Trong tỉnh

Thanh Hóa: Dự án thuỷ điện hơn 3.000 tỷ xây dựng dang dở, hoang tàn

Nhà máy thủy điện Hồi Xuân có tổng mức đầu tư trên 3,3 nghìn tỷ đồng, được xây dựng trên sông Mã, đoạn qua huyện miền núi Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Sau hơn 10 năm xây dựng dang dở, dự án hiện nay đang bị bỏ hoang, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân địa phương.

Dự án thủy điện Hồi Xuân, huyện Quan Hóa được khởi công vào tháng 3/2010. Tuy nhiên,sau hơn 10 năm xây dựng dang dở, hiện dự án đang phải "đắp chiếu" do thiếu vốn. Tại đây, nhiều công trình dân sinh mà chủ đầu tư đã cam kết với chính quyền địa phương vẫn chưa được thực hiện, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân.

Khởi công từ tháng 3/2010, sau hơn 10 năm xây dựng dang dở, nhiều hạng mục xây dựng tại Dự án thủy điện Hồi Xuân bắt đầu xuống cấp, khung cảnh tại đây hoang tàn.

Ông C.B. – người dân bản Sa Lắng, xã Phú Xuân, huyện Quan Hóa bức xúc, trước khi di dời lên khu tái định cư (TĐC), người dân được chủ đầu tư cam kết sẽ kè ta luy dương chống sạt lở từ vách núi, ta luy âm để không sạt xuống sông Mã, kèm theo đó là làm nhà văn hóa bản, đường bê tông từ bến đò lên bản, đường đi nghĩa địa, sân bóng chuyền, hệ thống kênh thoát nước... Nhưng rồi sau đó, thủy điện không thi công nữa, những công trình họ đã hứa hẹn cũng chìm lấp theo thời gian.

"Khó khăn nhất hiện nay vẫn là bản chưa có nhà văn hóa để sinh hoạt cộng đồng. Mỗi khi bản có việc, chúng tôi đều phải mượn nhà dân để họp nên rất bất tiện. Để có sân bóng tập luyện thể thao, người dân bản phải tự góp tiền làm. Người dân trong khu TĐC vô cùng bức xúc về việc nợ công trình của chủ đầu tư. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị đến các cơ quan chức năng nhưng mọi việc vẫn chưa được giải quyết", ông B. nói.

Từ năm 2014 đến đến năm 2018, dự án chững lại, chỉ làm cầm chừng. Từ năm 2018 đến nay thì dự án “trùm mền”.

Bà C.T.H. – ngụ cùng bản Sa Lắng cũng không giấu được sự lo lắng của mình. Bà H. cho biết thêm: "Chúng tôi sinh sống ngay dưới chân núi, cứ mỗi khi có mưa dông thì đất, đá lại sạt theo nhau trôi xuống, vùi lấp vườn tược. Để tránh hiểm họa, gia đình tôi đã phải làm nhà ra phía bên ngoài sinh sống đấy. Sống ở khu TĐC lúc nào chúng tôi cũng nơm nớp lo sợ đá đất sạt lở vào nhà".

Dự án thủy điện Hồi Xuân có tổng mức đầu tư hơn 3.320 tỷ đồng, công suất 102 MW, bao gồm ba tổ máy với sản lượng điện trung bình hàng năm hơn 432 triệu Kwh.

Trao đối với PV, ông Trần Văn Hùng - Phó Chủ tịch UBND huyện Quan Hóa cho biết, dự án thủy điện Hồi Xuân chậm tiến độ, thi công dở dang đã ảnh hưởng đến đời sống của nhiều hộ dân nằm trong vùng dự án. Trong đó có hơn 655 ha đất trong vùng lòng hồ dự án thuỷ điện bị ảnh hưởng và hàng nghìn hộ dân bị tác động. Đến nay, nhiều hộ dân vẫn chưa được nhận tiền đền bù hoặc chưa có khu TĐC khiến cuộc sống gặp nhiều khó khăn.

"Việc Dự án thủy điện Hồi Xuân thi công chậm, dừng thi công, huyện đã nhiều lần báo cáo lên tỉnh, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa cũng nhiều lần về kiểm tra và có đề xuất đến các Bộ, ngành sớm tìm hướng giải quyết, để chủ đầu tư khẩn trương triển khai hoàn thiện dự án, ổn định đời sống cho bà con bị ảnh hưởng từ dự án" - ông Hùng cho biết thêm.

Được biết, dự án thủy điện Hồi Xuân có tổng mức đầu tư hơn 3.320 tỷ đồng. Tuy nhiên, chủ đầu tư cũ là Tổng công ty cổ phần xây dựng điện Việt Nam không thu xếp được nguồn tài chính. Năm 2014, dự án được chuyển giao cho Công ty dịch vụ thương mại sản xuất và xây dựng Đông Mê Kông.

Theo kế hoạch, khoảng tháng 10/2012, thủy điện Hồi Xuân sẽ chặn dòng lần một, cuối năm 2013 chặn dòng lần hai, đến giữa năm 2014 thì tích nước hồ chứa và phát điện tổ máy số 1 vào tháng 9 cùng năm.

Giai đoạn 2016 đến 2018, dự án thủy điện Hồi Xuân thi công đạt khoảng 90% khối lượng thì bất ngờ dừng hoạt động cho đến nay do thiếu vốn.

Để dự án đi vào vận hành, chủ đầu tư cần hoàn thành các phần việc như: Bồi thường giải phóng mặt bằng, thi công một số hạng mục và công trình dân sinh, đấu nối vào lưới điện quốc gia... Tuy nhiên, vì tiếp tục thiếu vốn, dự án lại dừng thi công từ 2019 đến nay.

Báo cáo của Sở Công Thương tỉnh Thanh Hóa từng nêu rõ: "Dự án chậm tiến độ, thi công dở dang đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân vùng dự án; tạo điểm nóng, gây bức xúc, khiếu kiện kéo dài và thiệt hại kinh tế, lãng phí tài nguyên..."

Dự án chậm tiến độ, thi công dở dang đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân xung quanh dự án.

Vùng lòng hồ dự án thủy điện Hồi Xuân có hơn 655 ha đất bị ảnh hưởng, thuộc 2 huyện Mai Châu (Hòa Bình) và huyện Quan Hóa (Thanh Hoá). Gần 1.900 hộ dân ở hai địa phương này bị tác động, trong đó khoảng 500 hộ phải TĐC đến nơi ở mới. Đến nay, hàng trăm hộ dân vẫn chưa nhận được tiền đền bù hoặc chưa có khu TĐC khiến cuộc sống bấp bênh, tạm bợ. Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ ổn định sản xuất, chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân bị tác động bởi dự án chưa được thực hiện triệt để.

Tác giả: Gia Hân - Mạnh Linh

Nguồn tin: giadinh.suckhoedoisong.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok