Cụm công nghiệp Đông Văn nằm trên địa bàn xã Đông Văn, huyện Đông Sơn (Thanh Hóa) được thành lập theo quyết định 4090/QĐ-UBND ngày 19/10/2018 của UBND tỉnh Thanh Hóa. Dự án trên diện tích 20ha, được chuyển đổi từ đất nông nghiệp.
Theo đó, cụm công nghiệp sẽ phục vụ nhóm các dự án sản xuất vật liệu xây dựng; Chế biến khoáng sản; dịch vụ cho thuê bãi; nhóm các dự án công nghiệp chế biến, công nghiệp hỗ trợ; nhóm các dự án điện, điện tử; nhóm các dự án chế biến thực phẩm; chế biến gỗ; nông sản; nhóm các dự án văn phòng phẩm sản xuất hàng giấy và bao bì từ bột giấy; nhóm các dự án chế biến thức ăn gia súc, gia cầm, thủy sản và các ngành nghề khác có liên quan...
Chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kĩ thuật là Tổng ty đầu Đầu tư phát triển đô thị - CTCP. Tổng mức đầu tư khoảng 267,24 tỷ đồng.
Chưa được Nhà nước giao đất, doanh nghiệp đã tự ý huy động phương tiện đến san lấp |
Ban đầu, dự án dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2021. Tuy nhiên, sau nhiều năm dậm chân tại chỗ vì chưa hoàn thành thủ tục đầu tư, chủ đầu tư xin điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án. Tháng 8/2023, UBND tỉnh Thanh Hóa ký quyết định cho phép điều chỉnh tiến độ.
Cụ thể: Đến hết Quý I/2024: Hoàn thành thủ tục pháp lý về đầu tư, xác định giá đất; hợp đồng thuê đất, giao đất; Đến hết Quý I/2025: Triển khai xây dựng và hoàn thành đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp; tiếp nhận các dự án thứ cấp vào thực hiện các thủ tục đầu tư các dự án sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp.
Lý do điều chỉnh được nêu ra là: Dự án đã được UBND tỉnh cho thuê đất tại Quyết định số 207/QĐ-UBND ngày 12/01/2022. Tuy nhiên, đến nay dự án đang chờ Hội đồng thẩm định giá đất cụ thể tỉnh Thanh Hoá phê duyệt phương án giá đất, nên chưa được ký hợp đồng thuê đất, chưa bàn giao đất tại thực địa và chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Chủ đầu tư để đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp.
Như vậy, đến nay dự án vẫn chưa đáp ứng các điều kiện pháp lý để chủ đầu tư thi công hạ tầng. Vậy nhưng, theo ghi nhận thực tế, Tổng ty đầu Đầu tư phát triển đô thị - CTCP đã cho máy móc tiến hành thi công, san lấp mặt bằng, tập kết hàng nghìn khối đất, đá trên diện tích đất Nhà nước chưa bàn giao.
Thêm vào đó, cụm công nghiệp này cũng chưa có thủ tục đấu nối với tuyến đường Vạn Lại - Yên Trường. Quá trình vận chuyển vật liệu cho dự án, các phương tiện đã gây bụi bặm và vương vãi đất ra đường.
Ông Đoan Anh, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Văn cho biết, địa phương không nắm được hồ sơ pháp lý của dự án, bởi dự án thuộc thẩm quyền của tỉnh, xã chỉ phối hợp giải phóng mặt bằng. Về quá trình thực hiện, xã đã nhiều lần nhắc nhở đơn vị thi công khi họ tập kết khối lượng lớn vật liệu đất, sỏi gây ảnh hưởng đến môi trường, đặc biệt khi vào ngày mưa.
Diện tích đất chưa được giao biến thành bãi tập kết vật liệu quy mô lớn, ảnh hưởng đến môi trường |
Đại diện phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đông Sơn cũng trả lời, dự án hiện nay chưa hoàn thiện hồ sơ thủ tục về đất đai, chưa được giao đất nhưng chủ đầu tư hạ tầng đã tiến hành san lấp, thi công là không đúng quy định.
Với việc tự ý san lấp đất trên diện tích đất chưa được Nhà nước giao đất theo quy định của pháp luật về đất đai, Tổng ty đầu Đầu tư phát triển đô thị - CTCP đã vi phạm quy định tại điều 3 Nghị định số 102/2014/NĐ-CP: “Chiếm đất là việc sử dụng đất mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép hoặc việc sử dụng đất do được Nhà nước giao, cho thuê nhưng hết thời hạn giao, cho thuê đất không được Nhà nước gia hạn sử dụng mà không trả lại đất hoặc sử dụng đất khi chưa thực hiện thủ tục giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai."
Căn cứ Điều 14 Nghị định 91/2019/NĐ-CP, vi phạm này có thể bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng nếu diện tích đất lấn, chiếm từ 1ha trở lên.
Tác giả: Lương Diễn
Nguồn tin: doisongphapluat.nguoiduatin.vn