|
Dự án Công sở xã Quảng Phúc được khởi công vào tháng 9/2018, gồm nhà làm việc 2 tầng, với diện tích sàn khoảng 585m2, trên diện tích khuôn viên khoảng hơn 3.000m2. Dự án này có vốn đầu tư khoảng 5,6 tỷ đồng, trong đó, ngân sách tỉnh hỗ trợ 4,3 tỷ đồng, còn lại ngân sách xã và huy động từ các nguồn hợp pháp khác.
Tuy nhiên, tới năm 2020, UBND tỉnh Thanh Hoá chỉ đạo tạm dừng thực hiện vĩnh viễn công trình công sở xã Quảng Phúc khi công trình này đang trong quá trình xây dựng hoàn thiện. Đồng thời, yêu cầu UBND xã Quảng Phúc kiểm kê, rà soát đánh giá tình hình thực hiện dự án đến thời điểm dừng; xác định điểm dừng kỹ thuật của dự án và nguồn kinh phí còn thiếu để hoàn thành đến điểm dừng kỹ thuật.
Nhiều hạng mục tại tòa công sở xây dựng dang dở xã Quảng Phúc xuống cấp sau thời gian dài bị "bỏ hoang". |
Động thái trên đưa ra trên cơ sở thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 24/12/2018 của Bộ Chính trị về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã; Quyết định số 1649/QĐ-UBND ngày 5/5/2019 của UBND tỉnh Thanh Hoá phê duyệt phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh, năm 2019, trong đó, sáp nhập xã Quảng Phúc và Quảng Vọng để thành lập xã Quảng Phúc.
Thực tế trong chiều 3/2, PV Người Đưa Tin ghi nhận tại dự án, khu nhà làm việc 2 tầng đã cơ bản hoàn thiện phần thô, lợp mái, chưa sơn, phía sân và tường rào bao quanh chưa được thực hiện. Trong đó, tình trạng rêu phong, xuống cấp của khối tài sản công trong thời gian dài không được bảo quản đã bắt đầu xuất hiện tại công trình này.
Đáng chú ý, việc bỏ hoang, không có rào chắn hay biện pháp bảo vệ, trông coi khiến nơi đây dần trở thành địa điểm sinh hoạt của các loại gia súc của người dân quanh vùng. Thậm chí, các phòng chức năng trong tòa công sở dang dở này đã được một người dân trưng dụng thành nơi nuôi nhốt lợn.
|
Tòa công sở xã Quảng Phúc bỏ hoang, không người trông coi trở thành nơi sinh hoạt, phóng uế của gia súc chăn thả của một số người dân quanh vùng. |
"Đợt Tết vừa rồi có gia đình gần đó mua lợn nhưng không có chỗ nhốt nên mới đem lợn ra đó quây lại nuôi tạm. Hiện, tôi đã yêu cầu chấm dứt việc trên. Tòa công sở này xã xin đầu tư từ năm 2016 do công sở cũ xuống cấp, chật chội không đáp ứng được. Tuy nhiên, đến khi được chấp thuận, đang xây dở thì mới có quyết định sáp nhập 2 xã Quảng Phúc và Quảng Vọng nên dự án bị dừng", ông Bùi Ngọc Tam, Chủ tịch UBND xã Quảng Phúc phân trần.
Ngoài ra, ngay cạnh tòa nhà công sở xây dở dang là nhà văn hóa xã. Đây là công trình được đầu tư trong quần thể với vốn đầu tư vào khoảng 3 tỷ đồng. Tuy công trình này đã được hoàn thiện nhưng cũng không được sử dụng đúng công năng. Theo vị Chủ tịch UBND xã Quảng Phúc, hiện công trình này đang được cho một đơn vị sản xuất cói trên địa bàn mượn mà không thu tiền.
Bên cạnh tòa công sở tiền tỷ bỏ hoang là nhà văn hóa đang được cho doanh nghiệp mượn sử dụng mà không thu tiền. |
Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Nguyễn Đức Thịnh, Chủ tịch UBND huyện Quảng Xương cho biết, sau sáp nhập có nhiều cơ sở nhà, đất dôi dư, đây cũng là tình trạng chung sau khi sáp nhâp. Năm 2021, UBND tỉnh Thanh Hoá có quyết định chuyển giao 45 cơ sở nhà, đất dôi dư sau khi sắp xếp lại các cơ quan, tổ chức, đơn vị trên địa bàn huyện Quảng Xương về cho UBND huyện này quản lý, xử lý.
"Các trường hợp như Công sở dang dở của xã Quảng Phúc, sắp tới huyện sẽ tiến hành đưa ra đấu giá. Để tránh lãng phí, huyện cũng sẽ cố gắng thực hiện nhanh nhất có thể, tuy nhiên việc này liên quan quản lý, sử dụng tài sản công nên cũng không ẩu được mà phải thực hiện các bước thủ tục theo đúng quy định của pháp luật", ông Thịnh cho biết.
Tác giả: Nguyễn Hữu Phương
Nguồn tin: nguoiduatin.vn