Canh cánh nỗi lo
Theo ông Thao Văn Thái - cán bộ công chức địa chính xã Trung Lý, hiện nay trên địa bàn toàn xã, đường vào bản Tung là tuyến còn khó đi nhất của xã. Đây là tuyến đường nối từ trung tâm xã với bản Tung có chiều dài khoảng 12km, nằm vắt vẻo, quanh co trên các sườn đồi. Do ảnh hưởng của mưa lũ, nhiều đoạn đã bị sạt lở làm đứt gãy mặt đường, khiến việc đến bản thêm phần khó khăn. Bản Tung hiện có 63 hộ dân với hơn 300 nhân khẩu, trong đó có 57 hộ nghèo, còn lại là hộ cận nghèo.
![]() |
Một điểm sạt lở trên đường vào bản Tung xuất hiện năm 2024. Ảnh: Nguyễn Chung |
Trong căn nhà gỗ đã xuống cấp, nhiều bức vách đã bị gãy, ông Giàng A Hòa - Trưởng bản Tung cho biết: Cuộc sống của bà con dân bản chủ yếu dựa vào nương rẫy, trồng ngô, sắn, chăn nuôi nhỏ lẻ. Giao thông khó khăn nên sản xuất mang tính tự cung, tự cấp là chính. Chính vì vậy mà tỷ lệ hộ nghèo của bản còn chiếm tới gần 100%. Tuy nhiên, điều khiến người dân nơm nớp lo sợ nhất hiện nay vẫn là nguy cơ sạt lở luôn thường trực. Do địa hình nằm sát sườn núi cao, phía dưới là suối Tung. Sau đợt mưa lũ năm 2018, phía trên đồi xuất hiện vết nứt kéo dài, nhiều đất đá đổ xuống sát mép bản, người dân phải di dời khẩn cấp. Vì vậy, bản Tung được đưa vào diện tái định cư (TĐC) tập trung.
“Theo kế hoạch thì chúng tôi phải được di dời khỏi vùng có nguy cơ sạt lở từ lâu. Thế nhưng không hiểu vì thiếu đất TĐC hay thiếu vốn đầu tư mà đến nay mọi việc vẫn bị “treo” mà chưa có phương án xử lý cụ thể. Điều mà người dân bản Tung mong muốn nhất hiện nay là được chuyển đi đến nơi ở mới để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản và yên tâm sinh sống, phát triển kinh tế, thoát khỏi nghèo đói”- ông Hòa bày tỏ.
Ông Giàng A Hòa dẫn chúng tôi đến để chứng kiến các vết nứt trên ngọn đồi nằm ngay phía sau nhà, không giấu được nỗi lo lắng của mình, ông Hòa cho biết thêm: Bản Tung có nguy cơ bị ảnh hưởng sạt lở, lũ quét rất cao. Bởi vì cung sạt tại 2 điểm trên đỉnh đồi bao quanh bản dài khoảng 150m. Cung sạt sâu và rộng, độ sạt lún có độ chênh khoảng từ 1,8m đến 2,5m... Mùa mưa bão năm nào cũng vậy, bà con luôn trong trạng thái sẵn sàng sơ tán.
Việc nằm trong diện phải di dời nhưng chưa thể triển khai đã khiến đời sống của bà con dân bản gặp rất nhiều khó khăn. Theo thống kê, bản Tung có khoảng 50% số hộ dân có nhà ở không đảm bảo an toàn. Nhiều mái nhà đã cũ mục, vách xập xệ nhưng do nằm trong diện chờ TĐC nên người dân không thể đầu tư cải tạo, sửa chữa. Thêm nữa, hiện tại bản vẫn chưa có điện lưới quốc gia. Trước những bất cập trên, người dân xã Trung Lý đã nhiều lần kiến nghị tới các cấp chính quyền tại các cuộc tiếp xúc cử tri, mong sớm có phương án tháo gỡ. Một số ý kiến đề xuất có thể điều chỉnh định mức đầu tư hoặc xin cơ chế đặc thù cho vùng có nguy cơ sạt lở cao. Song, đến nay nguyện vọng của bà con vẫn chưa được giải quyết.
Khó xây dựng khu tái định cư
Được biết Dự án sắp xếp, ổn định dân cư cho 63 hộ dân bản Tung, thuộc xã Trung Lý được UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt chủ trương đầu tư từ năm 2022, quy mô diện tích khoảng 6ha, với tổng mức đầu tư 18,9 tỷ đồng. Ban đầu, vị trí thực hiện khu TĐC tập trung đã được phê duyệt có nguồn gốc là đất rừng sản xuất, địa hình phức tạp và khối lượng san lấp lớn, địa chất nhiều đá dẫn đến tổng mức đầu tư dự kiến lớn nên không thể thực hiện được.
Trước vấn đề trên, huyện Mường Lát (cũ) đã tiến hành khảo sát và lựa chọn vị trí xây dựng khu TĐC mới, nguồn gốc là đất rừng sản xuất, hiện trạng là đất rừng trồng, đất nương rẫy, với diện tích thực hiện dự án khoảng 3,1ha. Cự ly từ bản cũ sang địa điểm dự kiến xây dựng khu TĐC mới là 1km. Qua khảo sát vị trí mới có địa hình bằng phẳng, địa chất ít đá, giảm chi phí san lấp mặt bằng đảm bảo theo định mức đầu tư. Mặc dù vậy, đến thời điểm hiện tại, dự án vẫn đang chậm triển khai do vướng mắc các thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Trao đổi với phóng viên Báo Đại đoàn kết, ông Trần Văn Thắng - Chủ tịch UBND xã Trung Lý cho biết: Do có nhiều vướng mắc như đã nêu ở trên, nên việc xây dựng khu TĐC và di dời toàn bộ 63 hộ dân tại bản Tung là chưa thể thực hiện ở thời điểm hiện tại. Vấn đề khó nhất hiện nay vẫn là vốn đầu tư. Hiện chúng tôi đã làm tờ trình gửi các sở, ngành có liên quan của tỉnh để xin phê duyệt chủ trương. Trong khi chưa thể di dời người dân đến nơi ở mới, trước mắt xã đã giao lực lượng dân quân, công an, địa chính và người dân theo dõi sát sao diễn biến sạt lở, đặt biển cảnh báo... đặc biệt là vào mùa mưa lũ. Nếu cần thiết sẽ khẩn trương di dời các hộ dân ra khỏi vùng sạt lở nguy hiểm.
Tác giả: Nguyễn Chung
Nguồn tin: daidoanket.vn