Xuất khẩu vào Việt Nam tăng gấp ba lần
Sầu riêng được biết đến tại nhiều nước Đông Nam Á với cái tên “vua của các loại hoa quả” hiện đang vào mùa. Hiện tiêu thụ sầu riêng nội địa tại Thái Lan đang giảm trong khi đó xuất khẩu tăng chóng mặt, theo tờ Nikkei đưa tin.
Lượng xuất khẩu sầu riêng của Thái Lan giờ đây đã cao gấp năm lần so với tiêu thụ nội địa nhờ vào những thay đổi kinh tế tại châu Á. Dù tiêu thụ nội địa giảm 40% xuống còn khoảng 100.000 tấn từ 180.000 tấn trong khoảng thời gian trên, xuất khẩu tăng vọt lên 500.000 tấn từ 380.000 tấn trước đó.
Năm 2017, xuất khẩu sầu riêng Thái Lan thay đổi bước ngoặt khi mà Việt Nam bất ngờ vượt qua Trung Quốc trở thành nhà nhập khẩu lớn nhất sầu riêng Thái Lan.
Trong năm 2017, lượng xuất khẩu sầu riêng từ Thái Lan sang Trung Quốc giảm 29% trong khi đó xuất khẩu sang Việt Nam tăng gấp ba lần lên 256.000 tấn. Con số này cao gấp 26 lần so với ba năm trước đó.
Lượng sầu riêng nhập vào Việt Nam nhiều hơn cả nhập vào Trung Quốc. |
Nikkei đặt câu hỏi có phải vì kinh tế Việt Nam tăng trưởng tốt nên người Việt Nam mua mạnh sầu riêng hay không? Trả lời câu hỏi trên, theo Hiệp hội Các nhà xuất khẩu tỉnh Chanthaburi, trong số sầu riêng xuất sang Việt Nam, có đến 80% hoặc 90% sầu riêng được tái xuất sang Trung Quốc.
Điều này đồng nghĩa với việc Thái Lan chỉ đang mượn Việt Nam là nơi để tạm nhập và tái xuất sầu riêng sang thị trường Trung Quốc.
Được biết Trung Quốc, tính cả Hong Kong là nơi nhập khẩu nhiều sầu riêng nhất. Trung Quốc mua gom khoảng 80%-90% tổng lượng sầu riêng Thái Lan tính đến năm 2016.
Nên mừng hay nên lo?
Không chỉ sầu riêng , chiếm phần lớn trong kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam là trái cây nhập khẩu rồi mượn đường để xuất sang Trung Quốc. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong năm tháng đầu năm 2018, Việt Nam nhập 266 triệu USD trái cây Thái Lan và xuất sang Trung Quốc là 266 triệu USD với nhiều loại trái cây như nhãn, sầu riêng, măng cụt… được tạm nhập , tái xuất 100% sang Trung Quốc.
Do đó, nếu không loại trừ lượng trái cây Việt Nam đang “xuất khẩu giùm”, rất có thể số liệu xuất khẩu của Việt Nam chỉ là con số ảo.
Trao đổi với báo chí, PGS-TS Dương Văn Chín, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp Định Thành (Tập đoàn Lộc Trời), cho rằng cần phải rõ ràng thông tin ở chỗ này. Bởi trái cây trồng trên đất Việt được xuất khẩu có nghĩa là tạo được công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người nông dân thì như vậy mới có ý nghĩa. Còn tạm nhập, tái xuất chỉ có doanh nghiệp lời được chút tiền mà không giúp ích gì cho xã hội.
“Khi số liệu mập mờ nghĩa là nền tảng để xử lý vấn đề sai và chúng ta cứ bay ở trên mây, nghĩ rằng mình bán trái cây được nhiều USD nhưng thực chất là bán giùm người ta” - ông Chín nói với báo chí.
Tác giả: Diệu Thảo
Nguồn tin: Báo Pháp luật TP.HCM