Kết quả bước đầu
Xã Kỳ Tân, huyện Bá Thước, có 976 hộ, 4.120 nhân khẩu chủ yếu là đồng bào Thái sinh sống ở bảy thôn, bản. Trong số đó, có nhiều hộ dân làng Buốc Bo sinh sống bên suối Bo, dưới chân núi Lai Láng. Vùng đất này thường xuyên bị sạt lở đá, lũ cuốn đe dọa. Triển khai dự án sắp xếp dân cư, Chi cục Phát triển nông thôn cùng chính quyền huyện Bá Thước thực hiện san đồi Bãi Héo, tạo hơn 1 ha mặt bằng, thi công đường giao thông, di chuyển 16 hộ cư trú ở nơi nguy hiểm đến tái định cư tại mặt bằng quy hoạch. Hiện các hộ dân ở xã Kỳ Tân yên tâm định cư lâu dài tại cụm dân cư mới.
Theo báo cáo của UBND huyện Bá Thước, toàn huyện có gần 500 hộ cư trú ở khu vực nguy hiểm, dễ xảy ra sạt, lở đất, đá, lũ ống, lũ quét. Gần mười năm qua, chương trình sắp xếp dân cư đã giải ngân hơn 3,2 tỷ đồng hỗ trợ 276 hộ chuyển cư, ở xen ghép tại các làng thuộc 18 xã; gần 3,3 tỷ đồng thi công kè bờ suối Ngài, xã Lũng Niêm; suối Chàm, xã Ban Công, chống sạt lở, ổn định dân cư tại chỗ và xây dựng điểm tái định cư tập trung nêu trên. Sau thời gian đến nơi ở mới, các hộ gia đình yên tâm an cư, đầu tư phát triển kinh tế, chất lượng cuộc sống được cải thiện.
Tại huyện miền núi Quan Hóa, tình trạng sạt, lở đất, đá cũng ảnh hưởng cuộc sống người dân. Tháng 11-2017, đá từ núi Pha Nọi lở, lăn xuống nhà dân, đe dọa hơn 20 hộ gia đình sinh sống ở bản Mướp, xã Hồi Xuân. Thời gian qua, Chi cục Phát triển nông thôn phối hợp huyện Quan Hóa đã di chuyển các hộ dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, bố trí tái định cư tập trung ở các bản: bản Poọng (xã Phú Nghiêm); bản Lở (xã Nam Động); bản San (xã Hiền Kiệt). Tính đến tháng 4 vừa qua, có 373 hộ ở huyện Quan Hóa được hỗ trợ di chuyển, tái định cư. Gia đình anh Phạm Văn Tính mới di chuyển từ chân núi Pha Poọng, tới bản Poọng, xã Phú Nghiêm dựng lại ngôi nhà sàn khang trang, bố trí nơi sinh hoạt hợp lý, ngăn nắp hơn. Anh phấn khởi kể: Đến nơi ở mới, gia đình không còn nỗi lo đá lở. Với mức hỗ trợ 20 triệu đồng, gia đình nỗ lực, cố gắng là chính. Phần còn lại, anh em, họ hàng, cộng đồng dân cư chung tay, góp sức, nhờ vậy gia đình tôi và các hộ khác sớm ổn định nơi cư trú, sinh hoạt.
Thực hiện Quyết định số 1776/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, từ năm 2012 đến nay, tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức di dời, bố trí nơi ở ổn định cho 2.374 hộ dân ở các huyện miền núi, trong đó có 58 hộ được bố trí tái định cư tập trung, 1.246 hộ xen ghép với cộng đồng dân cư trong vùng và thực thi giải pháp công trình ổn định tại chỗ cho 1.102 hộ. Tuy nhiên, mỗi đợt mưa, bão, lũ lụt, vẫn phát sinh thêm các hộ cần di dời, bố trí nơi ở mới.
Bố trí nguồn lực đồng bộ, tập trung
Cuối tháng 8 vừa qua, vùng thượng du Thanh Hóa có mưa to, lũ lớn, gây thiệt hại nặng nề cho các khu dân cư, địa phương ven sông Mã. Riêng bản Poọng, xã Tam Chung có hơn 30 ngôi nhà bị sập đổ, hư hỏng. Toàn huyện Mường Lát có 123 ngôi nhà bị sập, 334 hộ phải sơ tán; bảy người chết, mất tích, ba người bị thương do mưa lũ, sạt lở đất. Nước sông Mã dâng cao, chảy xiết gây sạt lở, đổ nhà dân, đe dọa cuộc sống của hơn 600 hộ hai bên sông thuộc huyện Quan Hóa, trong đó bản Bó, bản Co Me, xã Trung Sơn bị thiệt hại nghiêm trọng. Trong đợt mưa lũ cuối tháng 8, đầu tháng 9 năm nay, tỉnh Thanh Hóa có 307 ngôi nhà bị hư hỏng hoàn toàn, 321 ngôi nhà bị thiệt hại nặng đến rất nặng, 259 nhà ở bị hư hỏng một phần. Tổng cộng từ năm 2016 đến nay, Thanh Hóa có 1.024 hộ dân cần di dời khẩn cấp, xây dựng lại nhà ở do thiên tai.
Theo phản ánh của các xã, huyện miền núi và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa: Số lượng hộ dân cần bố trí ổn cư nhiều nhưng nguồn vốn thiếu và ít. Có điểm tái định cư tập trung đầu tư cơ sở vật chất hạ tầng chưa đầy đủ, không ít địa phương đến thời điểm này chưa nhận được khoản hỗ trợ 50 triệu đồng cho cộng đồng dân cư xây dựng công trình thiết yếu. Mức hỗ trợ di chuyển 10 triệu đến 20 triệu đồng/hộ, với hộ nghèo càng thêm khó khi phải xoay xở thêm nguồn vốn để dựng lại nhà mới. Nhiều xã, huyện miền núi thiếu quỹ đất để bố trí tái định cư. Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bá Thước Vũ Đình Hảo kiến nghị: Chính phủ xem xét ưu tiên bố trí nguồn ngân sách kịp thời, tăng mức hỗ trợ hộ di chuyển, bố trí xen cư. Tỉnh quan tâm dành quỹ đất các nông, lâm trường quản lý để bố trí đất ở cho các hộ tái định cư, cho phép các địa phương thiếu quỹ đất ở, chuyển đổi đất sản xuất thành thổ cư hoặc phối hợp các tỉnh bạn chuyển dân đến vùng kinh tế mới.
Mới đây, tỉnh Thanh Hóa xây dựng phương án sắp xếp, bố trí nơi ở ổn định cho hơn 8.000 hộ đang sinh sống tại vùng nguy cơ cao ảnh hưởng bởi thiên tai trên địa bàn 157 xã, thị trấn thuộc 11 huyện miền núi trong tỉnh. Việc bố trí, sắp xếp dân cư phải ổn định lâu dài, gắn với quy hoạch xây dựng nông thôn mới; bảo đảm định mức bình quân đất ở, đất sản xuất, khuyến khích hộ dư đất ở chuyển nhượng cho hộ tái định cư; nông dân được hỗ trợ khuyến nông, lâm, ngư, công nghiệp, vay vốn sản xuất, phát triển dịch vụ, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Tổng nhu cầu vốn gần 386 tỷ đồng, trong đó vốn Trung ương hỗ trợ gần 270 tỷ đồng và hơn 115 tỷ đồng vốn lồng ghép các chương trình, dự án.
Tác giả: Mai Luận
Nguồn tin: Báo Nhân dân