Theo đó, Sở GD&ĐT Thanh Hóa đã có công văn đề nghị tạm dừng công tác tuyển sinh hệ cử tuyển năm 2018.
Theo ông Phạm Đăng Quyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, hiện nay, học sinh, sinh viên (HS, SV) của tỉnh Thanh Hóa đã tốt nghiệp hệ cử tuyển nhưng chưa bố trí được việc làm chiếm tỷ lệ cao.
Để giải quyết việc làm cho số HS, SV nêu trên, năm 2018 tạm dừng công tác tuyển sinh hệ cử tuyển như đề nghị của Sở GD&ĐT.
Ông Quyền giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Sở GD&ĐT, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan tiếp tục rà soát, bố trí việc làm đối với HS, SV tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung cấp hệ cử tuyển chưa bố trí được việc làm trong thời gian qua theo quy định hiện hành của pháp luật. Định kỳ, 6 tháng báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh kết quả triển khai thực hiện.
Theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa, hiện nay tại địa phương này còn 860 trường hợp SV hệ cử tuyển đã tốt nghiệp chưa được bố trí việc làm.
Theo ý kiến đề xuất của Sở GD&ĐT thì phương thức cử tuyển mỗi năm một lần không còn phù hợp với thực tiễn của công tác cán bộ và quy hoạch cán bộ, dẫn đến số SV cử tuyển tốt nghiệp ra trường không bố trí được việc làm qua hàng năm ngày càng nhiều.
Đồng thời, chất lượng đào tạo SV cử tuyển thấp do quy định về điều kiện đủ để được đi học cử tuyển thấp.
Trên cơ sở đó, Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa đề nghị thay đổi tần suất tuyển sinh cử tuyển. Theo đó, có thể tuyển sinh 2 hoặc 3 năm 1 lần (thay vì mỗi năm 1 lần như hiện nay); nâng mức quy định về điều kiện để được đi học cử tuyển lên cao hơn một mức (cả học lực và hạnh kiểm) so với quy định hiện hành; gắn trách nhiệm của địa phương trong việc cử người đi học và tiếp nhận SV sau khi tốt nghiệp ra trường trở về địa phương.
Tác giả: Duy Tuyên
Nguồn tin: Báo Dân trí