Rừng phi lao bị chặt hạ để lại bãi đất hoang hóa. Ảnh: Ngọc Hưng |
Phá rừng chiếm đất
Đi dọc tuyến bờ biển từ phường Quảng Vinh (TP Sầm Sơn) tới xã Quảng Nham (Quảng Xương) mới tận mắt thấy hết được sự tàn phá khủng khiếp của con người. Hàng trăm hecta rừng phi lao bị chặt hạ làm củi đốt để lại là những khoảng đất trống trơn nằm phơi mình cho biển “ăn” dần.
Đến nay UBND tỉnh Thanh Hóa đã giao phần lớn diện tích rừng phi lao phòng hộ dọc bờ biển từ phường Quảng Vinh tới xã Quảng Nham với chiều dài hơn 10km cho các dự án du lịch nghỉ dưỡng ven biển. Trong khi dự án vẫn dậm chân tại chỗ thì hàng trăm hecta rừng phi lao có nhiệm vụ chắn sóng đã bị chặt hạ.
Được biết, rừng phi lao do lực lượng thanh niên, các đoàn thể, người dân địa phương trồng cách đây 30- 40 năm trước để ngăn chặn sạt lở bờ biển, hạn chế cát tràn vào các khu dân cư. Chỉ trong mấy năm trở lại đây hàng loạt cánh rừng phi lao này đã bị các dự án du lịch “treo” xóa sổ một cách nghiêm trọng. Để lại phía sau đó là những bãi đất trống hoang hóa.
Ông Phan Viết Cảnh (phường Quảng Vinh) cho biết, hàng loạt những dự án du lịch, nghỉ dưỡng mang những cái tên ấn tượng như: Khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Toàn Tích Thiện, Khu biệt thự Hùng Sơn, Tiên Trang... từng được ồ ạt đăng ký đầu tư vào khu đây. Nhưng hơn 10 năm nay, những dự án này vẫn còn “treo lơ lửng” hoặc tàn phá hàng trăm hecta rừng phi lao để chia lô bán đất. Trong khi đó, người dân mất đất, mất nhà, nhà cửa không được phép sửa chữa, xây mới, rừng phi lao, cồn cát chắn sóng bị tàn phá, san phẳng.
“Tôi sống ở đây tới nay đã hơn 60 năm nhưng chưa bao giờ thấy sự tàn phá khủng khiếp của con người lên những cánh rừng phi lao như bây giờ. Từ trước tới nay rừng phi lao được người dân vùng này quý trọng lắm, nó góp phần làm lá chắn cho người dân sống dọc tuyến biển này qua những cơn bão mạnh. Cũng vì có rừng phi lao mà ruộng vườn của chúng tôi không bị cát biển xâm chiếm”, ông Cảnh xót xa.
Gắn bó cả đời với cánh rừng phi lao ven biển, bà Lê Thị Cúc (65 tuổi, ở địa phương) cho biết: “Cũng như bao hộ dân khác sống tại đây, gia đình tôi được chính quyền giao cho trồng hơn một sào cây phi lao ven biển từ hàng chục năm về trước. Từ khi có dự án du lịch vào, họ đền bù cho chúng tôi số tiền khá nhỏ, nhưng cũng vì mục tiêu phát triển kinh tế của đất nước mà bao hộ dân chúng tôi ngậm ngùi giao rừng cho họ. Nào ngờ phía công ty không triển khai dự án, trong khi đó rừng của chúng tôi bị họ chặt hạ hết chỉ còn bãi đất hoang, nhìn thấy mà xót xa vô cùng”.
Nguy cơ xóa sổ rừng phi lao ven biển
Đến với người dân nơi đây mới thấu hiểu hết được nỗi lo âu về tình trạng biển xâm thực. Theo những người dân ở đây cho biết trong mấy năm trở lại đây biển đã lấn sâu vào đất liền hơn 100m, hiện tại biển vẫn hàng ngày ăn sâu vào đất liền. “Rừng phi lao chắn sóng ven biển là tấm khiên vững chắc giúp bao thế hệ ngư dân chúng tôi chống chịu qua những cơn bão dữ, ngăn cản sự xâm thực của cát biển và tàn phá của sóng biển.
Tuy nhiên, từ khi rừng phi lao ở đây bị chặt hạ cũng là lúc chúng tôi rơi vào tình cảnh lo âu mỗi khi mùa mưa bão đến. Căn nhà mà tôi dùng để trông ngư lưới cụ này đã phải xây lại đến gần chục lần. Hồi trước, rừng phi lao còn rộng, xa tít mãi ra biển đến 90m. Nhưng mấy năm trở lại đây tình trạng biển ăn sâu vào khu dân cư ngày càng trở nên trầm trọng hơn, nhà cửa bị sóng biển xóa sổ ngày càng nhiều hơn. Nếu cứ đà này thì những khu dân cư sống phía trong rừng phi lao sẽ bị biển nuốt lúc nào không hay”, ông Phan Viết Cảnh đau xót.
Ông Nguyễn Đức Vân - Chủ tịch UBND xã Quảng Hùng (TP Sầm Sơn) cho biết: “Dự án biệt thự Hùng Sơn được tỉnh giao đất cho doanh nghiệp từ năm 2004. Cũng từ khi doanh nghiệp được UBND tỉnh Thanh Hóa giao đất thì hàng chục hecta phi lao ven biển bị chặt hạ. Vậy nhưng, đến nay doanh nghiệp chưa triển khai xây dựng dự án khiến người dân sống tại khu vực đó rất lo lắng mỗi khi mùa mưa bão đến.
Bên cạnh đó thì cảnh quan bờ biển bị biến đổi, ngư dân không còn chỗ neo đậu tàu thuyền, ảnh hưởng lớn đến nghề đánh bắt trên biển. Nếu có một cơn bão mạnh cỡ cấp 11, tính mạng, nhà cửa, tài sản của hàng chục hộ dân ở sát bờ biển sẽ bị đe dọa nghiêm trọng. Chúng tôi mong doanh nghiệp sớm triển khai dự án, còn nếu doanh nghiệp không đủ năng lực thì UBND tỉnh Thanh Hóa nên thu hồi dự án để bà con yên tâm sản xuất, trồng mới phi lao chắn sóng”.
Tác giả: Ngọc Hưng - Viết Huy
Nguồn tin: Báo Gia đình & Xã hội