Nhiều dự án xử lý rác thải tổng hợp nằm trong tình trạng “treo”. Ảnh: Gia Hân |
Sức ép rác thải, môi trường
Tại xã Ngư Lộc (huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa), bên cạnh mùi đặc trưng của vùng biển, sộc vào mũi chúng tôi là thứ mùi hôi thối nồng nặc từ rác và nước thải. Rác trong khu dân cư, rác dọc tuyến đê biển… hầu như rác ở khắp mọi nơi. Dọc tuyến đê biển, trước mắt chúng tôi là hàng trăm con người đang phải mưu sinh trên rác. Họ giẫm lên rác để đón những chuyến tàu đánh cá khơi xa trở về. Có lẽ, sống chung cùng rác dường như đã thành việc thường tình với họ.
Một hộ dân xã Ngư Lộc mong mỏi: "Đất chật, người đông, vấn đề rác thải, ô nhiễm ngày càng bức thiết. Dân miền biển chúng tôi mong từng ngày có một bãi thu gom xử lý hết lượng rác tồn trên biển, khu dân cư. Chứ không có bãi rác tập trung, người ta mang rác đi đổ sông, đổ bể trộm thì môi trường càng ảnh hưởng hơn".
Tìm hiểu được biết, ngoại trừ một số xã có mô hình lò đốt rác như Phú Lộc, Hòa Lộc hay Đại Lộc… nhiều xã còn lại của huyện Hậu Lộc đều thiếu nơi tập kết rác quy mô. Trong khi đó, theo thống kê, mỗi ngày lượng rác thải của huyện miền biển này cũng ngót nghét 100 tấn các loại.
Vậy rác thải các xã huyện miền biển này được xử lý như thế nào? Hiện tại, việc xử lý rác tại nhiều xã chủ yếu trông chờ vào các đơn vị đã ký hợp đồng thu gom, vận chuyển rác ra khỏi địa phương. Nhưng, vận chuyển đi đâu, đổ thải thế nào, xử lý rác ra sao thì không ai biết… Không biết có phải vì vậy mà rác thải xuất hiện khắp mọi nơi, thậm chí bị đổ thải trộm ra đường quốc lộ, đồng ruộng…
Ông Nguyễn Văn Long, Phó Chủ tịch UBND huyện Hậu Lộc cho biết: "Do sức ép của vấn đề rác thải, dẫu biết một số doanh nghiệp không có chức năng về môi trường, xử lý rác thải nhưng nhiều xã vẫn phải thuê thu gom và vận chuyển nên dẫn đến tình trạng buông lỏng, xuề xòa khi ký hợp đồng".
Vì đâu nên nỗi?
Thanh Hóa đang rất cần những khu xử lý rác mang tính quy mô. |
Theo khảo sát, đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Thanh Hóa, hiện trên địa bàn toàn tỉnh có 5 dự án xử lý chất thải rắn gồm: Dự án khu liên hợp xử lý chất thải rắn tại xã Đông Nam (huyện Đông Sơn); dự án Khu liên hợp xử lý chất thải rắn phường Đông Sơn (thị xã Bỉm Sơn); dự án Khu liên hợp xử lý chất thải rắn xã Cẩm Châu (huyện Cẩm Thủy); nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt và công nghiệp xã Tiến Lộc (huyện Hậu Lộc); dự án Công trình lò đốt chất thải rắn sinh hoạt cho thị trấn Triệu Sơn và xã Hợp Thắng (huyện Triệu Sơn).
Tuy nhiên thực tế, do nhiều nguyên nhân, các dự án này đều chậm tiến độ hoặc chưa triển khai xây dựng. Việc dự án xử lý chất thải chậm triển khai đầu tư, xây dựng không chỉ khiến việc xử lý rác tại các địa phương gặp nhiều khó khăn mà còn ảnh hưởng đến việc kêu gọi các dự án thay thế khác.
Đơn cử, tháng 12/2017, dự án Khu liên hợp xử lý chất thải rắn xã Cẩm Châu của Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng công nghiệp HTH đã được UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận chủ trương đầu tư nhằm thu gom, xử lý chất thải rắn tổng hợp trên địa bàn thị trấn Phong Sơn, xã Cẩm Châu (huyện Cẩm Thủy) và 10 xã của huyện Ngọc Lặc. Dự án sử dụng 7ha đất với công suất 240 tấn rác/ngày đêm. Theo tiến độ được phê duyệt, dự án sẽ khởi công xây dựng tháng 6/2018; hoàn thành và đi vào hoạt động tháng 1/2020. Nhưng đến nay, chủ đầu tư vẫn chưa thực hiện bất kỳ công việc nào liên quan đến hoạt động đầu tư xây dựng. Nguyên nhân chính được cho là nhà đầu tư không có đủ năng lực tài chính để triển khai dự án.
Ông Phạm Minh Vũ, Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Thủy bày tỏ: "Huyện cũng đã nhiều lần gặp chủ đầu tư để làm việc, bàn về phương án triển khai dự án. Tuy nhiên, do chủ đầu tư không có năng lực nên dự án không được triển khai. Trước tình hình này, ngày 11/2 vừa qua, UBND huyện đã có báo cáo gửi UBND tỉnh đề nghị dừng chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Khu liên hợp xử lý chất thải rắn xã Cẩm Châu để huyện kêu gọi dự án khác mang tính khả thi hơn".
Trước tình trạng trên, thiết nghĩ các ban, ngành tỉnh Thanh Hóa cần sớm tiến hành rà soát, đánh giá lại để những dự án cấp thiết với cuộc sống người dân sớm triển khai, đi vào hoạt động.