Trong tỉnh

Thanh Hóa: Nhiều doanh nghiệp nợ tiền BHXH

Trong số 1.609 đơn vị nợ bảo hiểm có 337 doanh nghiệp nợ khó thu, BHXH tỉnh Thanh Hóa đã phải chuyển hàng chục hồ sơ sang Liên đoàn lao động tỉnh, cơ quan công an nhưng vẫn chưa có hướng xử lý dứt điểm.

Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội tỉnh Thanh Hóa, tính đến tháng 3/2021, toàn tỉnh có 1.609 đơn vị nợ bảo hiểm (chiếm 16% số đơn vị tham gia bảo hiểm) với tổng số tiền là 349 tỷ đồng, trong đó có đến 337 doanh nghiệp nợ khó thu (mất tích, phá sản, giải thể, ngừng hoạt động…).

Nguyên nhân nợ bảo hiểm xã hội (BHXH) xuất phát từ một số doanh nghiệp thật sự gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, không có khả năng nộp BHXH, cộng với đó là tỉnh hình dịch bệnh Covid-19 kéo dài. Bên cạnh đó còn có nguyên nhân về ý thức tuân thủ pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN của một số chủ sử dụng lao động chưa nghiêm, không thực hiện đúng các quy định của pháp luật trong việc trích nộp BHXH.

Công ty TS ViNa (huyện yên Định) nợ hàng chục tỷ tiền BHXH, ông chủ cũng đã “mất tích”

Đơn cử như các doanh nghiệp thuộc tập đoàn Vinashin và một số doanh nghiệp có nguồn gốc Nhà nước khi chuyển đổi sang kinh tế thị trường hoạt động kém hiệu quả dẫn đến nợ kéo dài, như: Công ty HanCorp.2 nợ 34 tỉ đồng; công ty cổ phần Lilama5 nợ 13 tỉ đồng; công ty cổ phần Licogi nợ 9,9 tỉ đồng; công ty cổ phần xây dựng số 5 nợ 12 tỉ đồng.

Trước tình hình trên, hàng tháng, BHXH tỉnh Thanh Hóa đều có công văn đôn đốc nợ bảo hiểm tới người đứng đầu đơn vị sử dụng lao động có số nợ từ 3 tháng trở lên. Trong đó, nêu rõ các chế tài xử phạt nếu chậm đóng bảo hiểm, lộ trình dừng gia hạn thẻ nếu không khắc phục nợ; mức lãi phạt chậm, đồng thời so sánh với lãi vay ngân hàng để sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh đó, thực hiện kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, phối hợp với thanh tra liên ngành việc chấp hành pháp luật về BHXH, BHYT tại các đơn vị sử dụng lao động có truyền thống nợ từ 3 tháng trở lên.

Ông Lê Bá Hội, Trưởng phòng thu, BHXH tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Nhiều trường hợp doanh nghiệp khó khăn thật sự, nhưng cũng không ít doanh nghiệp chây ì. Trên địa bàn còn có tình trạng một số doanh nghiệp có trụ sở đóng ở tỉnh ngoài nhưng tham gia đóng BHXH ở Thanh Hóa để đóng BHXH, BHYT với lương tối thiểu vùng thấp hơn, rất khó khăn trong công tác thanh, kiểm tra, đôn đốc thu nợ".

Một số đơn vị nợ nhiều như: Công ty Cổ phần xây dựng số 5 (trụ sở TP Hà Nội); Công ty TNHH Thương mại xi măng Công Thanh (trụ sở tại TP Đà Nẵng); Công ty cổ phần Sông Đà 4 (trụ sở TP Hà Nội)… .

Bên cạnh đó một số doanh nghiệp thực chất không còn hoạt động sản xuất kinh doanh, có số tiền nợ BHXH lớn nhưng doanh nghiệp không làm thủ tục giải thể, phá sản nên không có cơ sở khoanh nợ. Vì thế vẫn phát sinh tiền lãi, số nợ đóng bảo hiểm càng tăng gây khó khăn trong công tác quản lý và thực hiện chế độ cho người lao động.

Tính từ năm 2016, cơ quan bảo hiểm đã chuyển 22 hồ sơ của các đơn vị nợ bảo hiểm sang Liên đoàn lao động tỉnh nhưng chưa khởi kiện được đơn vị nào. Đồng thời từ năm 2018 đến nay đã chuyển 19 bộ hồ sơ sang cơ quan công an để điều tra nhưng chưa có kết quả xử lý cuối cùng. Nguyên nhân là do việc lập hồ sơ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với doanh nghiệp trốn, nợ đóng BHXH còn nhiều vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Tác giả: Quốc Huy

Nguồn tin: Báo Công lý

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok