Nhà máy nước hồ Quế Sơn là hình mẫu xem thường pháp luật! Ảnh: Q.M |
Báo cáo “không đúng sự thật”
Cuối tháng 8/2018, sau khi nhận được văn bản trả lời của Chính phủ về vấn đề liên quan đến đơn thư “kêu cứu” của Công ty TNHH Vật liệu xây dựng và Xây dựng Bình Minh, Vũng Tàu (gọi tắt là Công ty Bình Minh), Chi nhánh Thanh Hóa, đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng có chuyến thị sát thực tế tình hình tiêu thụ nước sạch tại khu kinh tế (KKT) Nghi Sơn (Tĩnh Gia - Thanh Hoá) để làm sáng tỏ vấn đề.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho biết, trong KKT này hiện có 2 nhà máy nước sạch công suất 150.000m3/ngày đêm, gồm: Nhà máy nước Bình Minh (90.000m3/ngày đêm), xây dựng năm 2007; và Nhà máy nước hồ Quế Sơn (60.000m3/ngày đêm), xây dựng năm 2016.
Về tình hình cung cấp nước, hiện Nhà máy nước Bình Minh đang cung cấp nước sạch cho các dự án: xi măng Nghi Sơn, nhiệt điện Nghi Sơn, cảng biển, khu dân cư …, dao động 800-900m3/ngày đêm.
Nhà máy nước hồ Quế Sơn do liên doanh Anh Phát - Sông Chu làm chủ đầu tư (giai đoạn 1 có công suất 30.000m3/ngày đêm), bán cho hộ tiêu thụ duy nhất là Dự án Lọc hóa dầu, khoảng 25.000-30.000m3/ngày đêm.
Trong các văn bản Thanh Hóa báo cáo Trung ương và được Bộ Xây dựng trình Chính phủ cho rằng, nhu cầu nước sạch của KKT Nghi Sơn sau khi mở rộng từ 18.000ha lên 106.000ha là rất lớn và cấp bách, vì hàng loạt dự án lớn đổ bộ vào KKT này. Con số cụ thể là, năm 2016 thiếu 15.000m3/ngày đêm; cuối năm 2017 thiếu gần 60.000m3/ngày đêm và sau năm 2017 thiếu gần 320.000m3/ngày đêm. Thanh Hóa không chỉ cần 2 mà cần thêm nhiều nhà máy nước sạch nữa.
Cho dù tỉnh Thanh Hóa và Bộ xây dựng báo cáo Chính phủ những con số “khổng lồ” về nước thì cũng không thể “che đậy” được thực tế là tại khu vực phía Đông Nam KKT Nghi Sơn chỉ có các dự án đã và đang hoạt động, sản xuất nêu trên (2 năm nay không thu hút thêm dự án mới) và mức tiêu thụ lượng nước hiện tại dao động hơn 30.000 m3/ngày đêm, hộ tiêu thụ chính là Lọc hóa dầu. Cả hai nhà máy nước sạch này mới chỉ khai thác chưa đến ¼ công suất thiết kế.
Như vậy, những con số về nước sạch tại KKT Nghi Sơn nói trên là “thổi phồng” và thiếu thuyết phục, cũng có thể nói là chưa trung thực, mà mấu chốt xét ở nhiều khía cạnh nhằm lý giải cho việc “hợp thức hóa” Nhà máy nước hồ Quế Sơn xây dựng “trái phép”, không đúng quy hoạch ban đầu đã báo cáo Trung ương.
“Đây là sự lãng phí, khi cùng một khu vực mà Thanh Hóa cho xây dựng thêm Nhà máy nước hồ Quế Sơn, khiến dự án chồng dự án và hệ lụy là Nhà máy nước Bình Minh bị mất thị phần, hơn 1.000 tỷ đồng đầu tư, công suất 90.000m3/ngày đêm mà mỗi ngày chỉ bán được mấy trăm mét khối nước, gây thiệt hại rất lớn cho nhà đầu tư, nguy cơ phá sản là điều hiển nhiên”, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng xót xa.
Nhà máy nước Bình Minh có nguy cơ bị phá sản. |
“Tiền hậu bất nhất”
Theo quy hoạch KKT Nghi Sơn được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2007, có một nhà máy nước sạch tại hồ Đồng Chùa, công suất 90.000m3/ngày đêm, bảo đảm cấp nước cho khu vực Đông Nam KKT này đến năm 2025.
Để phục vụ nước sạch cho KKT và dự án lọc hóa dầu, từ năm 2007, Công ty Bình Minh được cấp phép đầu tư Nhà máy nước Nghi Sơn (công suất 90.000m3/ngày đêm), giai đoạn 1 là 30.000m3/ngày đêm. Năm 2016, tiếp tục đầu tư xây dựng giai đoạn 2, công suất 60.000m3/ngày đêm. Cả hai giai đoạn có tổng số vốn đầu tư trên 1.000 tỷ đồng.
Sau hơn 10 năm với bao cay đắng, khó khăn, rủi ro vì không bán được hàng do KKT chậm tiến độ, đến ngày đạt thành quả, Nhà máy nước Bình Minh bị “kẻ mạnh khác” nhảy vào chiếm thị phần. Điều này cũng đồng nghĩa với việc doanh nghiệp bị bức tử, dồn vào chân tường không lối thoát.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, động thái tỉnh Thanh Hóa cho xây dựng Nhà máy nước hồ Quế Sơn bất chấp quy hoạch là thái độ “tiền hậu bất nhất” trong thực hiện dự án triển khai xây dựng KKT Nghi Sơn, với Nhà máy nước Bình Minh.
Đây cũng là rủi ro mang tính tổ chức - pháp lý mà doanh nghiệp gặp phải khi giá trị của pháp luật bị “coi thường”. Luật Đầu tư năm 2005 và 2014 quy định rõ về bảo đảm đầu tư kinh doanh trong trường hợp thay đổi pháp luật. Như vậy, khi pháp luật thay đổi theo hướng lợi hơn hay bất lợi hơn thì nhà đầu tư vẫn được bảo đảm ưu đãi tốt hơn hoặc không bị giảm đi.
Đằng này, tỉnh Thanh Hóa lại làm điều ngược lại, khi cả Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh vào cuộc một cách quyết liệt và “thần tốc” chấp thuận chủ trương đầu tư, ồ ạt xây dựng Nhà máy nước hồ Quế Sơn khi chưa được phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch và cấp tốc đề nghị hợp thức hóa thủ tục pháp lý.
“Năm 2017, sau khi Nhà máy nước hồ Quế Sơn vừa xây dựng xong, Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn tự động cắt nguồn nước do Công ty Bình Minh cung cấp và chuyển sang lấy nước của Anh Phát - Sông Chu mới là câu chuyện đáng bàn, đáng lên án - cần phải nghiêm túc đánh giá tổng thể để làm rõ từng chi tiết”, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh.
Sẽ kiện ra Trung tâm Trọng tài quốc tế
“Hợp đồng cung cấp nước được ký giữa Công ty Bình Minh và Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn (năm 2013) vẫn còn nguyên tính pháp lý. Để đòi lại công bằng, Công ty Bình Minh cho biết: sẽ phát đơn kiện đối tác này ra Trung tâm Trọng tài quốc tế tại Singapore (theo thỏa thuận hợp đồng đã ký). Đồng thời, gửi đơn khuyến cáo đến các tổ chức tín dụng thế giới - nơi thu xếp vốn cho dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn về cách hành xử “thô bạo” của Công ty TNHH Lọc hóa dầu với Công ty Bình Minh. Vì Hợp đồng mua bán nước với Bình Minh được Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn đưa vào hồ sơ đem đi thế chấp, bảo lãnh như là một điều kiện bắt buộc để vay vốn xây dựng dự án Lọc hóa dầu”, ông Tào Quốc Tuấn, Giám đốc Công ty Bình Minh cho biết.
Cũng theo nội dung trả lời đại biểu Lưu Bình Nhưỡng của Chính phủ, thì Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá đã có kết luận về việc Công ty TNHH Lọc hoá dầu Nghi Sơn không mua nước của Công ty Bình Minh.
Qua đó, việc Công ty Lọc hóa dầu Nghi Sơn ngừng sử dụng nguồn nước theo hợp đồng đã ký với Công ty Bình Minh mà không có lý do và không thông báo cho Bình Minh và các cấp chính quyền là không công bằng, thiếu minh bạch. Trường hợp Công ty Bình Minh cấp nước chưa đảm bảo chất lượng, chưa đúng khối lượng (nếu có) thì phải công bố công khai bằng văn bản, đồng thời đặt điều kiện để công ty này khắc phục.
Thế nhưng, là đối tác, doanh nghiệp với nhau, Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn không kiểm điểm đánh giá lại các cam kết về sự thiện chí, trung thực của một hợp đồng kinh tế; cùng nhau khắc phục, “hoạn nạn” có nhau. Khi đem hồ sơ thể hiện các điều kiện bảo lãnh, nhà máy lọc dầu coi nhà máy nước như một thứ “lòng tin”, sự bảo đảm tiên quyết về sự sống, sự tồn tại. “Việc đơn phương ngừng mua nước hay thị phần của Nhà máy nước Bình Minh bị rơi vào tay liên doanh Anh Phát - Sông Chu còn thể hiện chữ Tín, phạm trù đạo đức trong kinh doanh, cách ứng xử giữa doanh nghiệp với nhau trên thương trường”, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng chỉ rõ.
Tỉnh Thanh Hoá cũng yêu cầu Công ty TNHH Lọc hoá dầu Nghi Sơn xem xét nối lại nguồn nước mua của Bình Minh, theo cơ cấu Công ty Bình Minh 50% nhu cầu, Công ty Anh Phát - Sông Chu 50% nhu cầu. Đến nay, do chưa đạt được thỏa thuận về chất lượng nước nên giữa Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn và Công ty Bình Mình chưa có sự đồng thuận về việc ký Hợp đồng tiêu thụ nước.
Nội dung đưa ra và giải thích như trên là chưa đúng với bản chất của vấn đề mà Nhà máy nước Bình Minh gặp phải.
|
Quyết định và Giấy chứng nhận Hệ thống quản lý chất lượng về lĩnh vực hoạt động sản xuất và kinh doanh nước sạch cho Nhà máy nước sạch Nghi Sơn của Công ty Bình Minh. |
Bởi thực tế, ngày 17/5/2017, Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam – Trung tâm ứng dụng Tiêu chuẩn Chất lượng (QUASTA-CE) đã cấp Giấy chứng nhận Hệ thống quản lý chất lượng về lĩnh vực hoạt động sản xuất và kinh doanh nước sạch cho Nhà máy nước sạch Nghi Sơn của Công ty Bình Minh, phù hợp với tiêu chuẩn ISO 9001:2015.
Trung tâm Kỹ thuật I – Tổng cục Tiêu chuẩn, Đo lường, Chất lượng đã có Chứng thư Giám định và Kết quả thử nghiệm (Quatest 1) về chỉ tiêu giám định chất lượng nước Nhà máy nước Nghi Sơn, có ký hiệu “Mẫu nước sạch tại bể thành phẩm” đạt 109 chỉ tiêu theo yêu cầu của QCVN 01:2009/BYT.
“Tôi đã đặt câu hỏi về chất lượng nước và được Bình Minh chứng minh rõ ràng, có văn bản là nước của họ đảm bảo chất lượng. Tôi cũng đã đề nghị họ cấp nước sạch cho lực lượng biên phòng Cửa khẩu Nghi Sơn sử dụng”, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nói.
Đây chính là bằng chứng thể hiện sự “không trung thực” của Thanh Hóa hoặc của Công ty Lọc hóa dầu Nghi Sơn, che dấu cho một lý do “rất khó hiểu” về nhà máy nước Bình Minh “bỗng nhiên” mất thị phần nước và mất luôn cả hợp đồng nước (còn nguyên tính pháp lý) ký với Công ty Lọc hóa dầu Nghi Sơn từ năm 2013.
Kiến nghị đưa vào chương trình giám sát của Quốc hội
Trước thực trạng đang xảy ra với Nhà máy nước Bình Minh tại Nghi Sơn, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho biết, sẽ kiến nghị đưa vụ việc vào diện giám sát thường xuyên của Quốc hội.
“Một chính sách tốt, một hành động chuẩn mực sẽ mang lại nhiều điều tốt đẹp cho doanh nghiệp làm ăn chân chính. Nhưng một chính sách không tốt, một ứng xử không đẹp sẽ đẩy doanh nghiệp vào cảnh khốn đốn, công nhân thất nghiệp; trong khi Chính phủ và Thủ tướng đôn đáo lo cho doanh nghiệp, còn ở nơi nào đó chính quyền luôn thủ sẵn đinh để trên rải thảm, dưới rải đinh và đào hố cắm chông để tiêu diệt những “cỗ máy kinh tế” của địa phương và câu chuyện của Nhà máy nước Bình Minh tại Thanh Hoá là bài học điển hình”, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng chua chát kết luận.
Tại Thanh Hóa, Tổng công ty Anh Phát - chủ đầu tư Nhà máy nước hồ Quế Sơn - được biết đến là doanh nghiệp “lớn nhanh như thổi” mà không có bất cứ doanh nghiệp nào sánh kịp, lĩnh vực kinh doanh đa ngành nghề: bất động sản, khai thác mỏ, VLXD, nhà hàng, khách sạn, nước sạch, xăng dầu… Đặc biệt, Tổng công ty Anh Phát còn dễ dàng thâu tóm được hàng loạt đất công sản - vị trí “vàng” tại TP. Thanh Hóa như: nhà hàng Hoàng Lan (phố Đào Duy Từ); nhà hàng Hoàng Thị Lan (Nguyễn Trãi) ; Khu nhà và đất 465 Lê Hoàn; Khu nhà đất 34 Ngô Từ; Đất và tài sản trên đất nhà hàng Cây Xoài (Đại lộ Lê Lợi); Đất và cửa hàng thực phẩm (ngã Ba Bia - Lê Hoàn) và hàng chục các dự án khắp TP. Thanh Hóa. |
Tác giả: Hữu Thắng
Nguồn tin: Báo Kinh tế nông thôn