Trong tỉnh

Thanh Hóa: Triển khai Luật Đấu thầu, Luật Giao dịch điện tử

Chiều 27/11, UBND tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai Luật Đấu thầu, Luật Giao dịch điện tử tới cán bộ chủ chốt các ngành, các cấp trên địa bàn.

Tham dự Hội nghị có đồng chí Nguyễn Văn Thi, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa; đại diện các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; các huyện, thị xã, thành phố; thành viên Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật và báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh.

Toàn cảnh Hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Văn Thi cho biết: Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đã thông qua 8 luật mới với nhiều chính sách mới, tiến bộ, cụ thể hóa chủ trương lớn của Đảng trong Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và các nghị quyết của Trung ương. Trong đó, các nội dung liên quan đến Luật Đấu thầu, Luật Giao dịch điện tử có nhiều quy định mới quan trọng, liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực khác nhau.

Ông Nguyễn Văn Thi, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa, phát biểu tại Hội nghị.

Đồng thời, đồng chí Nguyễn Văn Thi đề nghị Giám đốc các sở, thủ trưởng các ban, ngành, đoàn thể của tỉnh; Thường trực huyện, thị, Thành uỷ; HĐND, UBND các huyện, thị xã, thành phố, Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật cấp huyện tổ chức triển khai kịp thời Luật Đấu thầu, Luật Giao dịch điện tử đến cán bộ, công chức và các tầng lớp nhân dân, để luật sớm đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả.

Bà Nguyễn Minh Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Thông tin và Truyền thông) giới thiệu Luật Giao dịch điện tử.

Sở Tư pháp Thanh Hóa - cơ quan Thường trực Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh sẽ tổ chức theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, báo cáo UBND tỉnh.

Sở Kế hoạch và đầu tư, Sở Thông tin và Truyền thông triển khai tập huấn chuyên sâu các văn bản luật và quy định chi tiết một số điều của Luật Đấu thầu, Luật Giao dịch điện tử cho các đối tượng là cán bộ, công chức, người làm công tác tham mưu, quản lý nhà nước.

Ông Hoàng Cương, Trưởng phòng Chính sách đấu thầu (Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư) giới thiệu một số nội dung của Luật Đấu thầu năm 2023.

Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe Phó Cục trưởng cục Quản lý đấu thầu Vũ Quỳnh Lê; Trưởng phòng Chính sách đấu thầu (Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Hoàng Cương truyền đạt các nội dung cơ bản của Luật Đấu thầu năm 2023 và quy định về lựa chọn nhà đầu tư trong Luật Đấu thầu. Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Thông tin và Truyền thông) Nguyễn Minh Hằng giới thiệu các quy định quan trọng của Luật Giao dịch điện tử.

Luật Đấu thầu được Quốc hội khoá XV thông qua ngày 23/6/2023 gồm 10 chương, 96 điều. Luật quy định về quản lý nhà nước đối với hoạt động đấu thầu, thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động đấu thầu; hoạt động lựa chọn nhà đầu tư thực hiện gói thầu, hoạt động lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư kinh doanh.

Luật đã bổ sung quy định nhằm quản lý chặt chẽ hơn hoạt động đấu thầu của doanh nghiệp có vốn của Nhà nước. Theo đó, ngoài doanh nghiệp nhà nước theo quy định của Luật Doanh nghiệp, luật đã bổ sung đối tượng doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Luật quy định cụ thể mối quan hệ cũng như nguyên tắc áp dụng Luật Đấu thầu, pháp luật có liên quan, điều ước quốc tế, thỏa thuận về vốn hỗ trợ phát triển chính thức, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài.

Luật đã có quy định nhằm nâng cao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong việc lựa chọn nhà thầu trên cơ sở bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế và trách nhiệm giải trình đối với hoạt động mua sắm sử dụng nguồn vốn sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước. Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2024.

Luật Giao dịch điện tử được Quốc hội khoá XV thông qua ngày 22/6/2023, gồm 8 chương, 53 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024, thay thế Luật Giao dịch điện tử năm 2005.

Việc sửa đổi, bổ sung Luật Giao dịch điện tử 2005 là rất cần thiết nhằm tạo hành lang pháp lý hoàn thiện, đầy đủ, thuận lợi cho việc chuyển đổi các hoạt động từ môi trường thực sang môi trường số trong tất cả các ngành, lĩnh vực, nhằm chủ động, ưu tiên, khuyến khích thực hiện giao dịch điện tử; phát triển giao dịch điện tử toàn diện bằng các chính sách giúp tối ưu hóa quy trình, rút ngắn thời gian xử lý giao dịch điện tử thuận tiện, an toàn và tin cậy hơn.

Luật Giao dịch điện tử năm 2023 có nhiều điểm mới cần chú ý liên quan đến khái niệm, hành vi bị nghiêm cấm trong giao dịch điện tử, thông điệp dữ liệu, chữ ký điện tử, giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử, giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước, hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử...

Tác giả: Thành Phan

Nguồn tin: congly.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok