Xã hội

Thanh Hóa: Thống nhất phương án xây dựng cầu Cẩm Vân qua sông Mã

Trên cơ sở ý kiến thống nhất của các Sở, ngành, đơn vị liên quan, mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Mai Xuân Liêm đã có ý kiến chỉ đạo thống nhất phương án thiết kế cầu xã Cẩm vân, huyện Cẩm Thủy.

Khi mùa mưa tới, nước sông Mã dâng lên rất nhanh, cầu bị cắt nên việc đi lại vô cùng khó khan, phải nhờ vào sự hỗ trợ của chính quyền địa phương.


Trước đó, UBND tỉnh Thanh Hóa nhận được Công văn số 4336/SGTVT-TĐKHKT ngày 28/7/2023 của Sở Giao thông Vận tải về việc phương án thiết kế cầu Cẩm Vân qua sông Mã, thuộc Dự án đầu xây dựng cầu Cẩm Vân, huyện Cẩm Thủy. Trên cơ sở ý kiến thống nhất của các Sở, ngành, đơn vị liên quan tại cuộc họp ngày 4/8/2023, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Mai Xuân Liêm đã có ý kiến chỉ đạo thống nhất phương án thiết kế, theo hướng tuyến bước lập chủ trương đầu tư; điểm đầu giao với Đường tỉnh 518B tại vị trí Chợ Bãi (Km14+621/ĐT.518B) thuộc xã Cẩm Vân; điểm cuối giao với Quốc lộ 217 tại Km41+191/QL 217 thuộc xã Cẩm Tân và giải pháp thiết kế cầu Cẩm Vân, huyện Cẩm Thủy theo đề xuất của Sở Giao thông Vận tải tại Công văn số 4336/SGTVTTĐKHKT ngày 28/7/2023.

Đồng thời, giao Ban quản lý dự án đầu tư, công trình giao thông Thanh Hóa (chủ đầu tư) chủ động đấu mối, phối hợp với UBND huyện Cẩm Thủy, Sở Xây dựng, Sở Giao thông Vận tải, để cập nhật hướng tuyến đường vào Quy hoạch chung đô thị Cẩm Tân, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2045 và các quy hoạch khác có liên quan đảm bảo theo quy định.

Chỉ đạo đơn vị tư vấn và đơn vị liên quan khẩn trương nghiên cứu, hoàn thiện hồ sơ Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư xây dựng cầu Cẩm Vân, huyện Cẩm Thủy và trình thẩm định, phê duyệt theo đng quy định của pháp luật.

UBND huyện Cẩm Thủy, phối hợp với Ban Quản lý dự án đầu tư, công trình giao thông Thanh Hóa, tư vấn thiết kế xác định khối lượng, chi phí giải phóng mặt bằng; chịu trách nhiệm về tính chính xác đối với khối lượng các loại đất theo bản vẽ chiếm dụng do chủ đầu tư cung cấp, tính chính xác của đơn giá ban hành trên địa bàn để áp giá tính chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh.

Ông Phạm Văn Thư, thôn 102 xã Cẩm Yên chia sẻ: “Cây cầu cứng là niềm mong ước của hàng nghìn bà con mấy xã chúng tôi. Vì đường giao thông không thuận tiện nên người dân sản xuất, canh tác ra nông sản khi bán ra với giá khá thấp, có khi còn lỗ vốn. Chưa kể đến mùa nước lên học sinh phải nghỉ học. Hàng năm đều có người thiệt mạng khi tham gia giao thông qua cây cầu phao hiện tại. Nay được Nhà nước đầu tư xây dựng cây cầu cứng thì vui lắm, đời sống người dân quanh vùng sẽ phát triển hơn rất nhiều. Mong điều ước này sớm trở thành hiện thực”.

Bà Cao Thị Mai, xã Cẩm Vân phân trần: “Do điều kiện địa hình nên việc đi lại của bà con gặp nhiều khó khăn, thường xuyên phải chịu cảnh chia cắt khi vào mùa mưa lớn. Để vượt qua bên kia sông, chính quyền đã xây dựng cầu phao bằng thùng sắt lớn ghép vào nhau. Cây cầu phao chỉ khoảng 3m chiều ngang đủ chỗ cho một chiếc xe ôtô loại nhỏ đi qua. Khi mùa mưa tới, nước sông Mã dâng lên rất nhanh, cầu bị cắt nên việc đi lại vô cùng khó khăn phải nhờ vào sự hổ trợ của chính quyền địa phương. Đây cũng là rào cản phát triển kinh tế của nhiều hộ dân quanh vùng. Chúng tôi luôn mong có cây cầu bắc qua song, để đi lại an toàn hơn trong mùa mưa bão”.

Trao đổi với ông Phạm Viết Hoài – Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Phát triển hạ tầng giao thông nông thôn không chỉ giúp người dân đi lại thuận tiện, rút ngắn khoảng cách giữa các khu vực, mà còn tạo đà để phát triển kinh tế phục vụ cho việc phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập của địa phương; góp phần vào việc nâng cao tiêu chí giao thông nông thôn. Được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo từ Trung ương tới địa phương, đến nay dự án mới triển khai đến bước thống nhất phương án xây dựng của các Sở, ngành, đơn vị liên quan”.

Tác giả: Tiến Anh

Nguồn tin: baoxaydung.com.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok