Người cai nghiện tham gia lao động cộng đồng |
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền
Trong những năm qua, Thanh Hoá đã tăng cường công tác truyền thông, vận động sự tham gia vào cuộc của cấp ủy Đảng, chính quyền xã, trưởng bản... xuống đến mọi tầng lớp nhân dân. Chủ động lồng ghép các hoạt động, nguồn lực của chương trình, dự án trên địa bàn. Ưu tiên bố trí địa điểm, cơ sở vật chất và hỗ trợ cán bộ cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Bố trí nguồn lực địa phương để hỗ trợ cho mua thuốc điều trị, phụ cấp cho cán bộ và duy trì các hoạt động trực tiếp, hiệu quả của chương trình. Rà soát lại số lượng tuyên truyền viên đồng đẳng, tăng cường chất lượng hoạt động của đội ngũ tuyên truyền viên đồng đẳng. Đối với triển khai điều trị Methadone, khuyến khích thực hiện việc xã hội hóa.
Từ ca nhiễm HIV đầu tiên ở huyện Đông Sơn tỉnh Thanh Hóa vào tháng 11/1995, tính đến nay, Thanh Hoá có 8.111 người nhiễm HIV, số quản lý được: 4.058 người. Số bệnh nhân tử vong: 2.072 bệnh nhân. Số bệnh nhân đang điều trị ARV: 3,779 bệnh nhân. 27/27 huyện thị có người bị nhiễm HIV/AIDS, có 595/635 xã có người nhiễm HIV/AIDS. Ước tính toàn tỉnh ước tính có gần 15.000 người nghiện chích ma túy, trong đó quản lý được gần 8.000 người. So với cùng kỳ năm 2017, số người nhiễm HIV tử vong giảm, số người nhiễm HIV phát hiện mới và điều trị ARV mới đều tăng.
Năm 2017, được hỗ trợ của Cục phòng, chống HIV/AIDS - Bộ Y tế, các dự án quốc tế; dưới sự chỉ đạo của UBND tỉnh Thanh Hoá và Sở Y tế, công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã đạt được những kết quả nhất định. Điều này góp phần vào mục tiêu khống chế tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư dưới 0,3%, giảm tác động của HIV/AIDS đối với sự phát triển kinh tế-xã hội và hướng đến mục tiêu 90-90-90 (90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của bản thân, 90% người nhiễm HIV được điều trị ARV và 90% người điều trị ARV có tải lượng virus dưới ngưỡng lây truyền).
Nỗ lực trong công tác phòng chống HIV/AIDS
Hiện nay, dịch HIV/AIDS ở Thanh Hóa vẫn trong giai đoạn tập trung nhóm nghiện chích ma túy và mại dâm. Các ca nhiễm HIV tập trung chủ yếu ở nhóm người nghiện chích ma túy, lây qua đường máu, phân bổ ở nam giới, và trong độ tuổi 20-39 tuổi (88%). Số liệu nhiễm HIV/AIDS mới, điều trị ARV mới đều tăng hơn so với năm 2015. Những tác động của Mục tiêu 90-90-90 đang hỗ trợ Thanh Hóa trong việc phát hiện thực trạng HIV/AIDS trong cộng đồng dân cư, đồng thời góp phần tăng số người nhiễm HIV/AIDS tiếp cận với điều trị ARV.
Năm 2017, và 8 tháng đầu năm 2018, Trung tâm đã phối kết hợp với các cơ quan truyền thông trung ương và địa phương, đăng tải tin, bài trên hệ thống thông tin đại chúng, tuyên truyền trên pa nô, áp pích, tơ rơi; lồng ghép truyền thông qua các hội nghị, hội thảo từ xã đến huyện, đến tỉnh, của các ban ngành đoàn thể. Tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 26/3/2008 của Bộ Chính trị; Quyết định số 1446/QĐ-UBND ngày 28 tháng 4 năm 2016 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc Phê duyệt Kế hoạch phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Thanh Hóa năm 2016; Chỉ thị số 19/CT-UBND ngày 31/5/2016 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc Tăng cường triển khai thực hiện chiến lược tiếp cận mục tiêu 90-90-90 phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Chỉ đạo Trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố trên cơ sở chức năng nhiệm vụ của mình, xây dựng Kế hoạch phòng, chống HIV/AIDS năm 2016 thực hiện Chỉ thị số 19/CT-UBND ngày 31/5/2016 của Chủ tịch UBND tỉnh. Đến hết năm 2016 có 27/27 huyện, thị xây dựng kế hoạch thực hiện Chỉ thị 19.
Trong thời gian tới, Thanh Hoá tiếp tục ưu tiên và tăng cường các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, hướng đến mục tiêu 90-90-90 (90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của bản thân; 90% người nhiễm HIV biết tình trạng HIV được điều trị ARV; 90% người nhiễm HIV điều trị ARV có tải lượng vi rút dưới ngưỡng ức chế), khống chế tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư dưới 0,3%, giảm tác động của HIV/AIDS đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Huy động mọi nguồn lực và sự tham gia của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, mỗi người dân và cộng đồng vào các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.
Tác giả: THU HƯƠNG
Nguồn tin: Báo Dân sinh