Công trình trọng điểm được xây dựng trái phép
Mới đây, ngày 10/2, UBND tỉnh Thanh Hóa vừa cấp giấy phép hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, cho phép Ban Quản lý dự án (BQLDA) 2, thuộc Bộ Giao thông Vận tải được hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi hồ Yên Mỹ (huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa).
Theo đó, BQLDA 2 được thi công xây dựng công trình, bao gồm các hoạt động: Xây dựng công trình mới; lập bến bãi tập kết nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, vật tư, phương tiện; hoạt động của phương tiện cơ giới phục vụ công tác thi công xây dựng. Đồng thời, tổ chức thực hiện đầy đủ các biện pháp bảo vệ môi trường, chất lượng nước trong công trình thủy lợi theo quy định.
Phạm vi cấp phép là toàn bộ khu vực thi công xây dựng các hạng mục công trình và khu vực phục vụ thi công, bao gồm: Thi công xây dựng cầu Yên Mỹ, dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, thuộc dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.
Cầu vượt cao tốc qua hồ Yên Mỹ, là công trình trọng điểm Quốc gia xây gần xong mới được cấp phép thi công. |
Trong văn bản trên, UBND tỉnh Thanh Hóa giao Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Sở NN&PTNT) chịu trách nhiệm kiểm tra việc thực hiện giấy phép; UBND huyện Nông Cống, UBND thị xã Nghi Sơn, Công ty TNHH một thành viên Sông Chu theo dõi, giám sát quá trình thực hiện các hoạt động được cấp phép trong phạm vi bảo vệ công trình và chịu trách nhiệm về chất lượng nước trong công trình thủy lợi hồ Yên Mỹ.
Tuy nhiên, đáng chú ý, trước khi được tỉnh Thanh Hóa cấp phép hoạt động, công trình cầu Yên Mỹ đã được thi công từ tháng 7/2021. Tính đến thời điểm này (thời điểm cấp phép), công trình đã hoàn thành khoảng 60% khối lượng công việc.
Như vậy, có thể thấy mặc dù chưa có đầy đủ giấy phép theo quy định nhưng chủ đầu tư dự án là Ban Quản lý dự án 2 đã tiến hành thi công "trái phép" công trình cầu vượt trên lòng hồ Yên Mỹ. Mặt khác, dù ngay sát khu vực thi công là trụ sở của Ban quản lý hồ Yên Mỹ thuộc Công ty TNHH MTV Sông Chu (Công ty Sông Chu), là đơn vị trực tiếp quản lý hồ, tuy nhiên vẫn để xảy ra tình trạng thi công trái phép trên lòng hồ Yên Mỹ.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Để tìm hiểu rõ trách nhiệm trong sự việc trên, trao đổi với Người Đưa Tin ông Khương Bá Luận, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Sông Chu cho biết, dự án cầu vượt cao tốc qua lòng hồ Yên Mỹ là dự án trọng điểm Quốc gia và tất cả các vấn đề có liên quan thủ tục được thực hiện trước năm 2018. Tới cuối năm 2018, Nghị định 67/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật Thủy lợi có hiệu lực trong đó đặt ra yêu cầu giấy phép cấp cho các hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi. Đây là một trong lý do chính khiến thủ tục cấp phép bị chậm trễ.
"Bên tôi vẫn thường xuyên gặp đôn đốc nhắc nhở yêu cầu đơn vị thi công hoàn thành hồ sơ thủ tục nhưng không lập biên bản hoặc thay lãnh đạo nên biên bản thất lạc. Đây là công trình trọng điểm Quốc gia, trong quá trình thi công có phát sinh thủ tục mới vì vậy cần thời gian chuyển tiếp. Thực tế, cũng chỉ là thủ tục Nhà nước để đảm bảo thôi chứ tất cả những yếu tố ảnh hưởng công trình và nguồn nước đều được chúng tôi đánh giá giám sát chặt chẽ, đảm bảo an toàn", ông Luận chia sẻ.
Cũng theo thông tin từ vị lãnh đạo Công ty Sông Chu, tại thời điểm khởi công công trình cầu vượt Yên Mỹ, đơn vị này đã phát hiện thiếu sót thủ tục giấy phép hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi và đã có nhắc nhở.
"Ngay từ thời điểm khởi công, tôi đã phát hiện ra thiếu sót thủ tục và có nhắc nhở và bên Ban 2 cũng đã rất phối hợp. Với dự án này chúng tôi tham gia thủ tục cấp phép liên quan từ năm 2016, trong khi đó đây là chính sách mới, có lẽ lúc đó Ban QLDA 2 quá nhiều việc nên thiếu sót" ông Luận chia sẻ.
Trụ sở chi nhánh thủy lợi thị xã Nghi Sơn, thuộc Công ty Sông Chu nằm cách không xa công trình cầu vượt Yên Mỹ và là đơn vị trực tiếp quản lý hồ này. |
Qua trao đổi nhanh với Người Đưa Tin, đại diện của BQLDA 2 cho rằng, trước khi tiến hành thi công công trình cầu vượt Yên Mỹ, đơn vị này đã làm việc với Công ty Sông Chu và được chấp thuận thủ tục. Đồng thời, mọi việc chỉ "vỡ lở" khi đơn vị này có văn bản xin hạ thấp mực nước hồ Yên Mỹ để phục vụ thi công trong tháng 9/2022.
"Ban đầu khi làm việc với phía Công ty Sông Chu xin phép xây dựng công trình thì được phía công ty này chấp thuận. Nếu từ đầu phía Công ty Sông Chu mà yêu cầu thì chúng tôi đã hoàn thành rồi. Chúng tôi là đơn vị thi công không thể nào nắm hết thủ tục được", vị đại diện BQLDA 2 phân trần.
Cầu Yên Mỹ có điểm đầu tại km364+410,75, thuộc xã Yên Mỹ, huyện Nông Cống và điểm cuối tại km365+520, thuộc xã Phú Sơn, thị xã Nghi Sơn; chiều dài cầu là 995,8m, chiều dài đường đầu cầu 113,45m, cầu gồm 25 nhịp; bề rộng mặt cắt ngang cầu là 17,5m gồm 4 làn xe cơ giới mỗi làn rộng 3,5m; kết cấu cầu là các dầm bê tông cốt thép dự ứng lực, mặt cầu là bê tông cốt thép đổ tại chỗ, mố cầu bê tông cốt thép đặt trên hệ móng là các cọc khoan nhồi. Hồ Yên Mỹ là một trong những hồ nước ngọt lớn nhất của tỉnh Thanh Hoá với diện tích khoảng 2.800ha, thuộc địa phận các huyện Nông Cống, Như Thanh và thị xã Nghi Sơn. Hồ thủy lợi Yên Mỹ là công trình cấp II, diện tích lưu vực hồ Flv = 137km2. Hồ có nhiệm vụ tưới cho 5840 ha đất canh tác nông nghiệp của các xã huyện Tĩnh Gia và Nông Cống, có nhiệm vụ cắt 50% đỉnh lũ tần suất P =1% của Sông Thị Long. Ngoài ra, hồ Yên Mỹ là nguồn cung cấp nước ngọt chính cho Khu kinh tế Nghi Sơn, Thanh Hóa. |
Tác giả: Việt Phương
Nguồn tin: nguoiduatin.vn