Giáo dục

Thanh Hóa: Gần 250 giáo viên được xét hợp đồng lao động

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa vừa chấp thuận kết quả xét lao động hợp đồng giáo viên dạy Mầm non, giáo viên Tiếng Anh dạy Tiểu học đối với một số địa phương trên địa bàn tỉnh này.

Cụ thể, trên cơ sở đề xuất của các địa phương và các ngành có liên quan, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã chấp thuận kết quả xét 243 lao động hợp đồng giáo viên dạy Mầm non, giáo viên Tiếng Anh dạy Tiểu học đối với UBND thành phố Sầm Sơn, UBND huyện Bá Thước và UBND huyện Tĩnh Gia.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã đồng ý với đề xuất của Sở Nội vụ tỉnh này về việc chấp thuận kết quả xét 28 lao động hợp đồng giáo viên dạy Mầm non thuộc UBND thành phố Sầm Sơn.

Trong đợt này, tỉnh Thanh Hóa đã chấp thuận kết quả xét lao động hợp đồng đối với 243 giáo viên Mầm non và giáo viên Tiếng Anh dạy Tiểu học tại nhiều địa phương
Trong đợt này, tỉnh Thanh Hóa đã chấp thuận kết quả xét lao động hợp đồng đối với 243 giáo viên Mầm non và giáo viên Tiếng Anh dạy Tiểu học tại nhiều địa phương

Bên cạnh đó, huyện Bá Thước cũng đã được chấp thuận xét hợp đồng lao động đối với 95 giáo viên dạy Mầm non, 16 giáo viên Tiếng Anh dạy Tiểu học.

Đồng thời, tại huyện Tĩnh Gia, trong đợt này cũng đã được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận kết quả xét 104 lao động hợp đồng giáo viên dạy Mầm non.

Như vậy, có 243 lao động hợp đồng giáo viên dạy Mầm non, giáo viên Tiếng Anh dạy Tiểu học tại các địa phương nêu trên được chấp thuận kết quả xét lao động hợp đồng trong đợt này.

Ông Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa giao Chủ tịch UBND thành phố Sầm Sơn, UBND huyện Bá Thước và UBND huyện Tĩnh Gia thực hiện việc ký hợp đồng lao động giáo viên dạy Mầm non, giáo viên Tiếng Anh dạy Tiểu học trên địa bàn theo quy định.

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa giao Sở Tài chính thẩm định bổ sung kinh phí hỗ trợ lao động hợp đồng giáo viên cho các địa phương, trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt theo quy định.

Đồng thời, giao Sở Nội vụ hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện ký hợp đồng lao động giáo viên của các địa phương, đảm bảo theo quy định hiện hành của pháp luật; tổng hợp kết quả thực hiện, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh.

Trước đó, năm học 2016 - 2017, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã có hàng nghìn giáo viên, nhân viên bị cắt hợp đồng lao động. Nguyên nhân chủ yếu do các địa phương thực hiện không đúng các quy định của nhà nước trong việc hợp đồng lao động đối với giáo viên, nhân viên hành chính. Thực trạng trên khiến ngành giáo dục Thanh Hóa rơi vào tình cảnh thừa, thiếu giáo viên cục bộ ở nhiều địa phương, nhiều cấp học.

Đến đầu năm học 2017 - 2018, tỉnh Thanh Hóa thống nhất cho hợp đồng lao động với hơn 1.000 giáo viên bậc học Mầm non, giáo viên Tiếng Anh dạy Tiểu học đối với các địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Tác giả: Duy Tuyên

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok