Hồng Ngọc vốn là vật báu của thiên nhiên vùng đất Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa. Nhân dân nơi đây tự hào quê mình có loại đá màu hồng tươi như màu cờ Tổ quốc, để nghìn năm không phai màu sắc.
Gian nan tìm đá quý
Vượt qua hơn 100km từ TP. Thanh Hoá, chúng tôi tìm đến vùng núi rừng âm u thuộc huyện Bá Thước, nơi có thung lũng Ken Rai nằm trong lòng ngọn đồi Chợ Phét (thuộc làng Đèn, xã Điền Hạ) để nghe câu chuyện kỳ diệu về loài đá đỏ dùng làm cờ Tổ quốc và cờ Đảng trong lăng Bác Hồ.
Hơn 40 năm qua, cụ Trương Phúc Chủ (làng Duồng, xã Điền Hạ) – nhân chứng trong công cuộc khai thác đá để làm cờ giờ đã gần 90 tuổi. Cụ Chủ vẫn còn giữ một hòn đá đỏ và nâng niu như vật của cuộc đời mình.
Ngọn núi có loại đá Hồng Ngọc quý hiếm dùng để làm cờ trong lăng Bác Hồ. |
Theo lời kể của cụ Chủ thì những năm đầu thập kỷ 70 của thế kỷ trước, song song với nhiệm vụ giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta còn tập trung vào một công việc hết sức thiêng liêng là xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh để giữ gìn thi hài Người trường tồn cùng dân tộc Việt Nam.
Trong bối cảnh ấy, việc đóng góp sức người, sức của để xây dựng lăng Bác như một tiếng gọi thiêng liêng mà mỗi người dân, mỗi địa phương đều muốn làm để dành những gì ưu tú nhất của quê hương dâng lên Người.
Ngay sau khi Bộ Chính trị quyết định xây dựng lăng Bác, Liên Xô đã cử nhiều đoàn chuyên gia sang Việt Nam để khảo sát thiết kế xây dựng lăng, đồng thời đảm nhiệm cung cấp trang thiết bị, vật liệu, kể cả từ những viên đá ốp trong lăng.
Bao nhiêu năm qua, cụ Trương Phúc Chủ nâng niu viên đá như báu vật của mình. |
Đến đầu năm 1974, các vật quý để làm vật liệu xây dựng lăng Bác từ mọi miền Tổ quốc được hội tụ về Thủ đô mang theo tình cảm yêu mến của đồng bào cả nước với Bác Hồ.
Trong các vật liệu thiết yếu để xây dựng lăng chỉ duy nhất chưa tìm được loại đá có màu sắc đỏ giống màu cờ. Khi những hạng mục của công trình lăng Bác đã gần hoàn tất nhưng việc tìm kiếm đá có màu sắc như mong muốn chưa đem lại kết quả, thì một loại đá đỏ ở Cẩm Thủy, Thanh Hóa được tìm thấy và đưa ra thử nghiệm cho kết quả không phù hợp.
Gần như bất lực, các chuyên gia Liên Xô hứa tặng cho Việt Nam đá nhuộm có màu hồng tươi để thay thế, nhưng khiếm khuyết lớn của loài đá nhuộm này là tuổi thọ chỉ giữ được khoảng 30 năm.
Cụ Trương Phúc Chủ kể lại câu chuyện khai thác đá làm lá cờ trong lăng Bác cho PV. |
Sau nhiều tháng trời lặn lội khắp các vùng quê trên cả nước, căn cứ vào bản đồ địa chất và nhất là những mẫu đá được nhân dân các địa phương gửi về, Cục Bản đồ đã gửi mẫu đá ở xã Điền Hạ, huyện Bá Thước nhờ chuyên gia nước ngoài xác minh.
Kết quả, ở khu vực thung Ken Rai, trên đồi Chợ Phét thuộc xã Điền Hạ có một mẫu đá quý có màu đỏ đẹp lạ lùng, hơn hẳn nhiều mẫu đá được thử nghiệm trước đó.
Qùa tặng của tạo hóa
Theo các nhà địa chất học, loại đá này là đá thạch anh tái kết tinh từ lòng đất phun ra, thành phần gồm nhiều hợp chất của nhiều nguyên tố kim loại nhưng trong đó hàm lượng sắt lớn quyết định tới màu sắc hồng tươi của đá, có thể chịu được hàng nghìn năm không bị phai ố.
Loại đá quý có màu đỏ như màu cờ Tổ Quốc. |
Người dân bản địa gọi bằng cái tên dân giã là đá “Gan Trâu” bắt nguồn từ sắc đá hồng tươi như màu máu. Từ khi báu vật của quê hương được lấy để chế tác làm cờ Đảng và cờ Tổ quốc trong Lăng Bác, đồng bào tự hào gọi với cái tên đẹp là đá Hồng Ngọc.
Mới đây, vào năm 2014, Bộ Quốc Phòng cũng đã về đây khai thác loại đá này để xây dựng nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại khu Di tích K9, trong đó khai thác tổng trữ lượng đá đỏ là 500 m3. |
Thoáng nhìn qua những tảng đá này trông chúng giống với nhiều tảng đá mà có thể bắt gặp bất cứ đâu trên Tổ quốc Việt Nam bởi màu đen xù xì bên ngoài. Nhưng chỉ cần đưa tay xoa mạnh lên đá làm mất đi lớp rêu, bụi phong hóa phủ kín bên ngoài, như một phép màu diệu kỳ, màu sắc của đá từ chỗ đen sì bỗng lộ rõ màu hồng tươi.
Cụ Trương Phúc Chủ cho biết nhiều nước nổi tiếng có nguồn đá quý dồi dào cũng không có loại đá này.
Ngay sau khi phát hiện mỏ đá quý, đích thân ông Đỗ Mười (khi đó là Phó Chủ tịch hội đồng bộ trưởng, Trưởng Ban xây dựng lăng Bác), đã vào tận huyện miền núi Bá Thước chỉ đạo việc khai thác đá để đảm bảo tiến độ cho công trình được hoàn thành trước ngày Quốc khánh năm 1975.
Một hòn đá Hồng Ngọc được trưng tại UBND xã Điền Hạ. |
Cụ Chủ khi ấy là Ủy viên UBND huyện Bá Thước, phụ trách về văn hoá giáo dục được cấp trên phân công nhiệm vụ trực tiếp phụ trách công trường, kêu gọi dân công và nhân dân tham gia khai thác đá.
Khoảng hơn 3 tháng khai thác trên đồi Chợ Phét nhưng công trường vẫn chưa có đủ khối lượng đá quý làm hai lá cờ, trong khi nguồn đá có dấu hiệu khan hiếm dần thì bất ngờ nhóm công nhân phát hiện một tảng đá lớn. Chỉ cần vận chuyển tảng đá này nữa là có thể đã đủ đá cho việc ghép hai lá cờ trong lăng Bác.
Tuy nhiên, làm sao để đưa được hòn đá xuống chân đồi và đưa lên xe chở về Thủ đô cũng là điều khiến mọi người băn khoăn.
Người nghĩ ra cách đưa tảng đá xuống chính là cụ Chủ. Cách của cụ là kết những thân cây gỗ thành mảng lớn, có chiều rộng như chiếc chiếu rồi mang đặt các mảng ghép từ vị trí chân hòn đá đến chân đồi (dài khoảng hơn 500m). Sau đó lấy dây rừng kết thành những chiếc thừng lớn rồi trói hòn đá lại, nới dần sợi dây cho hòn đá trượt theo mảng gỗ. Chỉ mất 30 công làm bè mảng trong ít ngày, hòn đá đã được đưa xuống chân núi an toàn.
Trong vòng 7 tháng, đã có hơn 300 khối đá lớn nhỏ đã được đồng bào Bá Thước khai thác và vận chuyển về Hà Nội.
Sau khi khai thác xong đích thân ông Chủ trực tiếp ra Hà Nội bàn giao đá cho bộ phận xây dựng lăng chế tác trước khi lắp ghép hai lá cờ trong lăng Bác.
Ông Lục Công Đính, Chủ tịch UBND xã Điền Hạ cho biết: “Người dân chúng tôi luôn tự hào vì đã vinh dự được góp những viên đá quý trong công cuộc xây lăng Bác. Người dân cũng rất có ý thức trong việc bảo vệ và gìn giữ thứ đá quý hiếm này. Huyện cũng đã giao cho xã phải bảo vệ, không cho khai thác mà chỉ để phục vụ công việc đại sự Quốc gia”.
Tác giả: Bình Minh
Nguồn tin: Báo Dân trí