Trong tỉnh

Thanh Hóa: Nhiều bệnh viện khó khăn sau khi tự chủ tài chính

Trong những năm qua, các bệnh viện công lập trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã được giao thực hiện cơ chế tự chủ về tổ chức bộ máy, biên chế, chuyên môn, tài chính, góp phần giảm kinh phí từ ngân sách nhà nước và nâng cao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các bệnh viện...

Bệnh viện Đa khoa huyện Triệu Sơn

Toàn tỉnh Thanh Hóa hiện có 38 bệnh viện công lập, gồm: 13 bệnh viện tuyến tỉnh và 25 bệnh viện tuyến huyện. Giai đoạn 2018 - 2023, các bệnh viện trên đã thành lập 83 khoa, phòng và giải thể 1 phòng khám đa khoa khu vực, kiện toàn cơ cấu tổ chức các đơn vị sự nghiệp trực thuộc, giảm 70 tổ chức bên trong các đơn vị sự nghiệp công lập.

Các bệnh viện đã tuyển dụng được 5.254 viên chức, người lao động, gồm có 4.798 viên chức, 456 lao động hợp đồng, nâng tổng số viên chức, người lao động đang làm việc tại các bệnh viện công lập lên 10.560 người; tỷ lệ bác sỹ/10.000 dân năm 2023 đạt 8,5 bác sỹ, tăng 9% so với năm 2018.

Chất lượng khám bệnh, chữa bệnh tại các bệnh viện công lập tại Thanh Hóa ngày càng được nâng lên; điểm trung bình đánh giá chất lượng bệnh viện tăng đều qua các năm từ 3,08/5 điểm năm 2018 tăng lên 3,34/5 điểm năm 2023.

Từ năm 2018 đến nay, đã có 1.862 kỹ thuật lâm sàng và cận lâm sàng được phê duyệt triển khai tại các cơ sở y tế, trong đó có nhiều kỹ thuật cao được đưa vào ứng dụng trong chẩn đoán và điều trị tại các bệnh viện; 4 bệnh viện tuyến tỉnh đã chuyển giao 17 kỹ thuật mới cho các bệnh viện đa khoa tuyến huyện.

Tổng số lượt khám bệnh tại các bệnh viện tăng từ 2.945.869 lượt năm 2018 lên 3.126.830 lượt năm 2023; tổng số giường bệnh được giao tại các bệnh viện công lập năm 2023 là 11.830 giường, tăng 1.180 giường so với năm 2018 và đạt 31,8 giường bệnh/10.000 dân.

Thực hiện lộ trình tự chủ về tài chính tại các bệnh viện công lập trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2019 - 2021, có 3/37 bệnh viện thực hiện tự chủ 100% về chi thường xuyên, gồm: Bệnh viện Đa khoa tỉnh; Bệnh viện Nhi, Bệnh viện Phụ sản, riêng Bệnh viện Ung bướu Thanh Hóa được Nhà nước đảm bảo chi thường xuyên.

Tỉnh này có 2/37 bệnh viện tự chủ từ 80% đến 90%; có 8/37 bệnh viện tự chủ từ 70% đến 80%; có 22/37 bệnh viện tự chủ từ 60% đến 70% và 02/37 bệnh viện tự chủ từ 50% đến 60% về chi thường xuyên.

Giai đoạn 2022 - 2025, tỉnh Thanh Hóa có 3/38 bệnh viện thực hiện tự chủ 100% về chi thường xuyên là Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Nhi, Bệnh viện Phụ sản. Tỉnh này có 30/38 bệnh viện tự chủ từ 70% đến dưới 100% và có 05/38 bệnh viện tự chủ từ 30% đến dưới 70%.

Tổng thu từ hoạt động sự nghiệp của các bệnh viện công lập tại Thanh Hóa tăng từ 2.797 tỉ đồng năm 2018 lên 4.247 tỉ đồng năm 2023; tổng chi thường xuyên từ 2.490 tỉ đồng năm 2018 lên 3.568 tỉ đồng năm 2023.

Một số bệnh viện có nguồn thu lớn hơn chi như: Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Nhi, Bệnh viện Phụ sản, Bệnh viện Tâm thần, Bệnh viện Nội tiết, Bệnh viện Mắt, Bệnh viện Ung bướu, Bệnh viện Y dược cổ truyền, Bệnh viện phục hồi chức năng và các Bệnh viện Đa khoa: thành phố Thanh Hóa, Hà Trung, Hậu Lộc, Thọ Xuân, Triệu Sơn, Nông Cống, Thiệu Hóa, Cẩm Thủy.

Tuy nhiên, việc thực hiện cơ chế tự chủ tài chính tại các bệnh viện công lập trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa còn nhiều khó khăn, bất cập, như: Khả năng tự đảm bảo chi phí hoạt động thường xuyên có sự chênh lệch lớn giữa các bệnh viện; một số bệnh viện tuyến huyện, nhất là các bệnh viện tại khu vực miền núi thực hiện tự chủ trong điều kiện thiếu nhân lực, trang thiết bị lạc hậu, khó thu hút bệnh nhân, số thu không đủ bù chi, công nợ kéo dài...

Trao đổi với VnEconomy, ông Nguyễn Bá Cẩn, quyền Giám đốc Sở Y tế Thanh Hóa, cho biết tự chủ tài chính là chủ trương chung và được xác định là xu thế tất yếu phải thực hiện ở các bệnh viện công lập. Thực tế này đòi hỏi các bệnh viện công lập nói chung, trong đó có bệnh viện ở khu vực miền núi muốn phát triển phải đổi mới phương thức quản lý, đặc biệt là quản lý kinh tế y tế.

Theo ông Cẩn, trước hết, tự thân bệnh viện phải nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành để tăng thu, tiết kiệm chi thông qua nhiều giải pháp như, lựa chọn những dịch vụ kỹ thuật mới phù hợp, chi phí hợp lý nhưng mang lại hiệu quả cao; nâng cao chất lượng hoạt động khám chữa bệnh bảo hiểm y tế để giảm thiểu tối đa việc từ chối và xuất toán trong thanh quyết toán bảo hiểm y tế. Lựa chọn, sử dụng thuốc, hóa chất, vật tư, sinh phẩm an toàn, hợp lý, hiệu quả và tiết kiệm.

Thêm nữa, các cấp có thẩm quyền từ tỉnh đến cơ sở cần quan tâm hơn nữa trong đầu tư, hỗ trợ xây dựng, cải tạo cơ sở vật chất hạ tầng, mua sắm máy móc, trang thiết bị, đào tạo chuyển giao kỹ thuật từ nguồn ngân sách... đáp ứng ngày càng cao nhu cầu bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Tác giả: Nguyễn Thuấn - Thiên Anh

Nguồn tin: vneconomy.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok