Giáo dục

Thanh niên tham gia tình nguyện được ưu tiên xét tuyển vào đại học

Sau khi kết thúc chương trình tình nguyện theo chương trình, đề án, dự án, thanh niên được ưu tiên xét tuyển khi tuyển sinh cũng như khi tuyển dụng vào làm việc trong các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập hay các tổ chức kinh tế.

Đó là một trong những nội dung trong Quyết định 57/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ về Chính sách đối với hoạt động tình nguyện của thanh niên, có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2016 và được ông Vũ Đăng Minh, Vụ trưởng Vụ Công tác Thanh niên Bộ Nội vụ trao đổi tại chương trình đối thoại thanh niên với chủ đề “Chính sách hoạt động tình nguyện - Tiếng nói người trong cuộc” vừa diễn ra tại TPHCM.

Theo Quyết định này, hoạt động tình nguyện của thanh niên gồm hai loại hình: Hoạt động tình nguyện thực hiện các chương trình, đề án, dự án phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ Tổ quốc từ 24 tháng trở lên được cấp có thẩm quyền phê duyệt; Hoạt động tình nguyện vì cộng đồng và xã hội do Đoàn Thanh niên hoặc các tổ chức khác của thanh niên tổ chức.

thanhnienthamgiatinhnguyenduocuutienxettuyenvaodaihoc
Sinh viên tham gia chương trình tình nguyện tiếp sức mùa thi (Ảnh: Hoài Nam)

Đối với thanh niên tham gia hoạt động tình nguyện thực hiện các chương trình, đề án, dự án, sau khi kết thúc sẽ có một số chính sách như được ưu tiên xét duyệt để hưởng chính sách về định cư, tái định cư ở các vùng kinh tế mới; được ưu tiên xét tuyển khi tuyển sinh vào hệ đào tạo CĐ, ĐH và sau ĐH.

Được cấp thẩm quyền nơi diễn ra hoạt động tình nguyện xem xét, quy hoạch, đào tạo và bố trí sử dụng nếu hoàn thành tốt nhiệm vụ và có nhu cầu tiếp tục ở lại địa phương công tác. Còn nếu trở về địa phương nơi xuất phát thì được cấp ủy, chính quyền địa phương tạo điều kiện để ổn định cuộc sống.

Quyết định cũng nêu rõ thanh niên tình nguyện tham gia các loại hình tình nguyện trên có hành động dũng cảm bị chết hoặc bị thương, thuộc một trong các trường hợp theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng, thì UBND cấp xã nơi diễn ra hoạt động tình nguyện đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, công nhận là liệt sĩ hoặc quyết định được hưởng chính sách như thương binh theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng.

Hầu hết các đại biểu tham gia đồng tình với Quyết định 57 về chính sách đối với hoạt động tình nguyện. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng nên bỏ nội dung “Chi trả tiền bồi dưỡng cho thanh niên trong hoạt động tình nguyện (nếu có)” nằm ở phần trách nhiệm của cơ quan tổ chức hoạt động tình nguyện có nội dung.

Anh Giang Ngọc Phương, nguyên Phó Chủ tịch Hội Sinh viên TPHCM bày tỏ quan điểm không nên quy định về việc chi tiền bồi dưỡng trong hoạt động tình nguyện vì tình nguyện là hoàn toàn bất vụ lợi, người tham gia hoàn toàn trên tinh thần tự nguyện.

Tác giả bài viết: Hoài Nam

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok