Ngày 28/7, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức hội nghị nghe báo cáo Đề án "Sắp xếp các trường THPT công lập trên địa bàn tỉnh đến năm 2025".
Tại hội nghị này, ông Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đánh giá, việc sắp xếp các trường THPT công lập hiện có trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 là một đề án lớn và cần thiết, ảnh hưởng tới nhiều cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh và phụ huynh.
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu, đề án phải được xây dựng chặt chẽ, trên cơ sở xem xét, phân tích các yếu tố chủ quan và khách quan, mang tính hợp lý cao nhất.
Theo số liệu thống kê, hiện tại trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 100 trường THPT công lập, trong đó có 6 trường THCS và THPT.
Hệ thống các trường THPT công lập hiện nay tại Thanh Hóa đang tồn tại nhiều bất cập cần sắp xếp lại. |
Các ban ngành chức năng tỉnh Thanh Hóa đánh giá, hệ thống trường THPT công lập hiện nay đang tồn tại nhiều bất cập, như: Một số trường thiếu cơ sở vật chất, phải học nhờ các cơ sở giáo dục khác, đội ngũ giáo viên thừa, thiếu cục bộ, nhiều trường có vị trí địa lý quá gần nhau, nhiều trường thì quy mô nhỏ...
Xuất phát từ thực trạng trên, đòi hỏi phải có phương án sắp xếp lại các trường THPT công lập nhằm thực hiện chủ trương tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức và tạo điều kiện sử dụng cơ sở vật chất hiệu quả hơn, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.
Theo đề án, đến năm 2025, tỉnh Thanh Hóa sẽ giảm 12 trường THPT so với hiện tại. Do đó, đề án đề xuất giải thể, sáp nhập 13 trường THPT vào các trường THPT khác và thành lập mới 1 trường THPT chuyên biệt, là trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Thanh Hóa tại huyện Ngọc Lặc.
Việc sắp xếp theo nguyên tắc bảo đảm mỗi huyện có ít nhất 1 trường THPT có quy mô không quá 45 lớp; sắp xếp lại các trường THPT quy mô nhỏ, chất lượng giáo dục thấp, hoặc có vị trí địa lý không phù hợp.
Đối với khu vực miền núi, nếu các trường THPT có quy hoạch phù hợp nhưng quy mô nhỏ thì ghép thêm trường THCS trên cùng địa bàn xã thành trường phổ thông nhiều cấp học.
Phương án bố trí đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh các trường THPT thuộc diện giải thể, sáp nhập được thực hiện theo quy định của pháp luật và văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh Thanh Hóa.
Cũng tại hội nghị, Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa cũng yêu cầu Sở GD-ĐT dừng bổ nhiệm cấp phó tại các trường THPT nhằm bảo đảm cho việc sắp xếp lại đội ngũ cán bộ quản lý; phối hợp cùng các địa phương nghiên cứu, tham mưu quy hoạch các trường tư thục ở những nơi có điều kiện. Các trường sau khi sắp xếp phải bảo đảm đạt chuẩn hoặc phù hợp với lộ trình xây dựng trường chuẩn quốc gia.
Đồng thời, các ban, ngành liên quan, các huyện, thị xã, thành phố tích cực tuyên truyền, phổ biến đến cán bộ, giáo viên các trường THPT và các tầng lớp nhân dân hiểu đúng nội dung, mục đích, ý nghĩa của đề án, tạo sự đồng thuận trong dư luận.
Tác giả: Lương Thị
Nguồn tin: antt.vn