Trong tỉnh

Thanh Hóa: Hàng loạt vi phạm về trật tự xây dựng tại Khu du lịch văn hóa Hàm Rồng

Khu di tích lịch sử văn hoá Hàm Rồng, thành phố Thanh Hóa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể từ năm 2013, nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di tích. Song, có không ít hạng mục công trình xây dựng trái phép, phá vỡ quy hoạch chưa được xử lý; dấu hiệu “ngăn sông, cấm chợ”, biến dự án thành nhà riêng… khiến nhân dân bức xúc.

Công trình xây dựng trái phép nhờn luật?

Đơn vị cố tình xây lô cốt tường rào chắn ngang đường đi dạo ven hồ của người dân nhưng chưa được xử lý (ô vuông đỏ).

Khu di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng những ngày này thu hút lượng du khách đông đảo. Nhiều du khách đến đây đã đánh giá cao sự thay đổi về hạ tầng du lịch, dịch vụ đi kèm. Tuy nhiên, nhiều du khách cũng không khỏi bất bình trước thực trạng xây dựng mang tính “ngăn sông, cấm chợ” cũng như việc một số dự án cấp phép một đằng, hoạt động một nẻo…

Theo tìm hiểu của phóng viên, ngày 19/4/2019, UBND thành phố Thanh Hóa cấp phép cho Công ty Cổ phần tư vấn đầu tư xây dựng thương mại Bắc Miền Trung được phép xây dựng các hạng mục thuộc dự án khu nhà nghỉ, nhà sàn và sân khấu ngoài trời tại Khu du lịch sinh thái Hồ Kim Quy (phường Hàm Rồng, thành phố Thanh Hóa). Tuy nhiên, khi dự án sau được ký duyệt còn chưa ráo mực thì chủ đầu tư dự án đã cố tình xây dựng nhiều hạng mục trái phép.

Vi phạm trên được chỉ rõ tại Văn bản số 8887 ngày 12/7/2019 của UBND tỉnh Thanh Hóa. Cụ thể, đơn vị đã xây dựng các hạng mục công trình trái phép trên phần đất quy hoạch chức năng là đường ven hồ, không đảm bảo mỹ quan, như: Xây dựng tường rào phía Hồ Kim Quy (thuộc đường dạo ven hồ) và hạng mục nhà để xe (thuộc khu D). UBND tỉnh đã yêu cầu Công ty Cổ phần tư vấn đầu tư xây dựng thương mại Bắc Miền Trung khẩn trương phá dỡ các hạng mục trái phép nêu trên (thời gian hoàn thành trước 30/7/2019).

Cũng bằng văn bản này, UBND tỉnh Thanh Hóa cũng chỉ ra hàng loạt sai phạm trong xây dựng của Công ty Cổ phần du lịch Kim Quy, đồng thời yêu cầu khẩn trương phá dỡ các hạng mục xây dựng trên đường ven hồ, không đảm bảo mỹ quan như: Một phần công trình bể bơi, hàng rào và nhà phụ trợ.

Ngoài ra, UBND tỉnh này cũng yêu cầu UBND thành phố Thanh Hóa kiểm tra, rà soát và đề xuất hình thức xử lý theo thẩm quyền đối với các tổ chức, cá nhân trong việc lập, thẩm định, thỏa thuận (nếu có), phê duyệt thiết kế hạng mục nhà nghỉ dạng nhà sàn có hình thức kiến trúc không phù hợp với quy định tại Quyết định 3584/QĐ – UBND ngày 23/11/2002 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa.

Trước đó, dự án công trình nhà tập dưỡng sinh và chòi nghỉ thuộc dự án phía Bắc Hồ Kim Quy và các công trình ven hồ năm 2017 cũng đã bị xử phạt 40 triệu đồng vì mắc nhiều sai phạm trong xây dựng. Đây là dự án do Công ty Cổ phần Du lịch Kim Quy làm chủ đầu tư, về sau chuyển nhượng lại cho Công ty Cổ phần Thuận Hưng Land.

Năm 2017, UBND thành phố Thanh Hóa đã vạch rõ những sai phạm trong trật tự xây dựng của dự án này như: Tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép; xây dựng các hạng mục nhà tập dưỡng sinh 01 tầng có diện tích 218,5m2; 01 bể bơi có diện tích 100m2; 01 nhà chòi có diện tích 32m2 tại thửa đất số 44,92,93 tờ bản đồ số 02 và thửa đất số 94 tờ bản đồ số 01 phường Hàm Rồng, thành phố Thanh Hóa. Đồng thời, tại Quyết định này UBND thành phố Thanh Hóa yêu cầu biện pháp khắc phục, thời gian là 15 ngày kể từ ngày nhận được quyết định.

Mặc dù sai phạm đã chỉ rõ, thời gian khắc phục đã được ấn định, thế nhưng vì sao công trình trái phép vẫn ngang nhiên tồn tại? Tại Văn bản số 4977/UBND–THKH ngày 8/5/2018, UBND tỉnh Thanh Hóa đã nhắc lại những sai phạm tại dự án này mà trước đó UBND thành phố đã chỉ ra. Đồng thời, yêu cầu Công ty Cổ phần Du lịch Kim Quy khẩn trương tháo dỡ các hạng mục công trình xây dựng trái phép đã chỉ ra trước đó, thời gian khắc phục xong trước ngày 25/5/2018.

Những tưởng sau chỉ đạo của UBND tỉnh Thanh Hóa thì những sai phạm trên sẽ được chấn chỉnh. Ngược lại, Văn bản số 887/UBND ngày 12/7/2019, UBND tỉnh này nhắc lại “điệp khúc yêu cầu” đối với những sai phạm tại dự án trên. Phải chăng việc UBND thành phố Thanh Hóa và UBND tỉnh này đối với những sai phạm trên chỉ mang tính hình thức?

Sử dụng sai mục đích?

Chưa dừng lại ở việc nhiều công trình xây dựng trái phép làm mất mỹ quan, phá vỡ quy hoạch tại Khu di tích lịch sử văn hoá Hàm Rồng mà nội tại các dự án này cũng đang có sự “biến tướng” giữa cấp phép và sử dụng không đồng nhất, khiến cho nhân dân bức xúc. Cụ thể, hàng loạt các dự án xin phép với mục đích phục vụ cho hoạt động du lịch, nhưng khi xây dựng xong lại biến tấu cho mục đích riêng làm trụ sở Công ty, tư gia...

Công ty Cổ Phần Thuận Hưng Land đang sử dụng các công trình trên như một tư gia, không kinh doanh, không nhà nghỉ?

Đơn cử, dự án khu nhà nghỉ nhà sàn và sân khấu ngoài trời của Công ty Cổ phần tư vấn đầu tư xây dựng thương mại Bắc Miền Trung. Mặc dù được cấp phép phục vụ nghỉ dưỡng cho du khách, thế nhưng khi liên hệ đặt phòng nghỉ dưỡng thì đơn vị thì bị từ chối. Nhiều người dân nơi đây cho biết, đơn vị họ treo tấm biển lớn tên công ty và thực tế đây cũng là trụ sở công ty họ chứ có nhà nghỉ, hay khách sạn như giấy phép đâu? Phía cổng chính luôn trong tình trạng “then cài, cửa đóng” và chỉ mở cho nhân viên của công ty ra, vào. Đáng nói, cách khu vực cổng chính khoảng 100m đơn vị cố tình xây “lô cốt” tường rào chắn ngang đường đi dạo ven hồ. Sự việc khiến người dân, du khách hết sức bất bình. Mặc dù đã nhiều lần tỉnh, thành phố yêu cầu phá dỡ nhưng chẳng hiểu có “sân sau” gì mà đơn vị vẫn ngang ngược không phá dỡ?

Trả lời về vấn đề này, Đội kiểm tra quy tắc đô thị thành phố cho rằng: “Phần hàng rào Công ty xây dựng ra mép hồ thì sau khi tỉnh chỉ đạo, chúng tôi đã ra biện pháp khắc phục hậu quả và yêu cầu tháo dỡ. Tuy nhiên, còn cái cổng vẫn để lại, tất nhiên là không đúng nhưng đơn vị nói là các anh tạo điều kiện để cái cổng đảm bảo về mặt an ninh nên cái cổng còn tồn tại? Về mặt chức năng sử dụng thì dư luận phản ánh đơn vị sử dụng như một trụ sở Công ty. Chúng tôi sẽ đề xuất lãnh đạo thành phố để kiểm tra theo phản ánh khi có kết quả sẽ phản hồi lại với cơ quan báo chí”.

Một dự án khác là Khu nhà tập dưỡng sinh, chòi nghỉ thuộc dự án phía Bắc Hồ Kim Quy và các công trình quanh hồ tại Khu du lịch văn hóa Hàm Rồng hiện cũng đang được đơn vị “biến tấu” thành một biệt phủ tráng lệ. Chủ sở hữu là Công ty Cổ Phần Thuận Hưng Land?

Theo hồ sơ, ngày 7/2/2020, Công ty Cổ Phần Thuận Hưng Land mới được cấp Giấy phép xây dựng số 148 cấp phép xây dựng các hạng mục công trình gồm: Nhà tập dưỡng sinh và chòi nghỉ thuộc dự án phía Bắc Hồ Kim Quy và các công trình quanh hồ tại Khu du lịch văn hóa Hàm Rồng, phường Hàm Rồng, thành phố Thanh Hóa.

Diện tích khu đất là 1.909,1m2. Trong đó, các hạng mục cấp phép gồm nhà tập dưỡng sinh với diện tích xây dựng 260m2, nhà 1 tầng với chiều cao 4,2m, mái cao 1,5m. Tiếp đến là chòi nghỉ với diện tích xây dựng 32m2, nhà 1 tầng kiểu 4 mái truyền thống, cao 2,8m, mái cao 1,53m.

Dự án với chức năng và giấy phép là vậy, thế nhưng Công ty Cổ Phần Thuận Hưng Land đang sử dụng các công trình trên như một tư gia, không kinh doanh, không nhà nghỉ? Ngay cạnh cổng chính của cơ ngơi đồ sộ này, chỉ thấy đặt một khối đá lớn khắc chữ “Thuận Hưng Land”, cánh cổng chính luôn được khóa cửa. Dư luận cho rằng, để đối phó với cấp ngành kiểm tra, đơn vị này chỉ trưng diện vài cái máy tập dưỡng sinh cho có lệ. Theo tìm hiểu của phóng viên thì ngoài hàng loạt những vi phạm về trật tự xây dựng, tại đây tình trạng các dự án cấp phép 1 đằng, hoạt động một nẻo còn diễn ra phổ biến ở nhiều dự án khác.

Tác giả: Tiến Anh

Nguồn tin: Báo Xây dựng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok