ con người, tài chính, các vấn đề bổ nhiệm, đề bạt phải do ngành giáo dục chủ trì. “Phân cấp quản lý là cần thiết nhưng phải làm sao đó, ngành GD phải là cơ quan quản lý” - ông Quốc nhấn mạnh.

Bà Phạm Thị Hằng cho rằng, trong tuyển dụng, sắp xếp đội ngũ nhân lực trong ngành GD cần phải có sự tham gia, góp ý kiến, giám sát của ngành này. “Chỉ có người làm giáo dục mới hiểu hết được thực tế, chuyên môn. Nếu ngành Nội vụ chỉ giao biên chế “một cục” mà không kiểm soát được nhu cầu thừa chỗ này, thiếu chỗ khác thì không ổn”.

Tác giả: Hà Nguyên

Nguồn tin: Báo Giáo dục & Thời đại

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok