Ảnh minh hoạ |
Cụ thể, theo quyết định 612/QĐ -UBND, ban hành ngày 15/2, UBND tỉnh Thanh Hoá đã phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 Khu công nghiệp số 11, Khu kinh tế Nghi Sơn thuộc địa giới hành chính xã Trường Lâm, thị xã Nghi Sơn.
Đây sẽ là Khu công nghiệp đa ngành, ưu tiên loại hình công nghiệp cơ khí, lắp ráp động cơ và kho trung chuyển; bổ sung loại hình công nghiệp phụ trợ phục vụ lọc hoá dầu, chế tạo, vật liệu xây dựng. Dự kiến, quy mô lao động tối đa khoảng 16.500 người, dân số vào khoảng 5.000 người.
Diện tích lập quy hoạch là 567 ha. Trong đó, trên phần đất công cộng 0,89 ha (chiếm 0,16%) và đất dịch vụ thương mại 3,75 ha (chiếm 0,66%) sẽ bố trí các công trình dịch vụ, bến xe, công cộng tại vị trí giáp tuyến đường Quốc lộ 1A và nút giao thông giao cắt giữa các trục đường chính của khu công nghiệp. Mật độ xây dựng 30-40%, tầng cao công trình là 2-5 tầng.
Trên phần đất công nghiệp 160,02 ha (chiếm 28,20%), loại hình công nghiệp chủ đạo là cơ khí lắp ráp và cơ khí chế tạo được bố trí theo mức độ ô nhiễm. Các loại hình công nghiệp có mức độ ô nhiễm ít bố trí ở phía Đông, các loại hình công nghiệp có mức độ ô nhiễm cao hơn bố trí về phía Tây Nam. Mật độ xây dựng 50-70%, tầng cao công trình 1-2 tầng.
Với đất khu dân cư 61,64 ha (chiếm 10,86), gồm: đất dân cư hiện trạng, đất tái định cư, đất nhà ở dành cho công nhân và đất nhà ở xã hội, ... sẽ được bố trí tại phía Tây Quốc lộ 1A và phía Tây Bắc khu đất, được đầu tư đồng bộ về hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật. Mật độ xây dựng chiếm 40-80%, tầng cao công trình 1-5 tầng…
Cùng ngày, lãnh đạo tỉnh cũng đã phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 Khu công nghiệp số 17, Khu kinh tế Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa với quy mô khoảng 782 ha. Theo quy hoạch, đây là khu công nghiệp tập trung đa ngành, ưu tiên các ngành sử dụng công nghệ cao, công nghiệp ứng dụng R&D, các khu khởi nghiệp gắn với trung tâm giáo dục và đào tạo. Dự báo quy mô lao động khoảng 19.945 người.
Trong khu công nghiệp này, đất công nghiệp chiếm tổng diện tích 570,12 ha, gồm: đất nhà máy, xí nghiệp 398,89 ha (chiếm 69,97%) với các lô đất được phân lô linh hoạt, có thể ghép nối nhiều lô để đáp ứng yêu cầu xây dựng của các nhà máy có quy mô lớn, đảm bảo khả năng kết nối giao thông và đấu nối với hệ thống hạ tầng kỹ thuật của khu công nghiệp. Mật độ xây dựng tối đa 60%, tầng cao công trình tối đa 7 tầng; Đất ngoài khu công nghiệp 211,88 ha, gồm: đất giao thông (đường Cảng hàng không Thọ Xuân đi Khu kinh tế Nghi Sơn), đất cây xanh đô thị, đất đồi núi, đất quân sự. Hệ thống giao thông đối nội được bố trí kết nối với tuyến đường giao thông đối ngoại, đảm bảo tiếp cận thuận tiện đến từng lô đất…
Ngoài phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng 2 Khu công nghiệp trên, Thanh Hoá cũng đồng thời phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 Khu công nghiệp số 5, Khu kinh tế Nghi Sơn. Theo đó, diện tích nghiên cứu lập quy hoạch khoảng 567,42 ha, quy mô lao động tối đa khoảng 16.400 người.
Đây sẽ là Khu công nghiệp đa ngành, ưu tiên loại hình công nghiệp cơ khí, lắp ráp động cơ và kho trung chuyển; bổ sung loại hình công nghiệp phụ trợ phục vụ lọc hoá dầu, chế tạo, vật liệu xây dựng; Là đầu mối tổ chức vận tải hàng hóa bằng container gắn liền với hoạt động của cảng biển, đường bộ, đường sắt.
Tại khu công nghiệp này, đất dịch vụ thương mại chiếm 15.93 ha (2.81%); Đất kho ngoại quan, tập kết container, ga đường sắt 59.56 ha (chiếm 10.5%); Đất khu dân cư là 23.77 ha (chiếm 4.19%) với mật độ xây dựng 40-80%, tầng cao công trình 2-5 tầng; Đất giao thông chiếm 110.76 ha (19.52%); Đất công nghiệp 203.22 ha (chiếm 35.81%). Loại hình công nghiệp chủ đạo là sản xuất cơ khí, lắp ráp động cơ, công nghiệp phụ trợ phục vụ lọc hoá dầu, chế tạo, vật liệu xây dựng được bố trí theo mức độ ô nhiễm.
Cụ thể, công nghiệp cơ khí, lắp ráp động cơ có mức độ ô nhiễm ít bố trí ở phía Đông, khu đất giáp với quốc lộ 1A. Công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng bố trí gần các mỏ đá. Công nghiệp công nghiệp phụ trợ phục vụ lọc hoá dầu, chế tạo bố trí về phía Tây khu đất.
Tại đây sẽ đầu tư xây dựng khu cảng cạn, trung tâm logistics gắn kết với ga đường sắt Trường Lâm, là đầu mối tổ chức vận tải gắn liền với hoạt động của cảng biển, ga đường sắt, giúp tăng hiệu quả của hoạt động xuất nhập khẩu của Khu kinh tế Nghi Sơn nói riêng và Thanh Hoá nói chung.
Tác giả: Phan Dương
Nguồn tin: vneconomy.vn