Trong tỉnh

Thanh Hóa: Nhiều dự án đầu tư xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp chậm tiến độ

Với nhiều chính sách ưu đãi cho các nhà đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp, đến nay tỉnh Thanh Hóa đã thu hút được nhà đầu tư vào 31 cụm công nghiệp. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện dự án còn chậm.

Một số dự án cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đang gặp khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng là một trong những lý do dự án chậm tiến độ.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo điện tử Xây dựng, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã có 31 cụm công nghiệp thu hút được các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng kỹ thuật trên tổng diện tích 838ha, tổng vốn các doanh nghiệp đăng ký đầu tư đạt 5.697 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong số 31 cụm công nghiệp đã thu hút được chủ đầu tư hạ tầng, có 20/31 cụm công nghiệp đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết, hầu hết các cụm công nghiệp đều không hoàn thành theo tiến độ đầu tư được phê duyệt và đều phải thực hiện điều chỉnh gia hạn.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, ông Hà Đình Cường - Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Thọ Xuân cho biết: Đến nay, huyện Thọ Xuân đã được tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư 3 dự án cụm công nghiệp gồm: Cụm công nghiệp Xuân Hồng, Cụm công nghiệp Thọ Minh và Cụm công nghiệp Xuân Lai, các dự án này đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ, giải phóng mặt bằng và tiến hành đầu tư xây dựng.

“Huyện chúng tôi luôn tạo mọi điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư thực hiện dự án, nhưng đến giờ vẫn chưa có dự án nào khởi công”, ông Cường cho biết thêm.

Đại diện phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Bá Thước thì cho biết: Huyện Bá Thước được tỉnh chấp thuận đầu tư 2 cụm công nghiệp đó là Cụm công nghiệp Thiết Ống và Cụm công nghiệp Điền Trung. Tiến độ thực hiện dự án thì Cụm công nghiệp Điền Trung đã có 2 doanh nghiệp sản xuất và một doanh nghiệp đang làm thủ tục đầu tư, còn Cụm công nghiệp Thiết Ống nhiều năm nay không hiểu lý do gì mà chưa thể triển khai được.

Được biết, tỉnh Thanh Hóa đã ban hành chính sách ưu đãi đầu tư đối với các dự án phát triển hạ tầng công nghiệp, cụm công nghiệp. Các doanh nghiệp, liên hiệp hợp tác xã, hợp tác xã khi thuê đất đầu tư xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp thuộc quy hoạch phát triển cụm công nghiệp được UBND tỉnh phê duyệt.

Đối với các cụm công nghiệp ngoài địa bàn thành phố Thanh Hóa, thành phố Sầm Sơn, thị xã Bỉm Sơn chưa được hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng từ ngân sách Trung ương, thì sẽ được hỗ trợ thêm một phần kinh phí để đầu tư các hạng mục, như: san lấp mặt bằng, xây dựng hệ thống đường nội bộ, hệ thống cấp nước, thoát nước; xử lý nước thải, chất thải; cấp điện, chiếu sáng công cộng; thông tin liên lạc nội bộ; nhà điều hành; nhà bảo vệ phục vụ cho hoạt động của cụm công nghiệp.

Mức hỗ trợ được quy định cụ thể, như: Hỗ trợ 1,5 tỷ đồng/ha đối với cụm công nghiệp thuộc địa bàn các huyện 30a, riêng cụm công nghiệp thị trấn Mường Lát được hỗ trợ 2,3 tỷ đồng/ha, mức hỗ trợ tối đa không quá 40 tỷ đồng/cụm công nghiệp. Hỗ trợ 1 tỷ đồng/ha đối với cụm công nghiệp thuộc các huyện miền núi còn lại, mức hỗ trợ tối đa không quá 28 tỷ đồng/cụm công nghiệp.

Tác giả: Hà Chi

Nguồn tin: Báo Xây dựng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok