Một trong những “hạng mục công trình” dở dang của dự án.
Dự án (DA) Khu Du lịch Sinh thái Tiên Trang (DA) do Công ty TNHH SoTo (Cty SoTo) làm chủ đầu tư, là DA du lịch sinh thái biển tổng hợp, được quy hoạch các phân khu chức năng như: khu dân cư, biệt thự, Trung tâm thương mại, khu vui chơi – giải trí sinh thái… và được chia làm 2 DA gồm: DA Khu du lịch, thể thao sinh thái Tiên Trang được UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận đầu tư năm 2008, tại địa bàn các xã Quảng Lĩnh, Quảng Lợi, Quảng Thạch, tổng diện tích 427.000m2, chủ yếu là đất lâm nghiệp ven biển và một phần đất nông nghiệp; DA khu Đô thị du lịch ven biển Tiên Trang tại các xã Quảng Lợi, Quảng Thạch và Quảng Thái, diện tích 448.631m2 (được phê duyệt tại Quyết định số 616/QĐ-UBND ngày 22/3/2011).
Vốn là một vùng quê biển nghèo, được thiên nhiên ưu đãi bờ biển đẹp, phong cảnh hữu tình, từ ngày DA được cấp phép đầu tư và khởi công xây dựng, người dân vùng bãi ngang nơi đây - vốn bao năm theo nghề chài lưới “ra khơi vào lộng” nhưng cuộc sống vẫn khó khăn, vất vả - đã chứa chan hy vọng vào một tương lai tươi sáng hơn khi Khu du lịch sinh thái đi vào hoạt động. Tuy nhiên “niềm vui ngắn chẳng tày gang”, một năm, hai năm… rồi cho đến nay đã gần chục năm trôi qua, DA vẫn gần như… chỉ nằm trên giấy với bóng dáng, hình hài thự tế chỉ là khu quảng trường dang dở, trơ cả bê tông cốt thép, chiếc cổng chào được thiết kế theo kiểu “chẳng giống ai” đứng chơ vơ trong nắng gió; vài điểm kinh doanh, dịch vụ theo kiểu tự phát; hầu hết diện tích vốn là rừng phòng hộ ven biển đã được bàn giao mặt bằng cho DA vẫn chỉ là những khoảng đất trống, cỏ dại mọc đầy.
Cổng chào dự án chơ vơ trong nắng gió.
Tình trạng “ì ạch” của DA đã gây bức xúc trong dư luận nhân dân địa phương, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sinh kế của bà con ngư dân, gây tác động tiêu cực đến cảnh quan môi trường, lãng phí tài nguyên,… Trước thực trạng trên, nhất là thời gian thực hiện DA đã hết, cuối năm 2016 và mới đây, UBND huyện Quảng Xương đã làm việc với chủ đầu tư là Cty SoTo để thúc đẩy việc triển khai và xin gia hạn cho DA. Theo đó, UBND huyện đã đánh giá DA chậm tiến độ, ảnh hưởng đến sự phát triển du lịch của địa phương. Chủ đầu tư chưa triển khai các hạng mục hạ tầng theo quy hoạch, chưa có các khu chức năng, nhà nghỉ, các công trình phục vụ du lịch hầu như chưa có gì… Trước đó, Sở Tài nguyên & Môi trường Thanh Hóa cũng đã kiến nghị UBND tỉnh yêu cầu Cty SoTo tích cực hơn trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB), rà soát lại DA cả về quy mô, tiến độ và cam kết thời gian thực hiện.
Trao đổi với phóng viên, ông Trần Văn Công, Chủ tịch UBND huyện Quảng Xương cho biết, DA Tiên Trang được triển khai quá chậm, đã hết thời hạn thực hiện. Sau khi làm việc với chủ đầu tư, huyện đang chỉ đạo các ban, ngành chức năng kiểm tra, xem xét để đề nghị tỉnh gia hạn. Đồng thời cho phép kêu gọi các đơn vị khác cùng đầu tư vào DA. Cùng với đó, đôn đốc chủ đầu tư có các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện DA. Theo ông Công, cho đến nay DA đã hoàn thành GPMB 90% diện tích.
Giải thích về nguyên nhân dẫn đến tốc độ “rùa bò” của DA, Chủ tịch huyện Quảng Xương cho rằng, trước đây chủ đầu tư được giao tự thương lượng với dân để đền bù GPMB nhưng năm 2015 mới thực hiện được 70% bởi việc thương lượng, áp giá đền bù quá phức tạp, chủ đầu tư đã đề nghị UBND huyện cùng vào cuộc, hỗ trợ công tác này. Do có sự chỉ đạo, vào cuộc mạnh mẽ của huyện, công tác GPMB đã được đẩy nhanh, và mới đây chủ đầu tư đã khởi công xây dựng tuyến đường trục chính dài 2km của DA.
Con đường trục chính trong dự án mới khởi công xây dựng đã phải dừng do người dân không bàn giao mặt bằng.
Tiếp tục đi sâu tìm hiểu về DA tại xã Quảng Lợi (nơi chiếm phần lớn diện tích của DA), phóng viên đã nắm được hàng loạt thông tin do người dân phản ánh chủ đầu tư “thiếu minh bạch”, tùy tiện, không làm đúng cam kết, thậm chí còn “ăn bớt” tiền chi trả đền bù của dân… trong quá trình đền bù, GPMB. Những việc làm này đã khiến người dân bức xúc, không bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư và làm đơn khiếu kiện gửi các cấp, ngành chức năng.
Tác giả: Đào Nguyên
Nguồn tin: Báo Xây dựng