Trong tỉnh

Thanh Hóa cấp phép cho DN Trung Quốc xả thải vào nguồn nước sông Cầu Hạc

Doanh nghiệp được cấp phép là Công ty TNHH Xuất nhập khẩu VINA LINK, một pháp nhân hiện đã được sở hữu gần như tuyệt đối bởi ông Ye Ying (quốc tịch Trung Quốc).

Một góc sông Cầu Hạc. (Ảnh: Dân trí)

Ký thay Chủ tịch, ngày 06/06/2018, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Phạm Đức Quyền đã ký ban hành Giấy phép số 184/GP-UBND cho phép Công ty TNHH Xuất nhập khẩu VINA LINK (địa chỉ: Lô B2-3, B3-1 Khu công nghiệp Tây Bắc Ga, phường Đông Thọ, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) được xả nước thải vào nguồn nước từ hoạt động của “Xưởng giặt là công nghiệp”, tại phường Đông Thọ, thành phố Thanh Hóa.
Giấy phép nêu rõ, nguồn nước tiếp nhận nước thải là sông Cầu Hạc.

Theo đó, nước thải sau xử lý của Xưởng giặt là được xả ra mương thu gom chung của Khu công nghiệp Tây Bắc Ga.

Tọa độ ví trí cửa xả nước thải vào mương thu gom chung của Khu công nghiệp Tây Bắc Ga, tại Lô B2-3, B3-1, phường Đông Thọ, Tp. Thanh Hóa (theo hệ tọa độ VN-2000, kinh tuyến trục 105, múi chiếu 3o), như sau: X = 2193197 (m); Y = 579683 (m).

Tọa độ vị trí xả nước thải vào nguồn tiếp nhận sông Cầu Hạc như sau: X = 2193102 (m); Y = 580648 (m).

Phương thức xả nước thải là tự chảy; Chế độ xả thải là 24 giờ/ngày đêm, vào tất cả các ngày.

Lưu lượng xả nước thải lớn nhất là 170 m3/ngày đêm.

“Chất lượng xả thải: Giá trị thông số các chất ô nhiễm chính có trong nước thải của đơn vị được phép xả thải vào nguồn nước tiếp nhận không vượt quá giá trị quy định tại QCVN 14:2008/BTNMT – Quy chuẩn kỹ thuật quốc giá về nước thải sinh hoạt (cột B, K – 1,2) và QCVN 40:2011/BTNMT – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp (cột B; Kq = 0,9; Kf = 1,1)” – Giấy phép quy định.

Thời hạn của giấy phép đến ngày 28/02/2022 (theo thời hạn tại Hợp đồng thuê nhà xưởng giữa Công ty TNHH TM&PT Tiến Đạt và Công ty TNHH Xuất nhập khẩu VINA LINK ngày 10/11/2015).

Yêu cầu chất lượng nước thải đối với VINA LINK

Giấy phép cũng nêu rõ các yêu cầu đối với Công ty TNHH Xuất nhập khẩu VINA LINK, chẳng hạn như: Tuân thủ các nội dung quy định tại Giấy phéo; Thực hiện các nghĩa vụ theo quy định tại Khoản 2 Điều 38 Luật Tài nguyên nước số 17/2012/QH13 ngày 21/6/2012; Thu gom, vận hành hệ thống xử lý nước thải theo đúng quy trình, công nghệ đã trình bày trong hồ sơ đề nghị cấp phép; Thực hiện quan trắc nước thải và nguồn tiếp nhận; Chịu trách nhiệm trước pháp luật khi có bất kỳ thông số nào không đạt quy chuẩn; Chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý tài nguyên nước và môi trường các cấp;…

“Giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với UBND thành phố Thanh Hóa và các đơn vị liên quan kiểm tra, giám sát chất lượng nước thải từ hoạt động của “Xưởng giặt là công nghiệp”; xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật nếu có vi phạm; chịu trách nhiệm trwocs UBND tỉnh về nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với chất lượng nước thải của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu VINA LINK” – Điều 4 Giấy phép nêu.

Được biết, trước khi Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa quyết định cấp giấy phép trên, ngày 05/6/2018, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh này đã có Tờ trình số 644/TTr-STNMT.

Trước nữa, ngày 18/5/2018, Công ty TNHH Xuất Nhập khẩu VINA LINK đã nộp Đơn đề nghị cấp giấy phép xả nước thải vào nguồn nước và hồ sơ kèm theo cho các cơ quan hữu trách của Thanh Hóa.

Quá trình Trung Quốc “hóa” VINA LINK

Theo tìm hiểu của VietTimes, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu VINA LINK (VINA LINK) – doanh nghiệp vừa được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cấp phép xả nước thải vào nguồn nước sông Cầu Hạc – mới chỉ đổi sang tên gọi hiện tại cách đây ít tuần.

Trước ngày 15/5/2018, pháp nhân này mang tên Công ty TNHH Xuất Nhập khẩu Chưởng Phú (Chưởng Phú). Trước đó nữa – trước ngày 13/11/2015, là Công ty TNHH Một thành viên Chưởng Phú.

Tuy vậy, dù là VINA LINK hay Chưởng Phú, doanh nghiệp đều được đại diện bởi ông Ye Ying, sinh năm 1979, quốc tịch Trung Quốc, đăng ký hộ khẩu thường trú tại khu chung cư Đông Hoa, phường Phan Duy, Tp. Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc.

Theo đăng ký kinh doanh thay đổi ngày 07/12/2015, Chưởng Phú có vốn điều lệ 15 tỷ đồng, đăng ký 10 ngành, nghề kinh doanh. Trong đó, ngành, nghề kinh doanh chính là “Giặt là, làm sạch các sản phẩm dệt và lông thú” (Mã ngành: 9620).

Chưởng Phú gần như được sở hữu tuyệt đối bởi ông Ye Ying – người đại diện theo pháp luật của công ty, với tỷ lệ sở hữu 99% (góp 14,85 tỷ đồng/15 tỷ đồng vốn điều lệ); 1% còn lại được sở hữu bởi ông Dương Văn Chưởng (thường trú tại xã Yên Thọ, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa).

Với cơ cấu sở hữu trên, thì nếu chỉ xét theo khía cạnh vốn, nếu nói rằng VINA LINK hay Chưởng Phú là một doanh nghiệp Trung Quốc có lẽ cũng không quá khiên cưỡng.

Tuy vậy, cũng nên biết rằng, trước khi được vị doanh nhân Trung Quốc thâu tóm, Chưởng Phú là một doanh nghiệp thuần Việt. Tiền thân là Công ty TNHH Một thành viên Chưởng Phú, thành lập ngày 30/08/2011, với vốn điều lệ 800 triệu đồng, do ông Dương Văn Chưởng (SN: 1981) làm đại diện.

Đến trung tuần tháng 04/2015, doanh nghiệp điều chỉnh vốn điều lệ lên mức 1,5 tỷ đồng.

Cũng trong năm này, hình thức của Chưởng Phú được điều chỉnh từ Công ty TNHH MTV thành Công ty TNHH (có hai thành viên góp vốn). Ông Ye Ying xuất hiện và thay thế ông Chưởng làm người đại diện của công ty. Theo đăng ký kinh doanh thay đổi ngày 13/11/2015, ông Ye Ying là người đóng góp 1,35 tỷ đồng – tương ứng 90% vốn điều lệ Chưởng Phú; 10% còn lại thuộc sở hữu của ông Dương Văn Chưởng.

Và như đã đề cập, chưa đầy 1 tháng sau, theo đăng ký kinh doanh thay đổi ngày 07/12/2015, Chưởng Phú đã tăng vốn điều lệ lên gấp 10 lần, đạt 15 tỷ đồng. Tỷ lệ sở hữu của ông Ye Ying được điều chỉnh lên mức 99%, nghĩa là, Chưởng Phú từ một DN Việt đã trở thành một công ty được sở hữu gần như tuyệt đối bởi vị doanh nhân Trung Quốc./.

Tác giả: Nhược Sơn

Nguồn tin: viettimes.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok