Trong tỉnh

Thanh Hoá: Các huyện miền núi vẫn ngổn ngang sau mưa lũ

Sau đợt lũ xảy ra vào cuối tháng 8 vừa qua, hàng trăm hộ dân các xã thuộc huyện miền núi xứ Thanh như: Mường Lát, Quan Hoá, Quan Sơn… vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Xã Trung Thành là một trong những xã bị thiệt hại nặng do mưa lũ gây ra. Cách trung tâm huyện Quan Hoá hơn 40km đường đồi núi, đường vào xã Trung Thành phải đi qua chiếc cầu treo, tuy nhiên chiếc cầu đã bị nước lũ cuốn trôi nên hiện nay xã đang bị chia cắt. Mọi nhu cầu đi lại, mua nhu yếu phẩm đều phải vượt sông tiềm ẩn nguy cơ đuối nước rất cao.

Ông Hà Công Toàn, Chủ tịch UBND xã Trung Thành cho biết: “Mong muốn của người dân địa phương là cần một cầu mới để người dân đi lại, học sinh đến trường một cách thuận lợi. Tuy nhiên kinh phí làm cầu là rất lớn nên chưa biết tới khi nào mới triển khai được”.

Cũng theo Chủ tịch xã Trung Thành, đợt mưa lũ hồi cuối tháng 8 vừa qua, nước ngập, gây sạt lở mạnh 2 bên mố cầu, làm sập hoàn toàn cầu treo của xã. Đến nay, sau gần 1 tháng, 624 hộ dân của xã Trung Thành vẫn chưa có đường đi, đời sống người dân gặp rất nhiều khó khăn. Nguồn mưu sinh bấy lâu nay của người dân bản địa là trồng tre, luồng. Từ ngày chiếc cầu treo bị sập, các hộ dân trong xã cũng không có cách nào vận chuyển tre luồng ra bên ngoài đi bán, nghề mưu sinh chính của bà con cũng vì thế mà tạm dừng lại.

Cán bộ, chiến sỹ Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Thanh Hóa giúp nhân dân khắc phục hậu quả mưa lũ, sớm ổn định cuộc sống

Theo thống kê, đợt mưa lũ cuối tháng 8 vừa qua, xã Trung Thành có 113 hộ dân bị thiệt hại, trong đó có 25 hộ bị cuốn trôi nhà hoàn toàn. Đến nay, các hộ dân muốn xây dựng lại nhà cũng không thể, bởi con đường duy nhất để vận chuyển nguyên vật liệu đã không còn. Điều đó đồng nghĩa, không chỉ 624 hộ bị cô lập về giao thương, mà đến nhu cầu ổn định cuộc sống của họ lúc này là vô cùng khó khăn. Hiện nay, con đường mà người dân xã Trung Thành đi ra trung tâm huyện là đi bằng thuyền bè. Tuy nhiên, con đường này chủ yếu chỉ có thể chở người cùng một số nhu yếu phẩm.

Trao đổi với PV, ông Trương Nho Tự, Chủ tịch UBND huyện Quan Hoá cho hay: “Để giải quyết tình thế bức thiết trước mắt, UBND huyện Quan Hóa đã đóng mới, cấp cho địa phương một chiếc xuồng, trị giá khoảng 40 triệu đồng để vận chuyển người và thuốc men, lương thực, thực phẩm cần thiết. Việc đề xuất làm cầu treo mới sẽ rất khó khăn vì theo tính toán cầu qua sông Mã có chiều dài lớn phải hết vài chục tỷ đồng, đây là một bài toán khó đối với một huyện”.

Còn tại huyện Mường Lát, hầu hết các tuyến kênh dẫn nước và đập tràn trên địa bàn xã Tam Chung đều bị mưa lũ tàn phá, làm hư hỏng và biến dạng hoàn toàn. Do các tuyến kênh đều nằm ở sườn đồi và núi cao, địa hình hiểm trở, phức tạp nên công tác khắc phục hết sức khó khăn.

Mưa lũ đã làm khoảng 4.000m tuyến kênh dẫn đa mục tiêu có nhiệm vụ vừa cung cấp nước sạch phục vụ nhu cầu sinh hoạt cho nhân dân thị trấn và xã Tam Chung vừa đáp ứng nước tưới cho hơn 200 ha diện tích đất nông nghiệp của huyện hư hỏng hoàn toàn. Không chỉ xã Tam Chung, mà các xã Quang Chiểu, Tén Tằn, Mường Chanh, hệ thống kênh mương, hồ đập cũng bị thiệt hại nặng nề.

Ngoài ra, nhiều hạng mục của công trình thủy lợi, thủy điện Pom Puôi và thủy điện Tén Tằn cũng bị hư hỏng, toàn bộ phần mặt đập, mái tràn bê tông cốt thép, các cửa cống lấy nước bị đổ vỡ, sạt trượt nghiêm trọng.

Theo tính toán, để khôi phục lại hệ thống thuỷ lợi trên địa bàn huyện Mường Lát phải mất ít nhất 4 tháng, trong điều kiện phải có đủ nguồn kinh phí. Nếu không thể khắc phục nhanh các sự cố kênh mương, hồ đập, nhiều diện tích canh tác trên địa bàn huyện Mường Lát có khả năng sẽ bị bỏ hoang trong vụ đông này và cả vụ chiêm xuân sắp tới. Không chỉ vậy, hàng trăm hộ dân ở thị trấn Mường Lát và xã Tam Chung hiện đang thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng, nhiều hộ phải đi xa vài km để lấy từng can nước về sinh hoạt.

Mưa lũ cũng khiến người dân trên địa bàn huyện Mường Lát bị ảnh hưởng bởi tình trạng mất điện kéo dài. Các phương tiện giao thông không thể vượt qua được đập tràn bản Na Chừa bị đứt gẫy. Mực nước tại suối Xim luôn ở mức cao do đó việc lưu thông qua khu vực này không thể thực hiện được. Công tác tiếp cận và cứu trợ cho xã Mường Chanh cũng gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều đoàn cứu trợ không thể tới được trung tâm xã Mường Chanh và các thôn, bản chịu thiệt hại trọng đợt mưa lũ vừa qua.

Sau nhiều nỗ lực hỗ trợ của các sở, ban ngành tỉnh Thanh Hoá; sự quyết tâm khắc phục hậu quả của các cấp chính quyền huyện Mường Lát, đến chiều 17/9, toàn bộ vật liệu để dựng cầu tạm đã được chuyển tới khu vực đập tràn bản Na Chừa. Từ ngày 18/9, cầu đã bắt đầu được xây lắp. Cầu tạm sẽ chịu được mức tải trọng tối đa là 15 tấn. Việc hoàn thành cây cầu tại bản Na Chừa đã góp phần hết sức quan trọng nối lại lưu thông cho các phương tiện, tạo thuận lợi cho công tác khắc phục hậu quả, hỗ trợ, cứu trợ cho nhân dân bị ảnh hưởng bởi mưa lũ tại xã Mường Chanh.

Với sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh Thanh Hoá, sự hỗ trợ từ các sở, ban ngành của tỉnh; sự nỗ lực khắc phục hậu quả do mưa lũ của địa phương các huyện miền núi, hy vọng trong thời gian tới, người dân các huyện miền núi xứ Thanh sẽ vượt qua khó khăn, sớm ổn định cuộc sống.

Tác giả: HOÀNG MINH

Nguồn tin: Báo Dân sinh

  Từ khóa: thanh hoá ,

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok