Trong tỉnh

Thanh Hoá: Nhức nhối nạn đổ trộm phế thải xây dựng

Thời gian gần đây, khi các công trình xây dựng mọc liên tiếp "mọc lên" trên địa bàn thành phố Thanh Hóa thì đồng thời cũng xuất hiện những con đường ngổn ngang phế thải xây dựng.

Phế thải xây dựng cứ “tiện là đổ”

Địa điểm lý tưởng để đổ trộm phế thải trải dài trên các con đường vắng người, có nhiều bãi đất trống như Đại lộ Hùng Vương, Đại lộ Võ Nguyên Giáp...hay các khu đô thị mới như khu đô thị Bắc Cầu Hạc, khu đô thị Nam Thành phố Thanh Hóa...đang quy hoạch có ít dân cư; thậm chí là cả dọc bờ sông như sông Hạc đoạn chảy qua quốc lộ 1A nhìn rất mất mĩ quan đô thị.

Một đoạn phế thải xây dựng Đại lộ Hùng Vương

Việc đổ trộm phế thải thường xảy ra vào ban đêm, địa điểm đổ lại là những tuyến đường thưa thớt nhà dân và người qua lại nên dễ dàng qua mặt cơ quan chức năng, đồng thời người dân cũng khó phát hiện, tố giác.

Để tiết kiệm tiền vận chuyển, những đối tượng đổ trộm phế thải cứ gặp chỗ nào gần nhất, vắng, có đất trống là đổ. Ngay cả khi chính quyền đã dựng biển cảnh bảo “Cấm đổ rác, đất đá thải” thì cách đó vài bước chân vẫn tràn lan phế thải xây dựng, và ngay bên dưới, con sông Hạc đang bị đe dọa bởi sự “tấn công” của phế thải.

Đa phần các trường hợp vi phạm bị xử phạt hành chính khai nhận do chủ thuê bảo đổ gần để tiết kiệm chi phí chi trả, một số là do tự ý đổ để đỡ phải đi xa.

Phế thải làm mất cảnh quan đô thị

Bà Lê Thị Hạnh, ở khu đô thị Bắc Cầu Hạc cho biết: “Khu này trong diện quy hoạch, nhà cửa, công ty đang xây dựng rất nhiều nên chất thải xây dựng cũng đổ tràn lan, hoặc cũng có thể là chất thải từ nơi khác chở đến đổ, vì ở đây nhiều đất trống. Chiều về mát mẻ, trước rất đông người đi bộ thể dục quanh đây, nhưng giờ bụi lắm, đất đá đổ rơi cả ra lòng đường, có xe chạy qua hoặc hôm gió to bụi mù, nên giờ cũng ít người đi thể dục hơn”.

Không những vậy, phế thải xây dựng đổ ven sông vừa ảnh hưởng đến diện tích lòng sông, vừa gây ô nhiễm môi trường và vi phạm Luật Đê điều, vi phạm quy định xử lý rác thải. Trên địa bàn hiện nay, điển hình là khu vực sông Hạc đoạn cắt qua quốc lộ 1A, ngay sát đê sông, là một bãi phế thải xây dựng rộng hơn gấp mấy lần chiều rộng lòng sông.

Cần mạnh tay chấn chỉnh

Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ về quản lý chất thải rắn và phế liệu, tại Điều 50 nói về quản lý chất thải rắn từ hoạt động xây dựng, trong đó quy định việc phân loại và quản lý, lưu giữ, thu gom, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế, xử lý chất thải rắn xây dựng. Nhưng để thực hiện tốt điều này, lại cần có sự phối hợp giữa các đơn vị liên quan và sự hợp tác của người dân.

Về phía chính quyền quản lý, khách quan đánh giá, nguyên nhân nạn đổ trộm chất thải hoành hành là do sự kết hợp chưa đồng bộ, chưa nhất quán giữa các ban, ngành có thẩm quyền và liên quan. Chẳng hạn, khi xe vận chuyển trên đường, nếu xe chở đất đá nhưng không gây ô nhiễm, không làm rơi ra đường thì không phạt được, mà có phạt cũng thuộc lỗi khác, mà thẩm quyền xử lý vi phạm lại của Thanh tra GTVT, Cảnh sát giao thông. Còn khi bắt quả tang đối tượng đổ trộm để xử phạt thì nhiệm vụ lại giao cho Cảnh sát môi trường, Thanh tra xây dựng xử lý. Nói cách khác, hiện việc quản lý, xử phạt nạn đổ trộm phế thải thuộc rất nhiều ngành, bao gồm Thanh tra GTVT, Cảnh sát giao thông, Cảnh sát môi trường, Thanh tra xây dựng, trong đó chịu trách nhiệm chung là Sở Xây dựng của tỉnh đó.

Bởi vậy, khi bên giao thông phát hiện nghi vấn xe chạy đi đổ thải thì cần kết hợp báo với cảnh sát môi trường, thanh tra xây dựng để theo dõi và xử lý kịp thời.

Tiếp nữa, về mức độ xử lý vi phạm hành chính, thiết nghĩ cần có một chế tài chặt chẽ hơn, quyết liệt và mạnh tay hơn để răn đe dối tượng vi phạm, bởi có nhiều đối tượng nộp phạt xong vẫn “ngựa quen đường cũ”. Cũng cần có hình thức xử lý trường hợp tái vi phạm thật nặng tay vì coi thường pháp luật.

Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức, vận động người dân thu gom rác thải, phế thải, làm vệ sinh hàng tuần tại các khu đô thị, đường làng, thôn xóm.

Bên cạnh sự phối hợp của các ngành chức năng, cần phải có sự vào cuộc của chính quyền địa phương. Khi cấp giấy phép xây dựng phải có sự ràng buộc, cam kết yêu cầu nhà thầu đổ phế thải đúng nơi quy định và có điều khoản xử phạt nếu không thực hiện. Việc xử lý từ gốc, từ chủ thầu xây dựng là rất quan trọng, nếu họ có ý thức hơn trong việc quản lý việc đổ thải thì sẽ giảm đi đáng kể tình trạng này. Và người dân, cần sự phối hợp tố giác để giúp cơ quan chức năng phát hiện, xử lý hiệu quả hơn.

Mong rằng, trong thời gian tới đây thành phố sẽ cùng với cơ quan chức năng vào cuộc quyết liệt để đẩy lùi tình trạng đổ phế thải xây dựng bừa bãi, từ đó đem lại không gian xanh, sạch, đẹp cho đô thị.

Tác giả: Thu Thủy

Nguồn tin: Báo Công lý

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok