Năm 2004, tỉnh Thanh Hóa có quyết định ký chấp thuận đầu tư dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị mới Bắc đại lộ Lê Lợi (Đông hương, Thành phố Thanh Hóa) cho Công ty TNHH Xây Dựng và SXVL XD Bình Minh (Công ty Bình Minh). Khu đô thị này có diện tích 47 ha, trên đất của xã Đông Hương và sẽ là trung tâm TP.Thanh Hóa trong tương lai gần. Trong đó: Đất xây dựng nhà ở là 199,808m2 gồm đất chung cư, nhà chia lô, nhà liền kề, nhà vườn; Đất xây dựng đường giao thông: 204,047m2; Đất xây dựng các công trình công cộng như: nhà trẻ, mẫu giao, dịch vụ, thương mại là 30,297m2; Đất xây dựng sân thể thao, trồng cây xanh: 43,273m2.
Khu đô thị Bình Minh là khu đô thị duy nhất đạt tiêu chuẩn quốc gia với 10.000 dân sinh sống. Mục tiêu của dự án là đáp ứng nhu cầu nhà ở cho nhân dân tỉnh Thanh Hóa tạo cơ sở vật chất quan trọng để phát triển Thanh Hóa trở thành thành phố loại 1 văn minh và hiện đại vào năm 2015.
KĐT này cũng được kỳ vọng là khu đô thị đầu tiên có cách vận hành và quản lý theo mô hình đô thị hiện đại. Hầu hết cư dân ở đây đều khá giả và có mức sống cao hơn bình quân của người dân địa phương với nhiều quan chức, công chức, thậm chí có cả một số cán bộ là cựu lãnh đạo Tỉnh ủy, Văn phòng UBND tỉnh và những người có kinh tế khá giả ở xứ Thanh. Bởi thế, giá đất ở đây có những thời điểm được rao bán lên tới 26 triệu đồng/m2 (thời điểm 2018).
Tuy nhiên, cho đến nay, đáng tiếc là vì nhiều lý do thực tế như hạ tầng, thiết kế… khiến kỳ vọng lại không như mong đợi. Điều dễ nhận thấy nhất là tình trạng thưa vắng, dân cư chỉ tập trung tại số nhà liền kề, biệt thự đã hoàn chỉnh. Còn các hạng mục như chung cư cao tầng, trường học, khu thể thao, trung tâm thương mại… và hầu hết các công trình phúc lợi “hiện đại, đồng bộ” như trong thiết kế vẫn chỉ nằm trên giấy, mặc dù đã qua vài lần “điều chỉnh”. Đáng chú ý, cả một thời gian dài những năm 2013 - 2014, KĐTM này còn được gọi bằng cái tên “KĐT 3 không” vì không có tổ chức Đảng, không có chính quyền, không có các đoàn thể.
Ông Lê Văn Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Ngọc Lặc khẳng định xây đúng giấy phép được cấp. |
Đáng buồn hơn, hiện nay, có thực trạng là các công trình biệt thự, nhà vườn khi có người đến ở lại được xây dựng lôm côm theo kiểu “mạnh ai đấy làm”. Có thể kể đến một số công trình đang trong quá trình hoàn thiện như; công trình biệt thự hoành tráng được xây dựng hiện đại theo kiến trúc “đặc biệt” tại Khu III, đang trong giai đoạn hoàn thiện. Biệt thự này tọa lạc trên hai lô đất P3, P4 mà ông Lê Văn Lục, Phó Chủ tịch UBND phường Đông Hương xác nhận với phóng viên là nhà của ông Tuấn (Lê Văn Tuấn - PV), Chủ tịch UBND huyện Ngọc Lặc xây dựng. Tuy nhiên, khi được hỏi về công trình trên có xây dựng trái phép, phá vỡ quy hoạch KĐT hay không, ông Tuấn khẳng định, trên cương vị của mình ông làm đúng giấy phép, không thể làm sai được, tất cả hồ sơ, giấy phép xây dựng đều được Công ty Bình Minh cấp đầy đủ.
Theo cán bộ địa chính ở phường Đông Hương cho biết, mỗi lô biệt thự tại KĐT có diện tích khoảng 329 m2, được phép xây dựng với mật độ là 80%. Các công trình trên chưa gửi thông báo đến phường nên chưa nắm được hoạt động xây dựng. |
Trả lời về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND phường Đông Hương Lê Văn Lục thừa nhận có nhiều bất cập, trong đó cán bộ quản lý yếu kém không nắm bắt kịp thời. Tuy nhiên, ông Lục cho biết việc xử lý sai phạm ở đây cũng gặp nhiều khó khăn phần vì các gia đình đều có quan hệ từ phía trên. Lấy dẫn chứng, ông Lục chìa ra một số văn bản khi đình chỉ xây dựng công trình thì UBND phường lại nhận được văn bản của Cty Bình Minh lại có văn bản cho rằng các quyết định này là không đúng chức năng nhiệm vụ và đề nghị hủy, không tham gia vào việc giám sát quản lý xây dựng nhà ở tại KĐT.
Sau đó, UBND phường cũng đã có nhiều văn bản phản bác, tuy nhiên, ông Lục cho biết thêm, người dân đến xây dựng tại KĐT này thường không đến phường gửi thông báo cũng như hồ sơ xây dựng nên UBND phường cũng không nắm bắt được hết.
Tác giả: Nhóm PV
Nguồn tin: Báo Công Luận