Đơn vị chức năng phải đổ đất đá ở hai đầu cầu và đặt biển cảnh báo tại cầu Cành Nàng ẢNH MINH HẢI |
Ngày 14.9, trao đổi với Thanh Niên, ông Trần Văn Hải, Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Thanh Hóa, cho biết Sở này đang chỉ đạo các cơ quan chuyên môn khẩn trương khắc phục sự cố cầu Cành Nàng bị dịch chuyển do mưa lũ.
Hiện Sở đã chốt phương án xử lý sự cố. Theo đó, sắp tới Sở sẽ tập trung máy móc, phương tiện kích cầu lên rồi chuyển dịch dần các dầm cầu trở về vị trí cũ.
“Sau khi chuyển dịch về vị trí cũ, chúng tôi sẽ tiếp tục kiểm định lại, nếu các kết cấu khác không bị ảnh hưởng, đảm bảo an toàn thì sẽ tiếp tục đưa cầu vào sử dụng. Nếu không đảm bảo, chúng tôi phải tính đến phương án khác. Số tiền dự tính chi phí cho việc dịch chuyển này là khoảng 10 tỉ đồng, từ nguồn xử lý, khắc phục sự cố do bão lụt gây ra. Chúng tôi cũng đã xem xét kỹ, đây là phương án tối ưu, tiết kiệm nhất có thể”, ông Hải nói.
Các nhịp cầu bị lệch, vênh nhau ẢNH MINH HẢI |
Theo báo cáo của Sở Giao thông vận tải tỉnh Thanh Hóa, trong đợt mưa lũ cuối tháng 8, đầu tháng 9 vừa qua, nước lũ trên sông Mã dâng kéo theo củi rác tràn lên mặt cầu Càng Nàng. Áp lực của nước quá lớn đã khiến cây cầu có chiều dài hơn 206 m này bị dịch chuyển khỏi vị trí.
Cụ thể, tất cả các nhịp cầu (6 nhịp) của cầu bị đẩy trượt về phía hạ lưu từ 10 - 60 cm; gối cầu tại các dầm trên đỉnh trụ từ trụ 2 đến trụ 5 bị cong vênh; lớp cao su bị xé rách tới bản thép của gối, nhiều gối cầu bị lũ cuốn trôi. Do vậy, các dầm cầu không còn được kê trên gối cầu hoặc đá kê gối nên kết cấu nhịp cầu đã bị mất ổn định.
Do cầu không đảm bảo an toàn nên cơ quan chức năng phải đổ hai đống đất đá ở hai đầu cầu, đồng thời đặt biển cảnh báo cho người dân và các phương tiện có tải trọng lớn không qua lại cầu. Nhiều người dân vận chuyển hàng hóa đến các đầu cầu bằng ô tô, sau đó phải chuyển tải, chia nhỏ để vận chuyển bằng xe máy, xe kéo qua bên kia cầu.
Bê tông và dây điện trên cầu bị nứt, đứt vì lũ lụt đẩy trượt cầu từ 10 - 60 cm ẢNH MINH HẢI |
Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND huyện Bá Thước, cho biết cầu Cành Nàng có vai trò rất quan trọng, kết nối 8 xã bên kia sông Mã của huyện với thị trấn Cành Nàng. Do đó, khi cầu không thể sử dụng sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ quá trình giao thương, vận tải hàng hóa của người dân 8 xã.
“Ngoài ảnh hưởng đến hoạt động giao thương, đi lại của hàng chục nghìn người dân, hoạt động du lịch sinh thái cộng đồng ở các xã Thành Lâm, Thành Sơn, Cổ Lũng, Lũng Cao… cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Qua các cuộc họp, tôi được biết, nếu thuận lợi trong quá trình khắc phục thì ít nhất mất khoảng 1 tháng nữa các phương tiện mới có thể lưu thông bình thường qua cầu”, ông Dũng nói.
Tác giả: Minh Hải
Nguồn tin: Báo Thanh Niên