Trong tỉnh

Thanh Hóa: Trường Tiểu học Hoằng Trường tự tổ chức dạy tiếng Anh thu tiền trái quy định?

Tự tổ chức dạy tiếng Anh lớp 1, lớp 2 có thu tiền, núp dưới tên gọi Câu lạc bộ, trường Tiểu học Hoằng Trường đi ngược lại quy định của Sở GD&ĐT Thanh Hóa.

Tự tổ chức dạy Tiếng Anh bậc Tiểu học có thu tiền trái phép

Năm học này, trường Tiểu học Hoằng Trường (huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa) bị nhiều phụ huynh bức xúc phản ánh tình trạng tự tổ chức dạy tiếng Anh đối với lớp 1-2 có thu tiền có dấu hiệu đi ngược lại quy định của Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Thanh Hoá (Sở GD&ĐT); thu trên 100 triệu đồng may rèm cửa toàn bộ nhà trường trái quy định…

Trao đổi với phóng viên Pháp luật Plus, ông Lê Công Quân, Hiệu trưởng Tiểu học Hoằng Trường thừa nhận, nhà trường có triển khai 2 việc trên, nhưng "không làm sai".

Trường Tiểu học Hoằng Trường (huyện Hoằng Hóa) hiện đang dạy tiếng Anh lớp 1, lớp 2 thu tiền trái quy định. (Ảnh: Anh Thắng)


Ông Quân cho biết, năm học trước, nhà trường có ký hợp đồng liên kết với Trung tâm đào tạo tiếng Anh đúng theo quy định của Sở GD&ĐT Thanh Hóa. Nhưng năm học này, trường tự dạy, tự thuê giáo viên mục đích giảm học phí hơn so với ký hợp đồng Trung tâm tiếng Anh.

Hiện, nhà trường triển khai dạy tiếng Anh lớp 1, lớp 2 ngoài giờ chính khóa, là môn tự chọn, nhằm giúp học sinh tập làm quen tiếng Anh trước khi tiếp cận trương trình bắt buộc ở lớp 3.

Tổng số có hơn 400 học sinh, chia làm 12 lớp, với tên gọi Câu lạc bộ Tiếng Anh. Mức thu tiền mỗi học sinh là 10 ngàn đồng/tháng, tức là 90 ngàn đồng/năm.

Tham gia dạy 12 lớp học trên gồm 4 cô giáo có chuyên ngành Tiếng Anh, gồm 2 cô giáo dạy liên trường, 1 giáo viên nhà trường và 1 cô được thuê bên ngoài theo hình thức hợp đồng khoán việc với mức lương 3 triệu/tháng.

Các giáo viên thuộc hệ thống biên chế, nếu dạy quá 23 tiết/tuần theo quy định, sẽ được nhận tiền thừa giờ. Những chi phí này, trích từ tiền thu của học sinh học Tiếng Anh, ông Quân cho biết.

Căn cứ theo công văn 2448/SGDĐT - KHTC ngày 10/8/2020 của Sở GD&ĐT Thanh Hóa về việc hướng dẫn triển khai, thực hiện các khoản thu, chi ngoài ngân sách trong các trường học năm học 2020-2021, theo tinh thần của Bộ GD&ĐT, thì việc các trường Tiểu học “tự tổ chức dạy ngoài giờ chính khóa thì không được thu tiền học sinh”.

Cũng tại mục 1.6 của công văn 2448 nêu rõ việc thu tiền dạy tiếng Anh bậc Tiểu học chỉ được phép khi: “Các nhà trường liên kết với các Trung tâm ngoại ngữ, không vượt quá 03 tiết/tuần (không vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm và không được tổ chức trong giờ học chính khóa), trên tinh thần tự nguyện của học sinh và được sự đồng ý của cha mẹ học sinh, các đơn vị phải thực hiện đúng quy định tại Thông tư 21/2018/TTBGDĐT ngày 24/8/2018 của Bộ GD&ĐT.

Công văn của Sở GD&ĐT Thanh Hóa.


Trước khi thực hiện, nhà trường phải xây dựng Kế hoạch liên kết và có văn bản đề nghị, được phòng GD&ĐT thẩm định đồng ý. Khi thực hiện liên kết phải có hợp đồng giữa hai bên; hợp đồng phải quy định rõ nội dung dạy học, kinh phí, đội ngũ giáo viên, hình thức dạy học và trách nhiệm của mỗi bên.

Đối với các trường liên kết với Trung tâm, giáo viên nhà trường trực tiếp giảng dạy, mức thu không quá 7.000 đồng/tiết học/học sinh. Đối với các trường liên kết, giáo viên của Trung tâm trực tiếp giảng dạy, mức thu không quá 10.000 đồng/tiết học/học sinh”.

Như vậy, việc tổ chức dạy 12 lớp tiếng Anh cho khối lớp 1, lớp 2 của trường Tiểu học Hoằng Trường có thu tiền là việc làm trái phép, vi phạm quy định của Sở GD&ĐT Thanh Hóa tại công văn 2448.

Sở GD&ĐT đã cấm, trường vẫn thu trên 100 triệu đồng may rèm cửa

Ngoài ra, phụ huynh còn phản ánh, đầu năm học này, trường Tiểu học Hoằng Trường đã triển khai thu 100.000 đồng/học sinh may rèm cửa toàn bộ các lớp. Khoản thu này để ngoài kế hoạch.

“Việc làm trên đã vấp phải phản ứng gay gắt của phụ huynh, nhưng giáo viên chủ nhiệm nói đây là chủ trương chung của nhà trường, không dừng được. Tiền thu đã lâu, nhưng mới chỉ vài phòng được lắp rèm.

Con tôi học lớp 3, lớp có 43 học sinh, nghĩa là thu được 4,3 triệu đồng. Nhưng mức may rèm, chỉ ước tính chưa đến 2 triệu đồng theo giá thị trường. Giáo viên giải thích, phải gánh thêm cho văn phòng nhà trường, phòng Hiệu trưởng nữa ”, một phụ huynh cho biết.

Năm học này, trường Tiểu học Hoằng Trường có 1079 học sinh. Theo lý thuyết, mức thu tiền may rèm cửa mỗi học sinh đóng 100.000 đồng, đạt gần 108 triệu đồng.

Hiệu trưởng Lê Công Quân lý giải, do nhà trường mới thay cửa sổ gỗ bằng cửa kính, nên rất nóng vào mùa hè, bởi vậy phải thu tiền may rèm che các phòng học, văn phòng nhà trường và cả phòng Hiệu trưởng.

Công văn của Sở GD&ĐT quy định các khoảng thu chi trong các cơ sở giáo dục năm học 2020-2021.


Ban đầu, ông Quân nói, giáo viên các lớp tự bàn với phụ huynh, tự thu, tự làm, Ban giám hiệu không biết, không liên quan, không có kế hoạch, dự toán. Nhưng chỉ ít phút sau, ông Quân đã bộc bạch “Mức gần 108 triệu làm gì đủ so với dự toán của chúng tôi. Phải có dự toán cả chứ, nếu không quản lý sao được. Cái này, cô Hiệu Phó nắm rõ”.

Bà Hồ Thị Tâm, Phó hiệu trưởng Tiểu học Hoằng Trường cho biết, mức dự toán ban đầu hơn 113 triệu đồng. Hiện đã may rèm lắp được chừng 14 phòng, còn lại 16 phòng nữa, sẽ hoàn thiện vào cuối tuần này.

Khoản thu này, không nằm trong kế hoạch thu chi đầu năm được Phòng GD&ĐT huyện phê duyệt, tức thu chi ngoài ngân sách, và không có văn bản báo cáo Phòng GD&ĐT, ông Quân thừa nhận.

Như vậy, việc nhà trường tự hạch toán rồi phát động thu tiền may rèm cửa, không được Phòng GD&ĐT phê duyệt, không báo cáo bằng văn bản, tự để ngoài kế hoạch chi tiêu đầu năm, là trái quy định.

Điều đáng nói, căn cứ văn bản hướng dẫn “hướng dẫn triển khai, thực hiện các khoản thu, chi ngoài ngân sách trong các trường học năm học 2020 – 2021” số 2448/SGDĐT - KHTC do Sở GĐ&ĐT tỉnh Thanh Hóa ban hành, quy định chi tiết những khoản không được phép thu. Và việc thu tiền may rèm cửa của trường Tiểu học Hoằng Trường đã nằm trong danh mục cấm.

Pháp luật Plus sẽ tiếp tục thông tin.

Tác giả: Hoàng Anh Thắng

Nguồn tin: Pháp Luật Plus

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok