Trong tỉnh

Thanh Hóa: Sẽ có nhiều thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu

Theo báo cáo của Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), Thanh Hóa hiện có 20/122 thôn, bản thuộc các xã đặc biệt khó khăn đạt chuẩn NTM. Dự kiến đến hết năm 2020, toàn tỉnh có thêm 17 thôn, bản đạt tiêu chí NTM kiểu mẫu.

Từ 6 mô hình thôn, bản NTM kiểu mẫu thí điểm…

Nhận thấy các tiêu chí xây dựng NTM có đến 14/19 tiêu chí liên quan trực tiếp đến thôn, bản; ngay từ đầu, Thanh Hóa đã chủ trương xây dựng mô hình NTM cấp thôn, bản ở các huyện miền núi với phương châm có nhiều thôn, bản NTM ắt sẽ có xã NTM.

Để tạo chuyển biến trong xây dựng NTM ở những vùng đặc biệt khó khăn, từ năm 2013, Thanh Hóa đã chủ động xây dựng, thực hiện thí điểm mô hình NTM cấp thôn, bản ở các huyện miền núi và năm 2014 thực hiện diện rộng trên toàn tỉnh. Năm 2017, Thanh Hóa đã triển khai xây dựng thí điểm 6 mô hình thôn, bản NTM kiểu mẫu ở cả miền núi, trung du và đồng bằng.

Trên cơ sở kế thừa và phát triển bộ tiêu chí thôn, bản NTM, tỉnh đã chỉ đạo Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng NTM dự thảo bộ tiêu chí thôn NTM kiểu mẫu gồm 14 tiêu chí, 50 chỉ tiêu cụ thể, theo hướng nâng cao toàn diện các chỉ tiêu, tiêu chí làm cơ sở cho việc rà soát, đánh giá, lựa chọn và triển khai thực hiện xây dựng thí điểm mô hình thôn NTM kiểu mẫu. Sau gần 3 năm thực hiện, 6 mô hình thí điểm đã thành công, tạo nền tảng xây dựng xã NTM kiểu mẫu, huyện NTM kiểu mẫu.

Mô hình trồng rau công nghệ cao giúp người dân tăng thu nhập

Tính đến nay đã có 89 thôn, bản của 24 huyện, thị xã, thành phố đăng ký phấn đấu đạt chuẩn NTM kiểu mẫu trong năm 2020. Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng NTM tỉnh đã cùng các huyện phối hợp để khảo sát điều kiện thực tế tại các địa phương này và đưa vào kế hoạch 34 thôn, bản hoàn thành đạt chuẩn NTM kiểu mẫu trong năm 2020. Tính đến thời điểm tháng 10/2020, toàn tỉnh đã có 17 thôn, bản được công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu năm 2020. Hàng chục thôn khác cũng đã tiệm cận 14 tiêu chí, nhiều khả năng sẽ về đích trong những ngày cuối năm như kế hoạch.

… đến sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị

Kết quả trên là thành quả của việc huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc xây dựng NTM. Một số hội, ngành, đoàn thể đã có cách làm sáng tạo, hiệu quả, góp phần quan trọng vào Chương trình xây dựng NTM, NTM kiểu mẫu trên địa bàn. Chính quyền cấp huyện, cấp xã đều chung tay, có sự vào cuộc của bà con nhân dân các địa phương thực hiện xây dựng các tiêu chí. Trong đó, các huyện, xã đều có chính sách hỗ trợ, khuyến khích các thôn, bản xây dựng NTM kiểu mẫu, nâng cao.

Đến nay, kết cấu hạ tầng ở những thôn, bản triển khai, thực hiện xây dựng thôn, bản NTM kiểu mẫu đã từng bước được hoàn thiện, đồng bộ và đạt chuẩn theo quy định. Người dân hăng hái hưởng ứng và tích cực thực hiện cải tạo vườn tạp, xây dựng vườn mẫu, chú trọng xây dựng nếp sống văn minh, lịch sự trong sinh hoạt, giao tiếp. So với lúc bắt đầu triển khai, thu nhập bình quân đầu người của các thôn đều tăng và hộ nghèo giảm đáng kể.

Thống kê từ Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng NTM tỉnh, tất cả các thôn, bản đã được công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, thu nhập bình quân đầu người đều đạt khoảng từ 50 - 70 triệu đồng/người/năm. Mỗi thôn được triển khai cả chục vườn mẫu; người dân được hỗ trợ phát triển các ngành nghề nông thôn nên thu nhập có bước phát triển đáng kể.

Xây dựng thôn, bản NTM kiểu mẫu đã tạo ra nét chấm phá, diện mạo mới cho các khu dân cư nhưng vẫn giữ được nét thuần phong mỹ tục của các vùng quê. Nhận thức của người dân về phát triển kinh tế, tư duy sản xuất hàng hóa được nâng lên; nhiều mô hình phát triển kinh tế ở thôn, bản theo hướng liên kết chuỗi giá trị được hình thành gắn với triển khai Chương trình OCOP.

Thực tế cho thấy, Chương trình OCOP có tác động tích cực vào kết quả xây dựng NTM bền vững. Chương trình đã thúc đẩy phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh (HTX, doanh nghiệp nhỏ và vừa) sản xuất các sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh. Qua đó, góp phần phát triển kinh tế nông thôn, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân. Sản phẩm OCOP cũng góp phần thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM. Đây cũng là giải pháp quan trọng để phát triển sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị đối với các sản phẩm chủ lực, sản phẩm có lợi thế của địa phương. Đồng thời, tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng sản phẩm, góp phần bổ trợ cho lộ trình xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.

Tác giả: Thanh Hằng

Nguồn tin: Báo Công thương

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok