Du lịch

Thanh Hoá: Dấu tích bến thuyền nhộn nhịp cuối triều Nguyễn và thời Pháp thuộc

“Phố” Đầm thuộc làng Quảng Ích, xã Xuân Thiên (Thọ Xuân) vẫn còn đậm nét các dấu tích của một khu phố buôn bán sầm uất bậc nhất cuối triều Nguyễn và thời Pháp thuộc. Nơi đây có bến đò Đầm, là nơi trung chuyển hàng hóa của các thương nhân đưa hàng từ miền xuôi lên miền ngược và sang Lào, cũng như đưa các lâm thổ sản từ miền núi xuống tập kết...

 Ngôi nhà cổ từng là hiệu thuốc Bắc tại Phố Đầm, xã Xuân Thiên

Ngôi nhà cổ từng là hiệu thuốc Bắc tại Phố Đầm, xã Xuân Thiên – bên cạnh bến đò Đầm.

Theo chân chị Trần Thị Thực, cán bộ văn hóa xã Xuân Thiên, chúng tôi được tham quan và giới thiệu khá chi tiết về Phố Đầm và vị trí bến thuyền nổi tiếng một thời. Hàng chục ngôi nhà cổ san sát như “Hội An xứ Thanh” vẫn còn tọa lạc, rêu phong dấu thời gian. Lác đác trên một số nhà, những dòng chữ Hán vẫn còn lờ mờ, đủ để biết trước đây, nó từng là tiệm thuốc bắc, tiệm vải hay cửa hàng thu gom cánh kiến, sừng nai...

Cách không xa những dãy nhà cổ được phân bổ theo hình chữ Z ở đây là vị trí bến thương thuyền từng được ghi nhận là nơi buôn bán giao thương nhộn nhịp nhất thời bấy giờ. Theo những vị cao niên và những lời kể qua các thế hệ, vị trí này hiện đã bị cây cối mọc um tùm, một phần được kè để xây dựng nhà văn hóa thôn, còn lại là nhà dân xây dựng các công trình tiến sát bờ sông Chu.

Cụ An Quốc Tuấn, một người dân địa phương cho biết: Nhà tôi gốc tỉnh Nam Định bởi ông nội tôi trước kia đi buôn bằng đường thủy, thường xuyên qua bến thuyền Đầm nên mua đất, xây nhà rồi định cư ở đây để buôn bán. Cụ Kiều Hạnh, 87 tuổi, chủ ngôi nhà cổ ở thôn Quảng Ích hoài niệm: Khi tôi lớn lên, vẫn thấy bãi sông là một vùng sầm uất. Cảnh buôn bán lâm sản, thuốc bắc, vàng bạc... rất nhộn nhịp. Vào mỗi dịp gần Tết Nguyên đán, bè luồng đưa hàng từ các huyện miền núi xuống đậu san sát kín cả mặt sông. Trung tâm của bến thuyền ngày trước, nay thuộc đất của nhà văn hóa thôn Quảng Ích.

Theo các tài liệu cổ được xã Xuân Thiên sưu tầm, với lợi thế “cận lộ, cận giang”, Xuân Thiên trước kia là một điểm buôn bán sầm uất trên bến, dưới thuyền, có bến đò Đầm. Ở thế kỷ XIX, nơi đây là một vùng trù phú lái buôn bốn phương và các hộ đến họp nhiều. Thời thuộc Pháp, tại vị trí bến đò Đầm còn làm thành một bến phà nối con đường cái Tây, nối từ Quốc lộ 47B sang Quốc lộ 15 A. Trong suốt quá trình lịch sử, với điều kiện tự nhiên nằm trải dài bên dòng sông Chu, Xuân Thiên luôn được phù sa bồi đắp hằng năm, diện tích ngày càng mở rộng. Đến nay trong khu dân cư, nhiều gia đình đào giếng còn gặp các khúc gỗ lớn nằm sâu trong lòng đất, đó là dấu tích của phù sa bồi đắp lâu năm thành đất ở, do thuận theo sông nước nên một bộ phận nhân dân lần lượt về ở gần sông ngày càng nhiều và hình thành làng mạc đông đúc.

Trong cuốn sách “Lịch sử xã Xuân Thiên” cũng ghi nhận: Sông Chu là đường thủy thuận tiện và quan trọng trong những năm đầu thế kỷ 20 trở về trước. Từ bến thuyền Đầm trên sông Chu có thể tập kết hàng từ miền núi về, từ vùng biển, ngoài Bắc lên, tất cả các mặt hàng lâm thổ, hải sản được giao lưu buôn bán lấy khu vực này làm trung tâm, do đó đã hình thành khu chợ Đầm nổi tiếng. Từ năm 1838, đời vua Minh Mạng thứ 18, do nhu cầu giao thương phát triển, nhân dân đã mở chợ gọi là chợ Đầm. Buôn bán ngày càng phát triển, thuyền bè xuôi ngược đều neo đậu ở đây. Vùng này là nơi được phù sa bồi đắp, tạo thành bãi rộng, nước lụt lên hay quẩn lại là chỗ đậu bè mảng an toàn, dần dần các lái buôn quan hệ tốt với hương lý, xin đất tạm trú để buôn bán.

Năm 1852 - đời vua Tự Đức năm thứ 6, chợ chuyển xuống khu vực Quảng Ích (chợ Đầm hiện nay) do buôn bán thuận tiện, ở xung quanh chợ mở nhiều cửa hàng, cửa hiệu buôn bán, nhân dân ngày càng đông thêm thành làng Quảng Ích. Các nghề buôn bán dịch vụ, chuyên chở đường bộ, đường sông ngày càng phát triển, cảnh người mua, người bán tấp nập, từ bến sông lên đến Phố Đầm, tạo nên cảnh trên bến dưới thuyền, rất sôi động thời bấy giờ.

Dòng sông Chu đã được người dân xã Xuân Thiên phát huy lợi thế khai thác, làm nghề sơn tràng, mua bán lâm thổ sản ra Bắc vào Nam, một số hộ buôn mắm, hải sản về bán, đổi lấy các loại hàng hóa của rừng núi đem về xuôi. Truyền thống lao động của người Xuân Thiên cộng với sự cần cù sáng tạo đã làm nên một Phố Đầm sớm nổi tiếng xa gần. Trải qua hàng trăm năm, người Quảng Ích chủ yếu là buôn bán. “Từ năm 1907, số doanh thương ngày một nhiều lên. Hai bên đường nhà ở san sát, nhiều nhà 2 tầng kiến trúc Á, Âu được xây dựng, tạo nên bộ mặt phố phường đông đúc, từ đấy đã gọi là Phố Đầm.

Điều kiện sinh hoạt, trang phục, trang trí nội thất theo các thành phố thuộc tầng lớp tiểu tư sản, xa hoa, đài các ăn chơi; các quán ăn, quán rượu, các quán phục vụ khác mọc lên rất nhiều. Tại đây, nghề buôn bè làm ăn phát đạt nhất. Bè đi ra Bắc vào Nam đã kéo theo một số nghề phụ như nghề chống bè thuê, bán cắng lạt, sào song... ra đời. Rồi các thuyền dưới xuôi chở các hàng cá mắm lên để chế biến nấu nước mắm tạo thành khu phố trên bến dưới thuyền” – sách “Lịch sử xã Xuân Thiên” ghi nhận.

Rõ ràng, sự có mặt của các đại lý càng tăng thêm cảnh nhộn nhịp của một bến thuyền cách đây trên dưới một thế kỷ. Tất cả, tạo nên một “đô thị” thu nhỏ thời Pháp thuộc giữa lòng xứ Thanh. Ngày nay, nhiều người dân Phố Đầm vẫn còn duy trì nghề cha ông, đi tận sang Lào, các vùng miền núi của tỉnh thu gom mật ong, các loại lâm thổ sản để bán khắp tỉnh...

Tác giả: Lê Đồng

Nguồn tin: Báo Thanh Hóa điện tử

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok