Thế giới

Thảm họa thiên nhiên tàn khốc nhất lịch sử Hawaii

Những đám cháy rừng trên đảo Maui thuộc bang Hawaii (Mỹ) đã cướp đi sinh mạng của nhiều người, gây thiệt hại tài sản ước tính lên đến 10 tỷ USD và chưa dừng lại...

Thiệt hại nặng nề

Tính đến sáng 12-8, số người thiệt mạng trong các vụ cháy rừng tại Hawaii đã lên đến 67 trường hợp, khiến vụ việc trở thành thảm họa thiên nhiên nghiêm trọng nhất lịch sử bang này kể từ sau trận sóng thần năm 1960 từng cướp đi sinh mạng của 61 người.

Cùng ngày, trong một cuộc tìm kiếm kéo dài nhiều giờ trên phạm vi hơn 450 hải lý, Lực lượng Bảo vệ bờ biển Mỹ (USCG) đã giải cứu thành công 17 người. 40 trường hợp sống sót khác đã được tìm thấy và hỗ trợ vào bờ. Hiện chưa xác nhận có người mất tích dưới nước dù trước đó ước tính khoảng 100 người đã nhảy xuống biển để thoát thân.

Thảm họa cháy rừng tại Hawaii gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Ảnh: Getty Images

Các đám cháy dữ dội hoành hành trong tuần này đã gây thiệt hại hoặc phá hủy ít nhất 1.700 công trình, gồm nhà cửa, trường học, nhà thờ tại thị trấn lịch sử Lahaina. Thống đốc Hawaii Josh Green tuyên bố chưa xác định được số người mất tích nhưng lo ngại con số này có thể lên đến 1.000 trường hợp.

Nhà chức trách Maui cảnh báo người dân tại Lahaina về nguy cơ nguồn nước bị ô nhiễm, khuyến cáo không nên sử dụng nước máy để uống hoặc nấu ăn. Thông báo được đưa ra sau khi hỏa hoạn khiến một số khu vực bị mất áp lực nước, có thể khiến các chất ô nhiễm xâm nhập vào hệ thống.

Công ty Điện lực Hawaii đề nghị người dân phía Tây Maui chuẩn bị cho khả năng mất điện kéo dài nhiều tuần, đồng thời thông báo sẽ bắt đầu đánh giá thiệt hại và sửa chữa ngay khi các khu vực có thể tiếp cận an toàn. Tính đến ngày 10-8, hơn 12.000 khách hàng của công ty này đã không có điện sử dụng.

Tình hình nghiêm trọng buộc gần 15.000 du khách rời Maui bằng máy bay, trong khi các hãng hàng không bổ sung chuyến bay vào lịch trình. Khách du lịch được khuyến khích đặt chuyến bay trực tiếp với các hãng hàng không đến Honolulu và lục địa.

Rào cản ngôn ngữ và nguồn nhân lực

Nguy cơ cháy rừng ở thị trấn Lahaina trên đảo Maui đã được dự báo trước. Kế hoạch giảm thiểu rủi ro của nhà chức trách Maui, được cập nhật lần cuối vào năm 2020, xác định Lahaina và phía Tây Maui thường xuyên đối diện với cháy rừng.

Báo cáo cũng cho thấy, Tây Maui có tỷ lệ hộ gia đình không sở hữu phương tiện di chuyển cao thứ hai trên đảo và có tỷ lệ người không nói tiếng Anh cao nhất. Điều này hạn chế khả năng tiếp nhận, hiểu và thực hiện hành động thích hợp trong các vụ việc nguy hiểm.

Bobby Lee, Chủ tịch Hiệp hội Lính cứu hỏa Hawaii, cho biết, những nỗ lực chữa cháy tại Maui có thể bị cản trở do thiếu nhân lực. Có tối đa 65 lính cứu hỏa làm nhiệm vụ tại mọi thời điểm nhưng lực lượng này phải bao quát cả 3 đảo: Maui, Molokai và Lanai.

Thị trấn lịch sử Lahaina hoang tàn sau các đám cháy nghiêm trọng. Ảnh: Philip Cheung/New York Times

Lực lượng cứu hỏa Maui sở hữu 13 xe chữa cháy và 2 xe thang, nhưng không có bất kỳ phương tiện địa hình nào. Điều này đồng nghĩa lính cứu hỏa gặp khó khăn trong nỗ lực kiềm chế đám cháy tràn đến khu vực đông dân cư.

Các đám cháy kinh hoàng ở Hawaii đã trở nên tồi tệ hơn do một số yếu tố, bao gồm tình trạng biến đổi khí hậu. Katharine Hayhoe, nhà khoa học trưởng của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên, nhận định, sự nóng lên toàn cầu đang khiến thảm thực vật khô kiệt và trở thành tác nhân gây cháy. Dù không thường gây ra hỏa hoạn nhưng biến đổi khí hậu khiến các đám cháy trở nên nguy hiểm hơn.

Giới chuyên gia nhận định, các đám cháy rừng ở Hawaii đang thiêu rụi diện tích gấp bốn lần so với những thập kỷ trước, một phần do sự gia tăng của các loại cỏ không bản địa dễ cháy hơn vốn chiếm 26% diện tích bang này và tình trạng toàn cầu tăng nhiệt.

Những nỗ lực ứng phó

Trong bối cảnh cháy rừng tàn phá Lahaina, chính phủ liên bang đã kích hoạt chế độ ứng phó thảm họa. Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng tuyên bố tình trạng thảm họa liên bang và cam kết gửi mọi hỗ trợ cần thiết.

Tuyên bố kể trên mở đường cho các khoản tài trợ liên bang, bao gồm trợ cấp nhà ở tạm thời, sửa chữa nhà, các khoản vay lãi suất thấp để bù đắp tổn thất tài sản không bảo hiểm, cùng nhiều các chương trình khác dành cho cá nhân và doanh nghiệp.

Cơ quan Quản lý khẩn cấp liên bang (FEMA) đang cung cấp bữa ăn cho 5.000 người trong 5 ngày. Chó nghiệp vụ từ California và Washington đã được gửi đến Maui để hỗ trợ các khu vực bị ảnh hưởng ở Lahaina. Đội Tìm kiếm và Cứu nạn đô thị (US&R) của FEMA cũng đã có mặt thị trấn này để tham gia hoạt động tìm kiếm trong các đống đổ nát.

Trực thăng tham gia chữa cháy tại đảo Maui, Hawaii. Ảnh: Max Whittaker/New York Times

Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ nhân sinh Xavier Becerra đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng tại Hawaii, động thái giúp các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe linh hoạt hơn trong hỗ trợ những người có bảo hiểm sức khỏe Medicare và Medicaid.

Lực lượng Vệ binh quốc gia Hawaii đã huy động trực thăng Chinook hỗ trợ dập lửa và tìm kiếm cứu nạn trên đảo Maui. Cảnh sát biển cùng Hạm đội 3 của Hải quân Mỹ cũng đang hỗ trợ các nỗ lực ứng phó và cứu hộ.

Người phát ngôn Lầu Năm góc Patrick Ryder cho biết, hơn 100 thành viên Vệ binh quốc gia đã được triển khai để ứng phó với các đám cháy ở Hawaii. Bộ Nội vụ và Bộ Nông nghiệp Mỹ cũng đã sẵn sàng hỗ trợ sau khi các nỗ lực khắc phục hậu quả hỏa hoạn hoàn tất.

Tác giả: Thương Nguyệt

Nguồn tin: hanoimoi.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok