Giới phân tích cho rằng, trước tổng tuyển cử ở Thái, chính phủ quân nhân muốn triệt sự ảnh hưởng của hai anh em cựu Thủ tướng Thaksin - Yingluck. Chính trường Thái Lan đang nóng dần lên.
Bà Yingluck là ai?
Chính phủ Thái đề nghị Anh dẫn độ cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra (Ảnh phải: INSTAGRAM/@YINGLUCK SHINFC) |
Được biết, bà Yingluck đã bị mất chức Thủ tướng vào tháng 5/2014 sau một quyết định của tòa hiến pháp. Sau cuộc đảo chính quân sự tháng 5/2014, bà bị đưa ra tòa xét xử năm 2016, bị kết án vắng mặt 5 năm tù vào tháng 9/2017 vì tội thiếu trách nhiệm trong chương trình trợ giá gạo gây thất thoát hàng tỷ USD. Bà phủ nhận, nói mình đã không làm gì sai trái và khẳng định rằng phiên tòa mang tính chính trị với mục đích chặn việc bà quay lại chính trường.
Xuất hiện trong một video clip được đăng trên Instagram vào ngày thứ bảy 28/7, bà Yingluck nói hiện mình đang sống ở khu Convent Garden ở London. Ngày thứ ba 31/7, Thủ tướng Prayut Chan-o-cha và Bộ trưởng Ngoại giao Don Pramudwinai lên tiếng xác nhận rằng chính phủ Thái đang muốn bà Yingluck phải được dẫn độ về Thái Lan để thi hành án.
Có dẫn độ hay không?
Tướng Prayut nói đề nghị này được gửi đi như một thủ tục cần thiết giữa hai nước có hiệp ước dẫn độ lúc gặp báo giới sau khi ông chủ trì một cuộc họp nội các hôm thứ ba 31/7: "Chính phủ đã hoàn thành các bước đi pháp lý. Việc dẫn độ có xảy ra hay không là phụ thuộc vào quyết định của chính phủ Anh. Chúng ta không thể đi bắt người ở nước ngoài, vì thế, tùy vào nước đó bắt giữ và đưa (bà ấy) cho chúng ta".
Bức thư do Đại sứ quán Thái Lan tại London gửi cho Bộ Ngoại giao Anh (Ảnh: BBC THAI) |
Ông nói thêm rằng ông sẽ không trao đổi vấn đề này với Thủ tướng Anh Theresa May vì vụ việc đang được các cơ quan khác nhau của chính phủ xử lý.
Phóng viên của BBC Tiếng Thái có được một bức thư do Đại sứ quán Thái Lan tại London gửi cho Bộ Ngoại giao Anh hôm 5/7 về việc này, dẫn nguồn Hiệp ước Dẫn độ Tội phạm Đào tẩu giữa nước Xiêm (tên cũ của Thái Lan) với Anh năm 1911, và hiện vẫn đang còn hiệu lực:
"Sứ quán, theo chỉ dẫn của Chính phủ Hoàng gia Thái Lan và theo Hiệp ước này, yêu cầu việc dẫn độ bà Yingluck Shinawatra - một công dân Thái Lan, người được cho là đang cư ngụ tại Anh".
Hiệp ước Dẫn độ 1911 giữa hai nước Thái-Anh (Ảnh: FOREIGN & COMMONWEALTH OFFICE) |
Cũng theo bức thư, nếu Chính phủ Anh cho rằng những tội nói trên không nằm trong danh sách các tội đáng bị dẫn độ theo Hiệp ước Dẫn độ 1911 giữa hai bên, Chính phủ Hoàng gia Thái trân trọng yêu cầu chính phủ Anh xem xét trên cơ sở có đi có lại. Nếu Anh đồng ý dẫn độ bà Yingluck, chính phủ Thái sẽ có hành động đáp lại khi chính phủ Anh yêu cầu.
Được biết, bà Yingluck và anh trai là cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, là tâm điểm của tranh giành quyền lực trong nền chính trị Thái Lan hơn 10 năm nay. Vậy Anh có dẫn độ hay không? Trả lời câu hỏi của phóng viên BBC Tiếng Thái, phát ngôn viên Bộ Nội vụ Anh nói:
"Theo tập quán và chính sách đã có từ lâu, chúng tôi sẽ không khẳng định hay phủ nhận việc chúng tôi đã gửi yêu cầu hay nhận được yêu cầu dẫn độ, cho tới khi người có liên quan đến yêu cầu đó bị bắt giữ".
Bà Yingluck (trái) thường post ảnh lên Instagram (Ảnh: INSTAGRAM/@YINGLUCK SHINFC) |
Với cuộc tổng tuyển cử được mong đợi từ lâu dự kiến sẽ diễn ra năm 2019, cả hai anh em Thaksin - Yingluck vẫn còn ảnh hưởng chính trị mà cụ thể là sự ủng hộ của đa số nông dân và phong trào Áo Đỏ. Tuy thế, quân đội Thái từ lâu vẫn nói họ không lo ngại về anh em nhà Shinawatra.
Từ đây cho đến ngày bầu cử, giới phân tích cho rằng chính trường Thái sẽ bùng nổ một số scandal xung quanh hai anh em nhà Shinawatra, trong đó có quyết định của chính phủ London có dẫn độ bà Yingluck hay không?
Tác giả: Kim Thoa
Nguồn tin: Báo Người tiêu dùng