Trong tỉnh

Thanh Hóa: Điểm mặt những siêu dự án du lịch “đắp chiếu”

Thanh Hóa được ví như "nam châm” thu hút các nhà đầu tư về du lịch. Các siêu dự án được các ông chủ lớn lựa chọn, thay vì biến tiềm năng thành hiện thực, các siêu dự án lại đang nằm “bất động”.

Tại các Hội nghị Xúc tiến thương mại UBND tỉnh Thanh Hóa luôn khẳng định:“Tỉnh Thanh Hóa sẽ áp dụng cơ chế chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư vào tỉnh theo nguyên tắc nhà đầu tư được hưởng mức ưu đãi cao nhất về quyền lợi và thực hiện nghĩa vụ ở mức thấp nhất trong khung quy định”. Chính vì thế, Thanh Hóa được xem như thị trường “vàng”, “nam châm” thu hút các nhà đầu tư lớn. Từ rất sớm, các siêu dự án du lịch được các ông chủ lớn lựa chọn. Thế nhưng, thay vì biến tiềm năng thành hiện thực thì các siêu dự án đang nằm “bất động” hay “giữ đất” đúng quy trình.

Đầu tư hay...chiếm đất

Sầm Sơn là đơn vị đầu tàu của du lịch Thanh Hóa, không chỉ bởi sự đóng góp của du lịch trong cơ cấu ngành, mà còn bởi sức hút đối với các nhà đầu tư. Hiện nay thành phố Sâm Sơn đang triển khai 8 dự án du lịch lớn, với tổng vốn đầu tư lên đến gần 20 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, theo đánh giá của UBND TP Sầm Sơn thì đến thời điểm hiện nay hầu hết các dự án đều triển khai chậm hoặc chưa đúng tiến độ đề ra. Tình trạng này không chỉ khiến cho đời sống người dân chịu ảnh hưởng từ các dự án gặp nhiều khó khăn. Mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Dự án Khu biệt thự Hùng Sơn qua 15 năm vẫn còn nguyên trên thiết kế

Dự án Khu biệt thự Hùng Sơn, 15 năm vẫn “giậm chân tại chỗ”. Từ năm 2004, UBND tỉnh Thanh Hóa đã đồng ý giao cho Cty Đầu tư Xây dựng & kinh doanh nhà Quảng Ninh (nay là Cty CP Văn Phú Invest), triển khai đầu tư, xây dựng dự án Khu biệt thự Hùng Sơn - Nam Sầm Sơn, thuộc 2 xã Quảng Hùng, Quảng Đại, thành phố Sầm Sơn với tổng diện tích 26ha. Nhưng cho đến nay, đã 15 năm trôi qua, dự án vẫn gần như “bất động”, gây lãng phí tài nguyên đất và nhiều hệ lụy cho chính quyền cũng như người dân địa phương.

Bức xúc trước thực trạng dự án “treo”, ông Viên Đình Hoàn - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Quảng Hùng (TP Sầm Sơn) cho rằng: Nhà đầu tư có biểu hiện giữ đất. Bởi theo ông, dự án Khu biệt thự Hùng Sơn đã được phê duyệt cách đây 15 năm, song đến nay mọi thứ vẫn chưa có gì thay đổi. Có chăng sự thay đổi chính là cánh rừng phi lao chắn sóng đã bị chặt phá để bàn giao đất cho nhà đầu tư, đến nay cả chục ha đất mọc toàn cỏ dại. Thực trạng này không chỉ ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội địa phương mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro cho người dân mỗi khi mùa mưa bão về. Thay vào sự kỳ vọng như trước đây, người dân và chính quyền địa phương ngày càng mất niềm tin vào dự án lớn.

Tại tỉnh Thanh Hóa, có những siêu dự án như trên là điều không khó bắt gặp. Cũng tại dự án Khu du lịch biển Golden coast resort của Công ty CP Xi măng Công Thanh (gia hạn 2 lần). Dự án này với tổng diện tích trên 20 ha, thuộc địa phận 2 xã Hải Hòa và Bình Minh (huyện Tĩnh Gia), được UBND tỉnh đồng ý chủ trương cho phép đầu tư tại Công văn số 3081/UBND-CN ngày 25/7/2006. Năm 2008, UBND tỉnh đã duyệt phương án tổng thể bồi thường, hỗ trợ tái định cư tại Quyết định số 672/QĐ-UBND ngày 24/3/2008, yêu cầu chủ đầu tư và chính quyền địa phương phải hoàn thành việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư trong quý II/2008.

Tuy nhiên, sau gần 10 năm triển khai, đến tháng 6/2016 Công ty CP Xi măng Công Thanh lại có văn bản đề nghị và được UBND tỉnh chấp thuận cho giãn tiến độ thực hiện dự án. Theo đó, tỉnh yêu cầu nhà đầu tư phải hoàn thành giải phóng mặt bằng và hồ sơ sử dụng đất, xây dựng, môi trường để khởi công xây dựng vào tháng 10/2017 và hoàn thành dự án, đi vào hoạt động chính thức trong tháng 5/2019. Thế nhưng, mọi chuyện vẫn chưa dừng lại ở đây. Gần đây nhất, tháng 3/2018, Công ty CP Xi măng Công Thanh tiếp tục có văn bản đề nghị UBND tỉnh cho phép chuyển mục đích sử dụng 5,25 ha đất rừng phòng hộ phục vụ dự án. Đề nghị này hiện vẫn phải chờ Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho chuyển đổi mục đích sử dụng. Với lý do nêu trên, hiện dự án Khu du lịch biển Golden coast resort vẫn tiếp tục được dự báo kéo dài trong trạng thái “im lặng”.

Quan ngại ở môi trường đầu tư

Một chuyện đáng nói rằng, tại các siêu dự án lớn này chưa nhìn thấy một dấu hiệu sẽ sớm hoàn thiện hay đi vào hoạt động mà chỉ nhìn thấy một “điệp khúc” xin ra hạn. Trong khi đó, tỉnh Thanh Hóa đã và đang phấn đấu đến năm 2020 phát triển du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Và thời gian để “cán đích” không còn xa, vì vậy việc nhiều các siêu dự án điển hình là trọng điểm kinh tế lớn luôn ở trạng thái “im lặng”. Đây không còn là chuyện lãng phí tài nguyên mà còn lãng phí thời gian cũng như cản trở những nhà đầu tư có năng lực thực sự đến với tỉnh Thanh Hóa.

Dự án có “thâm niên” cũng phải kể đến Khu Du lịch sinh thái Tiên Trang do Công ty TNHH SoTo làm chủ đầu tư. Là siêu dự án du lịch sinh thái biển tổng hợp, được quy hoạch các phân khu chức năng như: khu dân cư, biệt thự, Trung tâm thương mại, khu vui chơi – giải trí sinh thái… và được chia làm 2 dự án gồm: dự án Khu du lịch, thể thao sinh thái Tiên Trang được UBND tỉnh chứng nhận đầu tư số 26. 121. 000. 025, ngày 31/12/2008, tại các xã Quảng Lợi, Quảng Thạch và Quảng Thái, với tổng diện tích 427.000m2, chủ yếu là đất lâm nghiệp ven biển và một phần đất nông nghiệp; Dự án khu Đô thị du lịch ven biển Tiên Trang tại các xã Quảng Lợi, Quảng Thạch và Quảng Thái, diện tích 448.631m2, được phê duyệt tại Quyết định số 616/QĐ-UBND ngày 02/3/2011.

Công trình dang dở của Dự án Khu du lịch sinh Thái Tiên Trang, xã Quảng Lợi tỉnh Thanh Hóa

Ngay từ ngày dự án được cấp phép đầu tư và khởi công xây dựng, chính quyền và nhân dân huyện Quảng Xương, cùng các xã trong vùng dự án rất phấn khởi và háo hức kỳ vọng phát triển ở vùng đất ven biển khó khăn này.

Thế nhưng, sau 10 năm kể từ khi dự án được duyệt, tất cả chỉ là viễn cảnh nằm trên giấy. Nơi đây mới chỉ có một khu quảng trường với vài ba hạng mục xây dựng còn dang dở, một số điểm kinh doanh dịch vụ tự phát, các bãi tắm chưa được quản lý, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường chưa đảm bảo… cũng chính vì tình trạng “dậm chân” của dự án đã gây nhiều bức xúc trong dư luận nhân dân địa phương, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng đời sống của bà con ngư dân nơi đây.

Cùng với các siêu dự án trên còn có hàng loạt các siêu dự án có “thâm niên” gia hạn như: Khu biệt thự nghỉ dưỡng Đức Thịnh, chủ đầu tư Công ty TNHH Đức Thịnh. Khu đô thị du lịch sinh thái Tân Dân (Công ty CP Tập đoàn T&T); Dự án xây dựng khu du lịch công viên Biển Xanh (Công ty CP Phúc Hoàng Nghiêu); Dự án khu du lịch nghỉ dưỡng Ngọc Lặc (Công ty TNHH Thương mại Đầu tư và Phát triển công nghệ Thăng Long)... Tất cả vẫn “bất động” nằm trên giấy.

Với lợi thế có bờ biển đẹp nhưng những công trình của các siêu dự án dang dở khiến cho tỉnh Thanh Hóa hàng năm mất một lượng khách du lịch lớn quay trở lại

Nếu chiếu theo điểm g, khoản 1, Điều 48 Luật Đầu tư năm 2014, thì: “Sau 12 tháng mà nhà đầu tư không thực hiện hoặc không có khả năng thực hiện dự án theo tiến độ đăng ký với cơ quan đăng ký đầu tư và không thuộc trường hợp được giãn tiến độ thực hiện dự án đầu tư theo quy định tại Điều 46 của Luật này”, thì dự án đầu tư sẽ bị chấm dứt hoạt động. Luật là vậy, nhưng để áp dụng vào thực tiễn, với hàng chục dự án du lịch trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện nay lại là cả một bài toán khó. Bởi, nhà đầu tư luôn có những “cái lý” để được “hưởng” quyền gia hạn dự án.

Có thể thấy, hàng loạt các siêu dự án du lịch trên tại Thanh Hóa đang được “hưởng” một đặc quyền “ưu ái” đặc biệt khi đặt chân đầu tư vào ngành công nghiệp không khói. Chính vì những điều “ưu ái” này đã làm cho môi trường đầu tư tại Thanh Hóa trở nên quan ngại hơn và thiếu công bằng với những nhà đầu tư khác có đủ năng lực và tài chính để thực hiện. Đây chính là những rào cản lớn để đến 2020 tỉnh Thanh Hóa khó có thể đưa ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Để làm được diều đó, cần một cuộc cách mạng lớn cho ngành du lịch tỉnh Thanh Hóa, để các công trình tại các siêu dự án du lịch nghìn tỷ này chuyển từ trạng thái “bất động” sang trạng thái “hoạt động”.

Tác giả: Kiều Phiên

Nguồn tin: Báo Diễn đàn Doanh nghiệp

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok