|
Nhanh chóng triển khai
Thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TW ngày 10/5/2022 của Hội nghị lần thứ V, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, tại phiên họp ngày 30/5/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã thống nhất quyết định thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (BCĐ), gồm 15 thành viên, do ông Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, làm Trưởng ban.
Các thành viên Phó ban chỉ đạo gồm các ông Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và 4 đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Nguyễn Ngọc Tiến, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy; Nguyễn Văn Hùng, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy; Lê Quang Hùng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy; Trần Phú Hà, Giám đốc Công an tỉnh, làm Phó Trưởng Ban Chỉ đạo. Đồng chí Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy được phân công làm Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo.
Thành viên Ban Chỉ đạo có các đồng chí là Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh; Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; Chánh Văn phòng Tỉnh ủy; Chánh Thanh tra tỉnh; Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh; Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở Tư pháp và Phó Trưởng ban thường trực Ban Nội chính Tỉnh uỷ.
Ông Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, làm Trưởng ban. |
Sau khi thành lập, Ban Chỉ đạo đã tập trung nghiên cứu nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo thực hiện theo quy định của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Cụ thể, xây dựng ban hành các văn bản Quy chế làm việc; quy định về công tác kiểm tra, giám sát; xây dựng các chương trình, kế hoạch công tác để tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ... với 6 nhóm nhiệm vụ trọng tâm và 15 công việc cụ thể cho 6 tháng cuối năm 2022. Qua đó, Ban chỉ đạo đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo và quy định về chế độ báo cáo, quan hệ công tác với các cơ quan, tổ chức có liên quan.
Thực hiện rốt ráo chỉ đạo của Trung ương, sau khi thành lập Ban Chỉ đạo đã nhanh chóng tổ chức 3 phiên họp, Thường trực Ban Chỉ đạo tổ chức 4 cuộc họp. Sau đó, Thường trực Ban Chỉ đạo đã ban hành 7 thông báo, 1 quy định, 1 quy chế, 2 quyết định, 3 chương trình, 1 kế hoạch, 6 báo cáo và 13 công văn để lãnh đạo, chỉ đạo tới cấp Ủy, tổ chức Đảng trực thuộc, cùng các cơ quan chức năng triển khai thực hiện.
Thực hiện "Trên, dưới cùng nóng"
Theo thông tin từ Ban chỉ đạo, trong 6 tháng cuối năm 2022 và quý I/2023, công tác đầu tranh phát hiện, xử lý tham nhũng được Ban Chỉ đạo đẩy mạnh. Các cơ quan chức năng đã tiến hành nhiều cuộc thanh kiểm tra giám sát, đã phát hiện nhiều hành vi tham nhũng tiêu cực, trong đó có nhiều vụ việc có dấu hiệu tội phạm tới mức khởi tố hình sự.
Cụ thể, qua sự chỉ đạo, Cơ quan điều tra đã thụ lý 41 tin báo tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố về tham nhũng tiêu cực. Qua đó, khởi tố 33 vụ và 69 bị can về các tội tham nhũng, tiêu cực. Trong đó, đáng chú ý, có 15 vụ được đưa vào diện theo dõi chỉ đạo của Ban chỉ đạo.
Đối với 15 vụ việc thuộc diện chỉ đạo, theo dõi trực tiếp của Ban chỉ đạo, đây là những vụ việc tham nhũng tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm và có nhiều khó khăn vướng mắc trong qua trình điều tra xử lý.
Với tinh thần làm việc nghiêm túc, quyết tâm, tới nay, Ban chỉ đạo đã trực tiếp chỉ đạo giải quyết xong và đưa ra khỏi diện theo dõi đối với 3 vụ án phức tạp, kéo dài. Để đạt được kết quả bước đầu đó, Ban chỉ đạo đã tập trung chỉ đạo kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình điều tra xét xử như: đẩy nhanh tiến độ giám định và định giá tài sản xử lý của vụ án, tổ chức các hội nghị để bồi dưỡng nâng cao chất lượng, tiến độ giải quyết các vụ án, vụ việc...
Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Thanh Hóa đã nhanh chóng triển khai, tổ chức phiên họp sau khi thành lập. |
Qua trao đổi với Người Đưa Tin, đại diện lãnh đạo Ban Nội Chính Tỉnh ủy Thanh Hóa, là đơn vị Thường trực của Ban chỉ đạo cho biết, từ khi thành lập, Ban chỉ đạo cũng đã dần khẳng định được vai trò của Ban trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Qua chỉ đạo, các cấp Ủy, chính quyền các cơ quan, đơn vị đã nghiêm túc quán triệt, thực hiện nghiêm túc đầy đủ các quy định của Đảng, pháp luật cùa Nhà nước về phòng chống tham nhũng tiêu cực.
Theo đó, các cấp chính quyền, đơn vị đã cụ thể hóa các chủ trương giải pháp về phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Kết luận Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực cùng các chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban chỉ đạo về phòng chống tham nhũng, tiêu cực... Qua đó, đã tăng cường công tác thanh kiểm tra, kiểm toán vào những lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng tiêu cực. Nhiều hành vi phạm tội của cán bộ, đảng viên bị phát hiện đã xử lý nghiêm minh, đúng quy định của pháp luật của Nhà nước.
Tuy nhiên, cũng theo vị đại diện Ban Nội chính Tỉnh ủy, song song với việc xử lý nghiêm minh, công tác tuyên truyền cũng luôn được Ban chỉ đạo đẩy mạnh, cùng với việc triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, từ đó góp phần uốn nắn, giáo dục giảm thiểu những ý đồ, hành vi tham nhũng, tiêu cực trong tầng lớp cán bộ, lãnh đạo, đảng viên trên địa bàn.
Tác giả: Việt Phương
Nguồn tin: nguoiduatin.vn