Trong tỉnh

Thanh Hóa: Phát huy vai trò của các già làng, trưởng bản trong công tác phổ biến pháp luật

Thanh Hóa có khoảng 1.600 già làng, trưởng bản, người có uy tín (NCUT) trong đồng bào dân tộc thiểu số. Bằng uy tín của mình, các già làng, trưởng bản đang là lực lượng nòng cốt, là “cầu nối” đưa chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào.

Trưởng bản Hà Văn Thọ không nề hà công việc “vác tù và hàng tổng”

Ông Triệu Phú Quý, Trưởng thôn Bình Sơn, xã Cẩm Sơn (Cẩm Thủy) là NCUT trong đồng bào Dao. Bằng uy tín của mình, những năm qua, ông Quý luôn thể hiện vai trò gương mẫu, đầu tàu trong tuyên truyền, vận động người dân giáo dục con cháu không mắc các tệ nạn xã hội, không vi phạm pháp luật; vận động bà con cam kết nếu làm trái với hương ước, quy ước của thôn bản sẽ bị đưa ra kiểm điểm trước dòng tộc, nếu mắc sai phạm nghiêm trọng có thể bị khai trừ khỏi dòng họ.

Các gia đình người Dao trong thôn Bình Sơn đều noi gương ông, giáo dục, quản lý con cháu. Nhờ vậy mà nhiều năm qua, thôn Bình Sơn không có người nghiện ma túy, không có người vi phạm pháp luật, an ninh trật tự luôn ổn định, được công nhận là làng văn hóa. Tình làng, nghĩa xóm của bà con người Dao ở Bình Sơn càng thêm bền chặt, mọi người cùng đoàn kết, gắn bó, chăm lo phát triển kinh tế, cùng nhau xây dựng bản làng ngày một giàu đẹp.

Gần 20 năm làm Trưởng bản, rồi Bí thư Chi bộ bản Sại, xã Tam Lư, ngày nào ông Hà Văn Thọ, dân tộc Thái cũng làm công việc “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”, nhưng ông không bao giờ nề hà. Ông Thọ luôn tâm niệm, để dân hiểu, dân tin và làm theo chủ trương của Đảng, Nhà nước, bản thân phải thật sự gương mẫu tham gia tất cả các phong trào ở địa phương.

Đặc biệt, phong trào “Cả bản chung sức xây dựng nông thôn mới’’, ông phối hợp với các tổ chức thôn bản, tích cực vận động bà con đoàn kết phát triển kinh tế; tham gia thực hiện đóng góp sức người, vật chất, hiến đất…, góp phần cùng địa phương thực hiện các tiêu chí về giao thông, văn hóa, giảm tỷ lệ hộ nghèo... Từ đó, đời sống nhân dân trong bản đã được nâng lên, với thu nhập bình quân đầu người hiện nay của bản Sại đạt 26 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 6,73%. Trong bản, các hộ đã làm được nhà kiên cố, mua sắm các vật dụng gia đình, môi trường trong bản luôn được đảm bảo xanh, sạch, đẹp.

Ở huyện Mường Lát, có nhiều tấm gương già làng, trưởng bản, người uy tín trong bảo vệ đường biên, cột mốc. Điển hình như già làng Phan Đình Xiết bản Suối Tút, xã Quang Chiểu. Năm nay già làng đã ngoài 70 tuổi, nhưng già có nhiều đóng góp bảo vệ cột mốc G6 biên giới Việt - Lào. Đều đặn mỗi tuần từ một đến ba lần, già Xiết lại “cơm đùm cơm nắm” vượt núi, trèo đèo lên đường biên, phát quang, bảo dưỡng mốc giới. Tương tự, ông Vi Văn Dong, NCUT ở bản Ho, xã Hiền Kiệt, huyện Quan Hóa, có nhiều đóng góp trong bảo vệ cột mốc G10...

Xã Pù Nhi có Trưởng bản Pù Toong - Chá Văn Dia, đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân trong bản thực hiện nếp sống văn minh trong tang lễ, cưới hỏi của đồng bào Mông. Pù Toong là một trong những bản khó khăn nhất của Mường Lát, tỷ lệ hộ đói nghèo cao, trình độ dân trí thấp. Bên cạnh đó, lại tồn tại nhiều hủ tục lạc hậu, đặc biệt hủ tục tang ma không chôn cất người sau khi chết, để trên cáng tổ chức cúng bái nhiều ngày gây lãng phí, tốn kém.

Để giúp người dân nhận thấy đây là một hủ tục cần bãi bỏ, Trưởng bản Chá Văn Dia đã vận động bà con trong bản thay đổi tập quán tang ma lạc hậu. Ông cùng các già làng, người làm nghề thầy cúng có uy tín đến từng hộ, chòm, bản tuyên truyền, chỉ ra những tổn hại về sức khỏe, kinh tế khi tổ chức tang ma dài ngày.

Trao đổi với báo chí, ông Lương Văn Tưởng, Trưởng ban Dân tộc Thanh Hóa cho biết: Trong thời gian qua, tỉnh Thanh Hóa rất chú trọng phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, NCUT trên địa bàn trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về dân tộc như chính sách về xóa đói giảm nghèo, chính sách về đào tạo cán bộ cho đồng bào các dân tộc, nhờ vậy, đồng bào các dân tộc luôn đồng hành cùng với Đảng bộ, chính quyền trong cuộc đấu tranh chống lại nghèo đói, lạc hậu, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.

Để động viên, tôn vinh, tiếp tục phát huy vai trò người uy tín, già làng, trưởng bản…, hàng năm tỉnh Thanh Hóa luôn quan tâm đến công tác thăm hỏi, động viên, tặng quà. Cụ thể năm 2017, 100% NCUT được tặng quà Tết Nguyên đán; tổ chức thăm hỏi 197 lượt NCUT ốm đau, viếng 14 NCUT và thân nhân NCUT mất; thăm hỏi 63 lượt gia đình NCUT gặp thiên tai hoạn nạn; tổ chức được 32 hội nghị tập huấn và hội nghị cung cấp thông tin cho 2.215 lượt người, 12 chuyến tham quan học tập kinh nghiệm cho 730 người...

Tác giả: Đức Thọ - Quỳnh Trâm

Nguồn tin: Báo Pháp luật Việt Nam

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok