Trong tỉnh

Thanh Hoá: Ai tiếp tay cho lâm tặc phá rừng phòng hộ đầu nguồn?

Nhiều vạt rừng phòng hộ bị tỉa thưa, cây rừng tự nhiên có giá trị bị đốn hạ, đánh bật gốc nằm ngổn ngang trên nhiều diện tích rừng ở xã Xuân Hoà, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hoá đang là tình trạng báo động, bất ổn an ninh rừng.

Theo phản ánh của người dân, trong những ngày gần đây, trên địa bàn xã Xuân Hoà, huyện Như Xuân (Thanh Hoá) xuất hiện các đối tượng dùng cưa xăng máy và nhiều công cụ khác vào khu vực rừng phòng hộ xã Xuân Hoà – nơi tiếp giáp giữa Vườn Quốc gia Bến En, với Khu trường bắn (xã Xuân Hoà) để khai thác lâm sản trái pháp luật nhưng không bị lực lượng chức năng phát hiện, kiểm tra và xử lý.

Lần theo những thông tin trên, sáng ngày 30/3, Phóng viên Báo Nhà báo & Công luận theo hướng người dân bản địa chỉ điểm, thực địa ghi nhận những khu vực rừng phòng hộ nguyên sinh trên địa bàn xã Xuân Hoà đang bị cày xới, cây rừng tự nhiên bị đốn hạ, đốt gốc, đánh bồn là có thật.

Theo hướng đường mòn chạy dọc khu vực phía sau Phân Trại số 5, Trại giam Thanh Lâm (Xuân Hoà) chừng 1km về hướng Đông có rất nhiều cây rừng tự nhiên bị bật gốc, đổ ngổn ngang. Hiện trạng cho thấy những cây này đã được ai đó đánh bồn, bó sắt, cưa cành, lấp lá chờ cơ hội để vận chuyển đưa ra khỏi bìa rừng.

Đáng nói, để thuận tiện cho việc vận chuyển cây rừng, các đối tượng đã phát quang những thân cây khác, chặt những cây gỗ nhỏ, tạo thành khoảng trống cho phương tiện di chuyển vào vùng lõi của rừng phòng hộ đầu nguồn để bốc cây.

Nhiều vạt rừng bị san phẳng

“Đây là rừng phòng hộ đầu nguồn với rất nhiều loài cây quý hiếm được bảo vệ rất nghiêm, người dân mà vào chặt một cây là bị xử lý đến nơi đến chốn. Nhưng không hiểu vì sao các đối tượng khác lại ra vào đào bới, đánh bồn, quấn thép bọc cây mà vẫn không hay bị phát hiện, xử lý kể cũng lạ?” - một người dân gần đấy cho biết.

Qua quan sát của phóng viên cho thấy, đa phần những cây đã bị đánh gốc, được bó lưới nằm ngổn ngang trong rừng phòng hộ đầu nguồn Xuân Hoà đều là cây Vàng Anh có đường kính từ 30 đến 60 cm. Lý giải về hiện tượng khai thác cây Vàng Anh, người dân cho rằng đây là loại cây hiện đang có giá trị kinh tế trên thị trường cây bóng mát nên các đối tượng đã cấu kết hoặc tìm kẻ hở của lực lượng bảo vệ rừng để khai thác, mang đi bán cho giá trị kinh tế lớn.

Dù tiếp giáp với Vườn Quốc gia Bến En được bảo vệ nghiêm ngặt, nhưng nhiều đối tượng đã lợi dụng vào việc cải tạo rừng sản xuất được Nhà nước giao khoán đã để tỉa thưa rất nhiều vạt rừng phòng hộ, đưa cây trồng sản xuất vào để trồng xen kẽ với cây rừng tự nhiên.

Cũng theo người dân nơi đây cho biết, dù được đánh mốc giới giữa rừng sản xuất và rừng phòng hộ đầu nguồn bằng các đường rãnh nhưng hàng ngày vẫn có rất nhiều người dân vào khu vực rừng phòng hộ đầu nguồn xã Xuân Hoà để canh tác cây trồng khác mà không gặp sự ngăn chặn của lực lượng chức năng, đặc biệt là lực lượng Kiểm lâm sở tại.

Hàng loạt cây Vàng Anh trong rừng phòng hộ Xuân Hoà đã bị đánh gốc, bó bồn nằm ngổn ngang.

Để minh chứng về sự xâm hại của con người vào những khu rừng phòng hộ đầu nguồn, người dân đưa Phóng viên mục sở thị khu đất đã được cày, xới trước đó và cho biết ở khu vực này trước kia là rừng phòng hộ đã bị chặt phá hoàn toàn từ năm 2012, hiện đang trong quá trình điều tra của cơ quan Công an nhưng nhiều ngày gần đây không hiểu lý do gì và cũng chưa rõ ai cho phép, để máy móc được đưa vào đào xới là có thật.

Gần hiện trạng ghi nhận cũng có rất nhiều cây gỗ khác đã bị đốn hạ, đánh bồn, quây lới. Để che đậy sự kiểm tra của lực lượng chức năng, các đối tượng khai thác đã đốt gốc, lấp đất, vùi lá, đốt thực bì để hòng dựng hiện trường giả, hòng qua mặt lực lượng chức năng.

Qua tìm hiểu được biết, huyện Như Xuân có 52.614 ha rừng và đất lâm nghiệp, chiếm 73,1% diện tích tự nhiên của huyện, trong đó rừng phòng hộ 12.291,27 ha, rừng đặc dụng 8.132,10 ha, rừng quy hoạch sản xuất 32.190,63 ha.

Những cây gỗ có đường kính từ 30 - 60 cm trong rừng phòng hộ đầu nguồn Xuân Hoà

Sáng ngày 31/3, trao đổi qua điện thoại với Phóng viên Báo Nhà báo & Công luận, ông Ngô Văn Tuấn, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Như Xuân cho biết, trong năm vừa qua (2021) và những tháng đầu năm 2022 trên địa bàn huyện Như Xuân không xảy ra tình trạng khai thác rừng trái phép, có thì cũng chỉ ở dạng phát thực bì, vi phạm từ việc xâm lấn đơn thuần.

Cũng trong sáng 31/3, ông Mai Hữu Phúc, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa cho biết, sẽ chỉ đạo kiểm tra, xử lý các vi phạm nếu có liên quan đến khải thác lâm sản trái quy định tại Xuân Hoà, Như Xuân.

Tại Luật lâm nghiệp số 16/2017/QH14 ban hành ngày 15/11/2017 quy định tại Khoản 3 Điều 5 cho thấy: Rừng phòng hộ được sử dụng chủ yếu để bảo vệ nguồn nước, bảo vệ đất, chống xói mòn, sạt lở, lũ quét, lũ ống, chống sa mạc hóa, hạn chế thiên tai, điều hòa khí hậu, góp phần bảo vệ môi trường, quốc phòng, an ninh, kết hợp du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí; cung ứng dịch vụ môi trường rừng; được phân theo mức độ xung yếu bao gồm: Rừng phòng hộ đầu nguồn; rừng bảo vệ nguồn nước của cộng đồng dân cư; rừng phòng hộ biên giới; Rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay; rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển.

Bên cạnh đó, tại Khoản 2 Điều 55 cũng quy định khai thác lâm sản trong rừng phòng hộ, trong đó, đoối với rừng phòng hộ là rừng tự nhiên, việc khai thác lâm sản ngoài gỗ được quy định như sau: Được khai thác măng, tre, nứa, nấm trong rừng phòng hộ khi đã đạt yêu cầu phòng hộ; Được khai thác lâm sản ngoài gỗ khác mà không làm ảnh hưởng đến khả năng phòng hộ của rừng.

Ngoài ra, các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động lâm nghiệp được quy định tại Điều 9 Luật Lâm nghiệp 2017 quy định: Cấm chặt, phá, khai thác, lấn, chiếm rừng trái quy định của pháp luật; Hủy hoại tài nguyên rừng, hệ sinh thái rừng, công trình bảo vệ và phát triển rừng; Vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy rừng; phòng, trừ sinh vật gây hại rừng; quản lý các loài ngoại lai xâm hại; dịch vụ môi trường rừng; Giao rừng, cho thuê rừng, thu hồi rừng, chuyển loại rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng trái quy định của pháp luật; cho phép khai thác, vận chuyển lâm sản trái quy định của pháp luật; chuyển đổi diện tích rừng, chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng rừng, quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng trái quy định của pháp luật; phân biệt đối xử về tôn giáo, tín ngưỡng và giới trong giao rừng, cho thuê rừng.

Tác giả: Quang Minh

Nguồn tin: congluan.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok