Du lịch

Thanh Hóa tập trung khai thác thị trường du lịch nội địa sau đại dịch

Để "hút" du khách nội địa,các doanh nghiệp đã giảm giá vé, tiền phòng, khuyến mãi các dịch vụ, quà tặng đi kèm hoặc thu hút khách du lịch bằng các tour kết hợp tắm biển với tham quan di tích...

Hàng nghìn du khách tắm tại bãi biển Sầm Sơn. (Ảnh: Trịnh Duy Hưng/TTXVN)

Theo Công điện khẩn số 11 của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa, từ ngày 25/4, các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa được phép đón khách nội tỉnh tham quan du lịch, tắm biển nhưng không quá 10 người/nhóm và phải thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch theo quy định và giãn cách xã hội.

Mặc dù còn nhiều hạn chế trong việc đón tiếp khách cũng như dịch vụ du lịch, nhưng đây được coi là hoạt động "mở hàng" của du lịch Thanh Hóa sau thời gian dài “ngủ đông” do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Tập trung khai thác thị trường nội địa

Ngay khi mở cửa trở lại, các khu, điểm du lịch Thanh Hóa đã triển khai hàng loạt các hành động cụ thể nhằm phục hồi lại ngành du lịch. Nhiều doanh nghiệp du lịch đã chuyển hướng để "hút" du khách nội địa như giảm giá vé, tiền phòng, khuyến mãi các dịch vụ, quà tặng đi kèm hoặc thu hút khách du lịch bằng các tour kết hợp tắm biển với tham quan di tích, danh thắng...

Các đơn vị lữ hành nội địa trên địa bàn tỉnh đã và đang tích cực tìm nhiều biện pháp vượt khó như bán tour online, tìm kiếm và xây dựng sản phẩm mới, chăm sóc khách hàng, tham gia liên minh kích cầu du lịch để khảo sát, chào bán các sản phẩm du lịch nội địa trong thời gian tới.

Vì thế, những ngày qua, tại các điểm tham quan du lịch trọng điểm của Thanh Hóa như Khu du lịch biển Sầm Sơn, Hải Tiến, Hải Hòa; Khu du lịch Pù Luông, Thành nhà Hồ... đã bắt đầu thu hút khách đến tham quan, nghỉ dưỡng.

Dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5, Thanh Hóa ước tính đón hơn 380.000 lượt khách, trong đó Khu du lịch biển Sầm Sơn đón 305.700 lượt khách, Du lịch biển Hải Tiến đón 20.600 lượt khách, Khu di tích Lam Kinh 1.000 lượt khách,…; tổng thu du lịch đạt 298 tỷ đồng.

Theo thống kê của Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Thanh Hóa, chỉ riêng trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, toàn tỉnh ước đón khoảng 380.400 lượt khách, tổng thu du lịch ước đạt 298 tỷ đồng. Dù các con số này giảm gần 50% so với cùng thời điểm năm 2019 nhưng điều này cho thấy du lịch đang khởi sắc trở lại và với đà này ngành du lịch Thanh Hóa hoàn toàn có thể sẽ sớm vượt “bão COVID-19” ngay trong quý 2.

Khu di tích Hàm Rồng. (Nguồn: thanhhoa.gov.vn)

Ngành du lịch Thanh Hóa đang chú trọng xây dựng các điểm đến an toàn, sát với năm tiêu chí được Hiệp hội Du lịch Việt Nam đề ra trong bộ “Tiêu chí Du lịch an toàn với dịch COVID-19." Đặc biệt, ngành tập trung vào các giải pháp đẩy mạnh truyền thông quảng bá “Thanh Hóa, điểm đến an toàn và hấp dẫn” để chào đón khách du lịch trở lại Thanh Hóa.

Trước tiên, ngành tập trung vào các tour ngắn ngày, với nhóm khách hạn chế để khởi động thị trường du lịch. Sau đó, các đơn vị sẽ triển khai mở rộng thị trường cùng nhiều chương trình kích cầu hấp dẫn khác. Đây cũng được xem là quỹ thời gian chờ đợi để có thể khai thác thị trường khách quốc tế trở lại khi dịch bệnh kết thúc.

Đặc biệt, tranh thủ thời gian nghỉ dịch, các địa phương có khu, điểm du lịch đã tập trung cải tạo, nâng cấp điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nguồn nhân lực để đón tiếp, hướng dẫn, phục vụ du khách tới tham quan, trong đó đặc biệt chú trọng công tác vệ sinh môi trường, tạo cảnh quan xanh-sạch-đẹp, bảo đảm an ninh trật tự cũng như các tiêu chí an toàn đón khách.

Thanh Hóa đặt mục tiêu trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2030

Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 tại Quyết định 1629/QĐ-TTg.

Theo Quy hoạch, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030 sẽ trở thành tỉnh công nghiệp, có kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ, từng bước hiện đại; phù hợp với tình hình thực tế, xu thế phát triển của vùng, quốc gia, khu vực ASEAN và quốc tế.

Một cơ sở lưu trú trên địa bàn thành phố Sầm Sơn. (Ảnh: Hoa Mai/TTXVN)

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Quy hoạch được lập dựa trên phương pháp tiếp cận tổng hợp, đa chiều, đa lĩnh vực, đảm bảo các yêu cầu về tính khoa học, tính phù hợp, tính thực tiễn và ứng dụng công nghệ hiện đại.

Theo đó, nội dung lập Quy hoạch gồm phân tích, đánh giá, dự báo các yếu tố, điều kiện phát triển đặc thù của tỉnh Thanh Hóa; xác định, lựa chọn phương án phát triển, phương hướng phát triển các ngành quan trọng trên địa bàn và phương án tổ chức hoạt động kinh tế-xã hội; phương hướng phát huy tiềm năng, lợi thế, đặc thù của tỉnh./.

Nguồn tin: vietnamplus.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok