Nhân ái

Thanh Hóa: Nữ sinh tắt vụt ước mơ vào học ngành báo chí vì nhà quá nghèo

Điểm 3 môn xét tuyển đại học khối C là 28 điểm, nhưng vì hoàn cảnh gia đình quá nghèo nên bố mẹ không thể cáng đáng nổi, nữ sinh nghèo phải gác lại ước mơ giảng đường đại học.

Bố mẹ nghèo, không đủ khả năng lo cho con đi học

Đặt bao niềm hi vọng, nhưng những ngày qua, sau khi nghe tin học trò của mình đắn đó sẽ dừng bước trước cổng trường đại học vì gia cảnh quá nghèo, khiến các thầy cô giáo hết sức bất ngờ.

Căn nhà của gia đình em Lê Thị Hằng đang ở.

Đó là trường hợp của em Lê Thị Hằng (SN 2002), học sinh Trường THPT Thọ Xuân 5, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Thương cho hoàn cảnh của cô học trò nghèo, giáo viên chủ nhiệm đã liên hệ đến báo Dân trí mong muốn được giúp đỡ.

Theo chân thầy cô giáo Trường THPT Thọ Xuân 5, tôi tìm đến gia đình em Hằng, ở thôn Hiệp Lực,( xã Xuân Thiên, huyện Thọ Xuân) khi trời đã về chiều.

Căn nhà lụp xụp của gia đình Hằng nằm ở rìa cánh đồng. Gọi là nhà cho có nhưng thực ra chỉ như là một túp lều chật chội, ẩm thấp, trong nhà chẳng có tài sản gì đáng giá. Đây chính là chỗ chui ra, chui vào của 5 thành viên trong gia đình anh Lê Bá Truật và chị Nguyễn Thị Nhung, bố mẹ Hằng.

Hằng bảo, từ khi sinh ra ở trong căn nhà này chưa bao giờ được yên, ngày trời nóng bức cả gia đình phải ra gốc cây đầu ngõ đứng cho mát. Bố đi làm về cả buổi trưa không nghỉ được vì nóng, trời mưa nước lại ngập vào nhà, ướt quá nên cả gia đình lại phải chạy qua nhà ông bà tá túc. Em buồn lắm mà không biết làm gì được....

Thi được 28 điểm 3 môn xét tuyển đại học, có cơ hội rất lớn để bước chân vào giảng đường đại học, nhưng vì hoàn cảnh gia đình, Hằng ngậm ngùi cho biết, em sẽ ở nhà đi làm phụ giúp bố mẹ nuôi em ăn học.

Sinh ra trong gia đình có 3 chị em gái, Hằng là con đầu, em thứ hai đang học lớp 7 và em út học lớp 2. Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, Hằng có tổng điểm 3 môn xét tuyển đại học khối C là 28 điểm, trong đó Văn 9 điểm, Lịch sử 9,25 điểm, Địa lý 9,75 điểm. Đây là số điểm có cơ hội rất lớn để Hằng bước chân vào giảng đường đại học, thực hiện mơ ước của mình.

Hằng có 2 nguyện vọng đăng ký là ngành Quản trị nhân sự, Đại học Nội vụ Hà Nội và ngành Báo chí của Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội. Khi được hỏi về mong muốn của mình, Hằng chia sẻ, nếu được đi học, em sẽ lựa chọn học ngành Báo chí.

Ngày nhận được thông tin về điểm thi, chưa kịp vui mừng với số điểm xét tuyển đại học thuộc vào tốp cao nhất của trường, Hằng lại rơi vào cảm giác buồn tủi khi gia đình không có điều kiện cho em theo học đại học.

“Từ hôm có điểm thi, biết không thể lo cho con tiếp tục học lên đại học được nữa, em thấy mẹ khóc rất nhiều. Em cũng đã nhiều lần tâm sự với bố mẹ cho em đi học, em sẽ tự làm thêm kiếm tiền trang trải việc học. Nhưng bố mẹ bảo, đi làm thêm cũng chỉ đủ tiền ăn ở, chứ không thể lo hết được, bố mẹ không thể gửi tiền học phí hàng tháng được.

Còn hai đứa em sau cũng không thể đi học tiếp nếu bố mẹ dồn cho em học, trong khi bố mẹ đang vật lộn từng ngày cho qua bữa. Em theo ý bố mẹ, sẽ không đi học mà ở nhà đi làm để phụ giúp bố mẹ nuôi em ăn học”, vừa nói, Hằng vừa cúi gầm mặt xuống, nước mắt lã chã rơi làm chúng tôi cũng khó cầm lòng.

Hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhưng từ nhỏ, Hằng luôn là học sinh có nghị lực vượt khó. Năm lớp 8, em giành giải Nhì môn Văn cấp huyện, lên lớp 9 giành giải Khuyến khích môn Văn cấp tỉnh. Tiếp nối thành tích đó, năm lớp 11, Hằng giành giải Ba môn Văn cấp tỉnh và giải Khuyến khích liên môn. Sau mỗi buổi đi học về, Hằng thường giúp bố mẹ lo việc vặt trong nhà và dạy các em học bài.

Hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhưng từ nhỏ, Hằng luôn là học sinh có nghị lực vượt khó và nhiều năm là học sinh giỏi toàn diện...

Ngày nhận được thông tin về điểm thi, chưa kịp vui mừng với số điểm xét tuyển đại học thuộc vào tốp cao nhất của trường, Hằng lại rơi vào cảm giác buồn tủi khi gia đình không có điều kiện cho em theo học đại học. Mong ước cháy bỏng là được đi học đại học, được theo đuổi ước mơ có ngành nghề để cuộc sống sau này đỡ vất vả hơn, nhưng trước điều kiện gia đình không cho phép, Hằng chỉ còn biết khóc.

Cuộc sống khốn khó của gia đình người đàn ông phụ hồ

Anh Truật làm nghề phụ hồ nhưng cũng bữa no, bữa đói, công không đều, còn chị Nhung mới đi làm công nhân may. Trong khi đó, sức khỏe của anh Truật cũng không được tốt, thi thoảng anh hay bị ngất xỉu, còn chị Nhung cũng bị suy tim. Với công việc của vợ chồng anh Truật, lo đủ tiền ăn, mặc cho ba chị em cũng đã là vất vả lắm rồi.

Thương con, nhưng vợ chồng chị Nhung chẳng biết làm gì.

“Thật sự là em rất muốn được học đại học để có kỹ năng tốt hơn và sau này có thể giúp đỡ bố mẹ và các em có một tương lai tốt hơn. Nhưng thực tế với hoàn cảnh gia đình hiện tại lại không cho em cơ hội được đi tiếp. Nếu có cơ hội được tiếp tục học đại học, em nhất định sẽ cố gắng học tập chăm chỉ để có thể trở thành một nhà báo tốt, có thể giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn như em”, Hằng tâm sự.

Hằng khát khao được đến trường, nhưng hoàn cảnh gia đình không cho em em thực hiện mơ ước của mình.

Nghe cậu chuyện cháu tâm sự, bà Lê Thị Hương (70 tuổi), bà nội Hằng nghẹn ngào: “Ông bà mong muốn cho cháu được đi học, nhưng không có tiền mà ông bà lại già rồi, không biết lấy đâu ra tiền cho cháu đi học cả. Ước nguyện của ông bà là cháu được đi học có ngành nghề để không còn khổ như ông bà và bố mẹ nữa”.

Cô Lê Thị Châu, giáo viên chủ nhiệm của Hằng cho biết, dù hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, nhưng Hằng là học sinh rất nghị lực và ý chí. Biết gia đình hoàn cảnh rất khó khăn nên trong quá trình học, nhà trường đã miễn các khoản đóng góp và thầy cô giáo bộ môn cũng dạy thêm miễn phí cho em.

Cô giáo chủ nhiệm rất bất ngờ và buồn trước câu chuyện của học trò mình, mong muốn các mạnh thường quân giúp đỡ để Hằng có cơ hội được đến trường.

Không chỉ là một học sinh giỏi toàn diện, Hằng còn tham gia mọi phong trào của lớp, trường rất nhiệt tình. Hằng xứng đáng là một tấm gương về sự nỗ lực, chăm chỉ học hành.

“Khi nhận được điểm thi, em có nói với cô là không đi học đại học, tôi rất bất ngờ và rất buồn. Tôi đã trao đổi với Ban Giám hiệu nhà trường và Công đoàn nhà trường động viên em và có gọi điện cho gia đình để trao đổi. Nhưng bố mẹ em cũng quá hoàn cảnh, không thể lo cho con ăn học đại học, nghĩ mà thương học trò, chỉ mong các mạnh thường quân giúp đỡ để em ấy có cơ hội được đến trường”, cô Châu chia sẻ.

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về:

Mã số 3851: Em Lê Thị Hằng

Địa chỉ: Thôn Hiệp Lực, xã Xuân Thiên, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa.

ĐT: 0357423367

Tác giả: Duy Tuyên

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok