Anh Phạm Huy Tấn bên những quả ngọt thành công |
Tận dụng những khoảng trống trong vườn bưởi để trồng sen canh các loại cây khác như cam cảnh, quýt cảnh cộng với chăn nuôi gà đông tảo… đã đem lại thu nhập cao cho gia đình. Đó là câu chuyện của anh Phạm Huy Tấn (48 tuổi), trú tại thôn 5 xã Xuân Du, huyện Như Thanh (Thanh Hóa).
Sinh ra ở vùng đất nghèo, quanh năm gắn bó đồng ruộng nhưng vẫn không đủ ăn. Nhìn thấy các con ăn không đủ no, mặc không đủ ấm đã thôi thúc anh quyết tâm vươn lên làm giàu.
Nhờ học được một số kỹ thuật về chăn nuôi gà đông tảo ở Hưng Yên, anh Tấn bắt đầu bán ruộng để có tiền đầu tư vào chăn nuôi. Ban đầu vốn ít, kinh nghiệm chưa có nên số gà anh chết rất nhiều.
Anh Tuấn chia sẻ: “Năm 2012, lần đầu đưa gà đông tảo về nuôi, do không nắm chắc được kỹ thuật nên gà của tôi chết rất nhiều. Vốn hết, ruộng mất, tôi quyết tâm cắm sổ đất vay vốn ngân hàng và mượn họ hàng làm lại”.
Có được số vốn ít ỏi trong tay, anh Tấn lặn lội ra tận Hưng Yên để học về kỹ thuật nuôi gà. Từ đó mô hình nuôi gà đông tảo của anh bắt đầu hình và cho năng suất cao.
Chỉ trong vòng 2 năm, anh đã trả hết nợ ngân hàng, số còn lại anh bắt đầu đầu tư vào trồng bưởi diễn để lấy bóng mát cho gà và có nhiều nguồn thu hơn.
Anh Tuấn chia sẻ: “Ban đầu tôi trồng bưởi chỉ để lấy bóng mát và sân chơi cho gà. Nhưng nhận thấy đất này thổ nhưỡng, rất hợp với cây bưởi nên tôi đầu tư trồng một lúc 120 gốc, chỉ trong vòng 3 năm bưởi nhà tôi bắt đầu có quả và bán rất chạy”.
Trồng cây kết hợp với chăn nuôi |
Không chỉ đầu tư trồng bưởi, tận dụng khoảng cách giữa các hàng bưởi, anh Tấn còn trồng thêm 100 gốc cam cảnh và 200 cây quýt cảnh. Số đất trống còn lại anh đầu tư trồng thêm 60 gốc đào thế.
Hàng năm anh Tấn đã thu về khoảng 300 triệu đồng tiền bán gà đông tảo và hơn 250 triệu đồng tiền bán bưởi diễn và cam cảnh. Số tiền bán quất cảnh và đào thế anh trừ vào các chi phí đầu tư.
Nhờ việc trồng xen canh các cây trồng kết hợp với nuôi gà đông tảo nên tạo được nhiều nguồn thu, không lo lắng thua lỗ khi giá thị trường lên xuống.
Ông Ngân Văn Long, Chủ nhiệm HTX nông nghiệp xã Thanh Tân, huyện Như Thanh, trong một lần thăm quan mô hình phát triển kinh tế nhà anh Tấn cho biết: “Đấy là một mô hình hay, rất thích hợp với các hộ gia đình ở miền núi. Sau khi thăm quan chúng tôi đã bắt áp dụng thí điểm một số hộ ở địa phương và bước đầu có kết quả tốt”.
Không cho đất nghỉ
Với mục tiêu vươn lên làm giàu trên đất quê hương, anh Tấn quan niệm, đất càng ngày càng ít đi nên cần tận dụng để phát triển kinh tế. Chỉ với 500m2 đất vườn nhưng anh đã biết cách để mảnh đất cằn này nhả vàng hàng năm.
Anh Tân cho biết: “Ở Xuân Du là đất phù hợp với trồng đào, nhưng nếu để trồng đào thì nhà tôi chỉ có một nguồn thu, với lại phụ thuộc rất nhiều vào thương lái, nên tôi chỉ tận dụng những khoảng trống để trồng đào thế. Số còn lại tôi để trồng các loại cây khác có giá trị hơn”.
Nhìn những cây bưởi hàng trăm quả chín vàng, cùng với những cây cam cảnh đã được tỉa tót chu đáo để chờ thương lái đến mua không ai nghĩ rằng nó được tạo ra từ bàn tay của một người mới học hết lớp 7.
Ông Hoàng Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch xã Xuân Du cho biết: “Mô hình phát triển kinh tế của anh Tấn rất hiệu quả, dễ dàng thực hiện vì số vốn ban đầu không cao, trong khi đó lại tránh được sự rủ ro của giá cả thị trường vì có nhiều nguồn thu để bù lỗ cho nhau”.
Nói về dự định của tương, anh Tấn chia sẻ: “Sắp tới tôi sẽ góp vốn thuê thêm đất để mở rộng trang trại trồng bưởi kết hợp với nuôi ong để sản phẩm của tôi trở thành thương hiệu riêng về chất lượng và số lượng’.
Để có được mô hình như ngày hôm nay, anh Tấn đã phải cất công đi học rất nhiều. Chỉ cần nghe giới thiệu có mô hình hay anh lại xin tiền vợ ra thăm quan học tập. Niềm đam mê làm vườn cộng với tính siêng năng chịu khó đã giúp anh gặt hái những trái ngọt trên mảnh đất quê hương.
Mong rằng những dự định sắp tới của anh trở thành hiện thực,sản phẩm của anh được nhiều người biết đến. Đây là mô hình phát triển kinh tế cần được nhân rộng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Tác giả: Lê Thanh
Nguồn tin: Thời Báo Doanh nhân