Trong tỉnh

Thanh Hóa: Cụ già 86 tuổi 20 năm đội đơn kêu oan vì bị quy là địa chủ

Một gia đình nông dân bị quy sai là thành phần địa chủ và bị trưng thu hết tài sản. Suốt 20 năm qua, gia đình này đã đội đơn đi kêu oan nhiều nơi nhưng bất thành.

Cụ Lê Văn Quế và lá đơn kêu oan của mình.

Trung nông bị quy sai địa chủ

Cụ Lê Văn Quế (sinh năm 1936), ở khu phố Vinh Phúc, phường Quảng Thọ, TP Sầm Sơn (Thanh Hóa) gửi đơn đến Báo GD&TĐ phản ánh: Năm 1955, gia đình cụ bị quy sai là thành phần địa chủ. Sau đó, chính quyền sở tại quyết định công nhận cho gia đình cụ là thành phần trung nông. Tuy nhiên, những tài sản của gia đình bị trưng thu hết sạch, nhưng sau đó không được bồi thường theo luật định của Nhà nước.

Trong đơn, cụ Quế nêu: “Năm 1955 trong cuộc cải cách ruộng đất diễn ra tại Thanh Hóa, bố tôi là cụ Lê Văn Hưởng bị quy sai là thành phần địa chủ. Theo đó tài sản, nhà cửa, ruộng đất của gia đình tôi bị trưng thu hết.

Ngày 13/11/1957, Ủy ban Hành chính tỉnh Thanh Hóa có quyết định cho bố tôi là địa chủ quy sai xuống thành phần trung nông. Tuy nhiên, sau khi có quyết định thành phần để sửa chữa sai lầm theo chính sách của Nhà nước, gia đình tôi không được bồi thường hay trả lại tài sản”.

Cũng theo cụ Quế, thời điểm ấy, khi bị quy là địa chủ, thì ngôi nhà và tài sản của cụ Hưởng được 3 cán bộ địa phương đến sinh sống, sử dụng. Trong đó, ông Chu Văn Sắc - Chánh Tòa án, ông Võ Văn Thang - Công an và ông Lê Đình Đu - Trưởng ban Nông hội địa phương.

“Lúc bấy giờ, 3 ông cán bộ nêu trên được ở trong nhà của bố tôi, nên họ không muốn trả lại tài sản. Khi có quyết định thay đổi thành phần cho bố tôi, các ông này và chính quyền địa phương không thông báo, không đưa quyết định cho gia đình tôi để thực hiện chính sách của Nhà nước. Vì vậy, gia đình tôi không được trả lại tài sản, cũng không được hỗ trợ đền bù theo quy định”, cụ Quế thông tin.

Cụ Quế cho biết thêm, năm 2002, ông Hồ Hữu Được - Phó Chủ tịch kiêm Trưởng Công an xã Quảng Thọ, Chu Văn Sắc - Chánh án Tòa án, Lê Văn Dô - Cán bộ chính quyền xóm, là những người phụ trách việc trưng mua tài sản, đã xác nhận những tài sản bị trưng thu của gia đình cụ vào năm 1955 là đúng sự thật. Kể từ năm 2002, khi Nhà nước có chính sách thanh toán đền bù cho nông dân lao động bị quy sai thành phần địa chủ, cụ Quế đã đội đơn đi khắp nơi nhưng bất thành.

Ngân sách tỉnh khó khăn, mong gia đình thông cảm

Tờ quyết định công nhận gia đình cụ Lê Văn Hưởng là thành phần trung nông, do Ủy ban Hành chính tỉnh Thanh Hóa cấp năm 1957.

Ngày 18/3/2002, Bộ Tài chính có công văn gửi các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn việc thanh toán tài sản trưng mua, đền bù trong cải cách ruộng đất.

Theo đó, ngày 21/11/2001 UBND tỉnh Thanh Hóa có công văn chỉ đạo UBND các huyện, thành phố thực hiện chính sách theo hướng dẫn của Bộ Tài chính. “Thế nhưng, thời điểm ấy, gia đình tôi cũng không được cơ quan chức năng nào ở tỉnh Thanh Hóa trao đổi, giải quyết việc này cho chúng tôi”, cụ Quế cho hay.

Sau khi không được giải quyết, cụ Quế đã làm đơn gửi lên Bộ Tài chính. Ngày 18/3/2015, Bộ Tài chính có công văn trả lời cụ Quế như sau:

“Những trường hợp bị quy sai thành phần và tài sản bị tịch thu, sau khi sửa sai đã có quyết định điều chỉnh thành phần nhưng không có giấy chứng nhận đền bù tài sản. Hoặc, trường hợp được Nhà nước trưng mua nhưng không có giấy trưng mua tài sản, được những người làm công tác trong đội cải cách ruộng đất, người đã sử dụng tài sản của gia đình thời kỳ đó còn sống xác nhận, thì đề nghị UBND các tỉnh căn cứ tình hình thực tế của địa phương thời kỳ đó để kiểm tra, xem xét, quyết định mức trợ cấp cho từng trường hợp cụ thể theo thẩm quyền. Không đặt vấn đề thanh toán cho các trường hợp hiện nay không có chứng từ gốc”.

Ngày 1/9/2021, Sở Tài chính Thanh Hóa cũng có công văn trả lời cụ Quế, như sau: “Việc thanh toán tài sản trưng mua, đến bù trong cải cách ruộng đất thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính (từ năm 2001 và 2002). Theo đó, chỉ những đối tượng còn giữ lại 1 trong 3 gốc, gồm: Công phiếu trưng thu, trưng mua ruộng đất, tài sản địa chủ, thời hạn 10 năm, lãi suất 1,5%/năm.

Giấy biên nhận hoặc biên lai trưng mua tài sản của địa chủ. Giấy chứng nhận đền bù cho nông dân lao động bị quy sai thành phần. Nếu không có 1 trong 3 chứng từ gốc nêu trên, mọi giấy xác nhận, xác minh hoặc tự kê khai vào thời điểm hiện nay, đều không có giá trị giải quyết”.

Cũng theo công văn của Sở Tài chính Thanh Hóa, nêu: “Hiện nay, ngân sách tỉnh rất khó khăn, nguồn thu chủ yếu nhận trợ cấp từ ngân sách Trung ương. Mặt khác, do đại dịch Covid-19, dịch tả lợn châu Phi... đang diễn biến phức tạp, tỉnh đang tập trung nguồn lực để chống dịch. Do đó, không có kinh phí để hỗ trợ cho từng trường hợp cụ thể, rất mong ông và gia đình thông cảm”.

Cụ Quế cho rằng: Việc quy sai thành phần địa chủ lúc bấy giờ đã gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của gia đình mình. Năm 2002, Nhà nước đã có chính sách đền bù cho những gia đình bị quy sai thành phần địa chủ. Vì vậy, các cụ cao niên ở phường Quảng Thọ có đơn xác nhận và đề nghị Nhà nước nhìn nhận lại công sức của cụ Lê Văn Hưởng.

“Hơn nữa, gia đình tôi có 3 anh em trai, đều góp một phần xương máu bảo vệ Tổ quốc trong kháng chiến. Hai người em tôi đều là thương binh và bệnh binh. Vì thế, 3 anh em tôi đều được Nhà nước tặng thưởng huân, huy chương các loại.

Trong khi đó, tài sản gia đình bị mất oan, chưa được giúp đỡ đền bù, nên anh em tôi vô cùng khổ sở nghèo túng. Đến nay, anh em chúng tôi đều đã sắp hết cuộc đời, nhưng vẫn phải chịu cảnh tủi nhục với bản thân trong xã hội.

Chúng tôi chỉ mong cấp Trung ương, địa phương có chính sách cho những gia đình bị quy sai thành phần địa chủ như bố tôi, để bớt đi sự oan sai, đau khổ đã đeo đẳng chúng tôi hơn 60 năm nay”, cụ Quế đề nghị.

Tác giả: Hồng Đức

Nguồn tin: Báo Giáo dục & Thời đại

  Từ khóa: địa chủ , kêu oan , thanh hóa

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok