Không khó để bắt gặp cảnh học sinh tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm. |
Thống kê của Ban An toàn giao thông tỉnh Thanh Hóa, số vụ tai nạn giao thông liên quan đến người dưới 18 tuổi giảm nhưng số ca tử vong và bị thương ở đối tượng này lại tăng. Điều đáng nói là, sau những cái chết thương tâm của học sinh do tai nạn, ai, tổ chức nào phải chịu trách nhiệm?
Bác sĩ choáng với tình trạng học sinh nhập viện vì TNGT
Ngày 21/11, em H.T.H. (14 tuổi, trú tại thị trấn Vân Du, huyện Thạch Thành, Thanh Hóa) là học sinh của Trường THCS Cẩm Vân (Thạch Thành) điều khiển xe máy va chạm với ô tô và tử vong trên đường đến bệnh viện.
Trước đó không lâu, tại huyện Lang Chánh, vào ngày 9/11, em L.V.Đ., học sinh lớp 11A10, Trường THPT Lang Chánh cũng tử vong do điều khiển xe máy va chạm với xe khách.
Ngoài ra, thời gian gần đây rất nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) xảy ra ở lứa tuổi học sinh. Theo bác sĩ CK1 Phạm Đình Lâm, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi Thanh Hóa, trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận 3 - 4 trường hợp là học sinh bị TNGT.
“Đa số các em bị tai nạn giao thông khi điều khiển xe máy và xe đạp điện, vào điều trị trong tình trạng đa chấn thương. Hầu hết, các bệnh nhân gây tai nạn khi tự điều khiển xe đi học hoặc ngồi cùng xe bạn chở.
Bệnh nhân sau khi thăm khám ban đầu sẽ được chuyển vào các Khoa như: Ngoại - Chấn thương; Răng - Hàm - Mặt và Tai - Mũi - Họng. Mỗi tháng có khoảng 10 ca nặng, một số ca phải chuyển tuyến trên”, bác sĩ Lâm cho biết.
Ghi nhận tại Khoa Ngoại - Chấn thương ngày 23/11, có tới 20 bệnh nhân là học sinh đang điều trị tại đây do TNGT. Hầu hết các em bị chấn thương sọ não, gãy tay, chân…
Em N.T.H.M. (14 tuổi, ở Thiệu Khánh, huyện Thiệu Hóa) đang điều trị tại Khoa Ngoại - Chấn thương trong tình trạng gãy tay, nhiều vết thương ở chân. M. cho biết, bản thân đi xe máy và bị ngã. “Em biết điều khiển xe máy chưa đủ tuổi là vi phạm nhưng hôm đó do vội đi đón em nên em đã mượn xe của bác để đi”, M. nói.
Chị Đỗ Thị Mai (Thọ Xuân) là phụ huynh của một bệnh nhân đang học lớp 11 cho biết, con chị ngồi cùng xe máy với bạn và xảy ra TNGT. Cả hai đều bị thương nặng, con gái chị nhập viện trong tình trạng bị chấn thương não, tay chân trầy xước.
Cùng nằm ở Khoa Ngoại - Chấn thương, phụ huynh của bệnh nhân A.T. (13 tuổi, quê ở xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa) cho biết, con gái chị ngồi cùng xe máy với hai bạn nữa đi chơi trong ngày 20/11. Sau khi va chạm với xe bồn, thì cả ba đều bị chấn thương nặng. Riêng bệnh nhân A.T. bị nặng nhất khi chấn thương não, gãy tay, chân và xương vai.
Điều dưỡng Trưởng khoa Chấn thương Nguyễn Thế Anh cho biết, thời gian gần đây trung bình mỗi tháng có khoảng 100 ca TNGT trong độ tuổi học sinh. Các bệnh nhân vào khoa trong tình trạng chấn thương sọ não, gãy tay, gãy chân…
Thống kê của Ban An toàn giao thông tỉnh Thanh Hóa cho thấy, số vụ TNGT năm 2022 giảm 12,6% so với cùng kỳ năm 2021, giảm 10% số người tử vong, giảm 5,85 số người bị thương. Tuy nhiên, năm 2021, số người tử vong và bị thương dưới 18 tuổi là 49 người còn năm 2022, tính đến nay đã có 69 nạn nhân dưới 18 tuổi tử vong và bị thương.
Học sinh bị tai nạn giao thông đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Thanh Hóa. |
Gia đình, các cấp, ngành đã làm hết trách nhiệm?
Không chỉ các vụ TNGT liên quan đến thanh thiếu niên tăng cao, mà tình trạng vi phạm Luật Giao thông đường bộ của giới trẻ cũng ngày càng báo động.
Một thực tế cho thấy, không khó để gặp trên các tuyến đường hình ảnh học sinh điều khiển phương tiện với tốc độ cao, vượt ẩu, lạng lách, đánh võng, chở quá số người quy định, đi dàn hàng ngang, vượt đèn đỏ, đặc biệt khi tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm…
Lực lượng chức năng cũng đã tuyên truyền, nhắc nhở cũng như thường xuyên tuần tra, xử lý các trường hợp học sinh vi phạm, nhất là ở các trường học nằm trên các tuyến quốc lộ nhưng vẫn không thể kiểm soát hết việc tham gia giao thông của học sinh.
Việc học sinh điều khiển xe khi chưa nắm rõ kiến thức và kỹ năng tham gia giao thông an toàn là vô cùng nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra TNGT.
Để nâng cao nhận thức, kỹ năng tham gia giao thông an toàn cho học sinh cần có sự kết hợp của cả “gia đình - nhà trường - xã hội” trong việc giáo dục, cảnh cáo, nhắc nhở học sinh tham gia giao thông.
Tuy nhiên, hiện nay, một bộ phận phụ huynh vẫn mặc nhiên để con em đến trường bằng xe máy khi chưa đủ tuổi hoặc chưa có giấy phép lái xe. Bên cạnh đó, rất nhiều trường THPT trên địa bàn Thanh Hóa hiện nay không kiểm soát được học sinh của nhà trường đi loại xe quá số phân khối cho phép. Thậm chí, Sở GD&ĐT Thanh Hóa không nắm được số vụ TNGT xảy ra ở các cấp học trên địa bàn.
Thống kê của Công an huyện Cẩm Thuỷ (Thanh Hoá), trong năm 2021, có tới gần 200 học sinh bị xử lý vi phạm an toàn giao thông. Trong đó, các em thường mắc các lỗi như: Chưa đủ tuổi điều khiển xe gắn máy, xe trên 50 phân khối, không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định; thậm chí có học sinh vi phạm nhiều lần.
Theo ông Nguyễn Hồng Phong, chuyên viên Phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD&ĐT Thanh Hóa, tình trạng TNGT ở học sinh ngày càng phức tạp. Học sinh đi xe máy khi chưa đủ tuổi xuất phát từ nhiều nguyên nhân, nhưng trên hết vẫn là sự buông lỏng quản lý từ phía gia đình và nhận thức chưa cao của các em học sinh.
“Ngành Giáo dục liên tục tuyên truyền bằng nhiều hình thức đến học sinh và giáo viên, nhà trường. Đồng thời, sở cũng yêu cầu các đơn vị trường học phải có trách nhiệm báo cáo các vụ TNGT ở học sinh lên sở. Tuy nhiên, riêng cấp tiểu học từ năm học trước đến nay chưa có trường nào báo cáo lên. Nếu nhà trường không báo cáo trung thực thì sở cũng không thể kiểm soát được và hiện chưa có chế tài để xử lý các nhà trường về việc này”, ông Phong cho biết thêm.
Tác giả: N.Thùy
Nguồn tin: giaoducthoidai.vn