Kinh tế

Thanh Hóa: Thu hút doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực nước sạch nông thôn, miền núi

Hàng trăm công trình cấp nước sinh hoạt tập trung ở khu vực miền núi tỉnh Thanh Hóa đã hư hỏng, không thể sử dụng. Vì vậy, Tỉnh đang rất cần các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.

Hiện khu vực miền núi của tỉnh Thanh Hóa có 501 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, trong đó có 152 công trình đã hư hỏng, không thể hoạt động, gây lãng phí nguồn vốn đầu tư của Nhà nước.

Bà Nguyễn Thị Anh Nga, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Thanh Hóa), cho biết: Để đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt cho người dân, Chi cục Thủy lợi đã tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn kiến nghị UBND tỉnh đẩy mạnh công tác xã hội hóa để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nước sạch nông thôn, đặc biệt là khu vực miền núi.

Đối với các xã đặc biệt khó khăn không thu hút được doanh nghiệp, tỉnh ưu tiên từ nguồn vốn ODA, vốn ngân sách Nhà nước đầu tư, nâng cấp các công trình bị hư hỏng, xuống cấp và đầu tư xây dựng mới, để người dân khu vực miền núi có nguồn nước hợp vệ sinh, nước sạch phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt, sản xuất; góp phần thúc đẩy sự phát kinh tế - xã hội cho địa phương”.

Nhiều công trình cấp nước tập trung trên địa bàn huyện Quan Sơn không thể sử dụng


Người dân thôn 4, xã Thành Kim, huyện Thạch Thành cho biết: Năm 2010, thôn được nguồn ngân sách nhà nước đã đầu tư hơn 1 tỷ đồng để xây dựng công trình nước sạch Nano. Năm 2011, khi vừa đưa vào vận hành được một thời gian thì công trình xuống cấp, hư hỏng. Kể từ đó đến nay, do không được quản lý nên nhà máy nước sạch đã trở nên hoang tàn, xuống cấp nghiêm trọng. Đối với máy móc, đường ống thì bị rỉ sét, vỡ thành nhiều đoạn…

Cũng trên địa bàn huyện Thạch Thành, từ nguồn vốn của Chương trình Mục tiêu quốc gia 134, công trình cấp nước tập trung thôn Mỹ Đàm đã được khởi công xây dựng từ giữa năm 2014 với số tiền 1,3 tỷ đồng. Tháng 11/2014 công trình được hoàn thiện và đưa vào sử dụng. Tuy vậy, khi vừa vận hành được một thời gian công trình đã “đắp chiếu” do thiếu nước. Hiện 4 bể chứa nước ở đây đều không thể sử dụng.

Bể chứa nước sạch tại thôn Mỹ Đàm (xã Thành Minh) “đắp chiếu” suốt 7 năm qua.


Ông Trương Văn Thuận, Trưởng thôn Mỹ Đàm bày tỏ: Hiện toàn thôn có khoảng 200 hộ dân chưa có nước sạch. Khi có dự án về, bà con hết sức phấn khởi và kì vọng sẽ được dùng nước sạch. Nhưng rất buồn, công trình đã không thể phát huy công năng, sau khi bỏ hoang gần 7 năm nay thì hệ thống van nước, đường ống dẫn đã bị hoen rỉ, vỡ nát. Mới đây, huyện về kiểm tra cũng nhận định là không thể phục hồi được nữa.

Trên địa bàn xã Trung Tiến (huyện Quan Sơn) có 7 công trình nước sinh hoạt tập trung thì hiện chỉ còn 1 công trình hoạt động bình thường, số còn lại hư hỏng nặng cần khắc phục sửa chữa. Tại bản Đe, Công trình nước sinh hoạt tập trung được xây dựng từ năm 2008, tổng mức đầu tư hơn 1 tỷ đồng, bằng nguồn vốn Chương trình 134. Công trình hoàn thành đã cung cấp nước sinh hoạt cho 107 hộ dân với 515 nhân khẩu. Tuy nhiên, sau một thời gian sử dụng, công trình đã hư hỏng và bỏ không nhiều năm nay. Để duy trì sinh hoạt, người dân đã phải sử dụng trực tiếp từ mó nước. Tuy nhiên vào mùa khô, nước mó cạn, người dân ở đây phải chắt chiu, tiết kiệm mới đủ dùng”.

Theo ông Lò Văn Duyến, Trưởng bản Đe, sau hơn 10 năm sử dụng, công trình hư hỏng và không thể sử dụng được nữa. Ðể bảo đảm nguồn nước phục vụ sinh hoạt, người dân trong bản mong muốn các cơ quan chức năng sửa chữa để đảm bảo nước sinh hoạt.

Thông tin từ UBND huyện Quan Sơn, trên địa bàn toàn huyện có 96 công trình cấp nước tập trung do nhà nước đầu tư. Trong đó, hiện có 28 công trình không hoạt động, 37 công trình hư hỏng cần sửa chữa, khắc phục.

Ông Trương Quang Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Quan Sơn, cho biết: Các công trình nước sinh hoạt tập trung của huyện được xây dựng từ lâu, chủ yếu từ năm 1998-2009, nên nhiều hạng mục bị hư hỏng nặng. Vì vậy, huyện Quan Sơn rất cần được tỉnh bổ sung kinh phí sửa chữa, nâng cấp các công trình, đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt cho Nhân dân. Cùng với đó, huyện cũng đang tích cực kêu gọi các nhà đầu tư nhằm thực hiện xã hội hóa việc cấp nước sinh hoạt.

Tương tự, tại huyện Lang Chánh, trong số 45 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung trên địa bàn, hiện chỉ có 11 công trình quản lý sử dụng tốt, 16 công trình hoạt động kém hiệu quả, 18 công trình đã ngưng hoạt động.

Không chỉ ở Thạch Thành, Quan Sơn, Lang Chánh, tình trạng các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung bị hư hỏng, xuống cấp nặng nề cũng đang diễn ra tại các huyện: Mường Lát, Quan Hóa, Bá Thước, Thường Xuân...

Theo các nhà chức trách, nguyên nhân các công trình cấp nước trên bị hư hỏng là do được xây dựng ở vùng miền núi, những nơi có địa hình phức tạp, đường ống dẫn nước dài, xa khu dân cư khiến cho công tác quản lý, gặp nhiều khó khăn. Cùng với đó là thời tiết cực đoan, mưa lớn, lũ ống, lũ quét xảy ra thường xuyên, ảnh hưởng rất lớn đến tuổi thọ công trình, trong khi nguồn kinh phí để duy tu bảo dưỡng hầu như không có.

Nhiều năm trở lại đây, mực nước tại các đập chứa, các khe, suối giảm đáng kể, trong khi nhu cầu sử dụng của người dân ngày càng cao nên nhiều công trình không đủ nguồn nước cung cấp hoặc chỉ đủ cho một số cụm dân cư. Một nguyên nhân nữa, các công trình này do cán bộ thôn, bản trực tiếp quản lý theo chế độ kiêm nhiệm, chưa qua đào tạo quản lý, vận hành nên cũng đem lại những hạn chế nhất định

Tác giả: Minh Châu

Nguồn tin: baodautu.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok