Căn nhà cấp 4 luộm thuộm của gia đình ông Học. |
Không mua nổi cho con đôi dép mới
Giáp Tết Nguyên đán, chúng tôi về thôn Ngô Khê, xã Bình Nghĩa, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam thăm vợ chồng nổi tiếng lệch nhau đến 43 tuổi. Lúc này người chồng là ông Ngô Thanh Học đã 80 tuổi, còn vợ là chị Nguyễn Thị Bích 37 tuổi.
Cuối năm, không khí Tết tràn ngập đường quê, nhà thịt trâu, nhà thịt lợn, nghèo nhất cũng thịt gà để chuẩn bị đón năm mới. Các con đường được dọn dẹp sạch sẽ, trang trí cờ, hoa, đèn lồng. Đám trẻ con trong xóm nô đùa ríu rít trong tiếng nhạc xuân rộn ràng.
Trái ngược với không khí cậnTết vui tươi ấy, ngôi nhà tình thương của ông Học, chị Bích vẫn tiêu điều, nhếch nhác và luộm thuộm như bao ngày khác, đồ đạc, vật dụng sinh hoạt nằm rải rác giữa sân, lâu ngày không được dọn dẹp. Phía bên trong chẳng có tài sản đáng giá nào ngoài chiếc ti vi cũ và chiếc xe đạp cà tàng.
Bên trong căn nhà đồ đạc ngổn ngang, lâu ngày chưa được dọn dẹp. |
Nhớ lại cái Tết gần đây, ông Học cho biết nhà cũng không sắm sửa gì, có sao dùng vậy. Các con thì mặc quần áo cũ được mọi người cho chứ vợ chồng ông cũng không có điều kiện để sắm sửa: “Mấy hôm trước con gái lớn (6 tuổi) đòi mua quần áo mới, dép mới. Tôi bảo họ bán hết rồi, thì nó bảo họ bán đầy đường, hết đâu mà hết. Nghe con nói mà nhói lòng”, ông Học nói.
Đôi dép của con gái lớn ông Học. |
Nhìn các con năm nào cũng phải mặc quần áo cũ đón Tết, đôi dép đã mòn cả đế, đi từ năm này qua năm khác mà không có tiền mua, vợ chồng ông Học xót lắm, nhưng cũng đành chịu. Bởi ông Học mấy năm nay sức khỏe yếu, không đi nhặt ve chai như trước được nữa.
Những năm qua, đối với nhà ông Tết cũng như ngày bình thường. Điều kiện kinh tế không cho phép, chưa một cái Tết nào ông dám bỏ tiền mua cành đào cây quất, thịt lợn cũng không có. Bánh chưng dân làng ai cho thì lấy chứ gia đình ông cũng chẳng có gạo nếp để gói.
“Cuộc sống thường ngày chật vật nên Tết cũng như ngày thường thôi. Mười năm nay tôi không gói bánh chưng rồi, tiết kiệm được đồng nào hay đồng đó. Năm nay vợ chồng tôi sẽ cố gắng chắt chiu để mua cho các con cân giò ăn Tết”, ông Học nói.
Chị Bích cùng 3 người con nhỏ. |
Cũng giống như chồng, chị Bích giờ đây chẳng còn tâm trạng nào để nghĩ đến Tết, vì năm nào chẳng như năm nào, nhà nghèo nên không sắm sửa gì. Từ ngày lấy chồng chị Bích chưa được ăn một cái Tết đúng nghĩa.
“Nhà nuôi được 3 con gà định để đến gần Tết bán đi mua cho các con bộ quần áo mới, nhưng mấy hôm trước bị trộm vào bắt hết rồi còn đâu”, nói xong chị Bích ngả đầu vào tường rồi thở dài ngao ngán.
5 người trông chờ vào khoản trợ cấp 1 triệu đồng
Ở tuổi 80, sức khỏe ông Học không còn được như trước nữa, ốm đau liên tục. Dù đau yếu, bệnh tật nhưng gia đình cũng không thuốc thang hay đưa ông Học vào bệnh viện… vì không có tiền.
Nhà có 5 người giờ chỉ trông chờ vào khoản lương trợ cấp hơn 1 triệu đồng: “Nhà tôi nhiều vấn đề lắm, chồng thì ốm đau suốt. Sang năm hai đứa con lớn vào lớp 1 rồi, không biết lấy gì cho các con ăn học đây”, chị Bích buồn bã nói.
Sâu thẳm trái tim người phụ nữ này biết rõ chồng đã ở tuổi gần đất xa trời không thể giúp đỡ nhiều, mọi việc giờ chỉ mình chị gánh vác từ chăm con tới việc trong nhà. Sống trong cảnh túng quẫn, suốt ngày lo chăm con, chăm chồng khiến chị Bích, nhiều lúc chị muốn buông xuôi.
Ông Học 80 tuổi nhưng vẫn sống trong cảnh chăm con mọn. |
Chị Bích quanh năm chỉ làm nông, công việc vất vả nhưng “chưa ráo mồ hôi thì đã hết tiền”, bữa cơm gia đình hiếm khi có một bữa tươm tất, chủ yếu là tận dụng vườn nhà, có gì thì ăn nấy. Những đứa con chẳng mấy khi biết đến mùi thịt, cá. Bữa ăn là cháo trắng nấu mỡ, đến tháng lĩnh trợ cấp thì mới mua cho vài lạng thịt.
Sớm mất bố, chị Bích ở cùng với người mẹ tàn tật, bản thân chị cũng bị dị tật ở chân, từ nhỏ sống trong cảnh nghèo khổ. Cuộc sống của chị giờ còn khó khăn hơn ngày trước, thế nhưng nỗi lo về tương lai của 3 người con sẽ như thế nào khiến chị mạnh mẽ hơn.
Chị cũng thừa nhận không lường hết được cuộc sống với chồng quá chênh lệch tuổi. Giờ đây, chị chỉ mong các con lớn khôn, sức khỏe chồng tốt hơn, để chồng chăm sóc con, còn mình đi làm kiếm thêm thu nhập.
Nhìn vợ quanh năm tất bật công việc đồng ruộng, chăm 3 đứa con, trong khi mình đau ốm không đỡ đần gì được, bản thân ông Học từng mong ước, giá như có thêm sức khỏe, đi làm phụ thêm vợ nuôi các con, cho các con cuộc sống tốt đẹp hơn.
Nghĩ đến Tết mà đôi mắt ông Học đỏ hoe. |
Cuộc sống tạm bợ của gia đình họ cứ lặng lẽ trôi qua từng ngày. Trong thâm tâm ông Học cũng mong muốn các con có một cuộc sống đầm ấm như những gia đình khác nhưng bất lực.
Đám cưới chấn động vùng quê
Tròn 10 năm trước, chuyện tình của ông Ngô Thanh Học và chị Nguyễn Thị Bích từng gây chấn động cả vùng quê yên bình ở huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Bởi lúc đó, chị Bích mới 27 tuổi, còn ông Học đã bước sang tuổi 70.
Kết hôn với ông Học, chị Bích vấp phải sự phản đối kịch liệt từ gia đình, bạn bè. Họ nói chị vất vả từ nhỏ, giờ nếu lại lấy ông Học thì cả đời vất vả. Nhiều người còn bảo chị là: “Lấy người chênh tuổi như vậy, có sinh con đẻ cái được gì không”. Thế nhưng, gạt qua tất cả điều đó, chị Bích tin vào lựa chọn của mình.
Đầu năm 2010, vợ chồng ông Học dẫn nhau đi đăng ký kết hôn. Lúc ấy, dọc đường từ nhà ra ủy ban xã, dân làng đứng hai bên đường, ai cũng chỉ chỏ cười ồ, trêu chọc 2 vợ chồng. Ông Học ngượng ngùng, thậm chí còn chẳng dám đi cạnh vợ mà phải lùi lại phía sau.
Bức ảnh cưới của vợ chồng ông Học được chụp cách đây 10 năm. |
Chuyện tình “bác - cháu” chênh nhau 43 tuổi này vẫn khiến người dân làng bàn ra tán vào mỗi khi ngồi lại. Thế nhưng cả hai đã vượt qua bao trắc trở vì người thân 2 bên gia đình chia cách.
Năm 2013, chị Bích mang song thai, một trai một gái, nhưng vì điều kiện khó khăn nên chị vẫn đi làm, khi thai được tròn 8 tháng chị bất ngờ đau bụng nên đẻ non, hai bé rất hay ốm vặt. Cặp vợ chồng lệch tuổi thường phải vay mượn, ôm con ra bệnh viện huyện, tỉnh.
Cuộc sống khó khăn là thế, năm 2016 chị Bích tiếp tục mang thai, lúc này nhiều người ác ý đã đồn đoán mấy đứa con chị Bích sinh ra không phải là con của ông Học. Từ đó, vợ chồng ông Học sống khép kín hơn để tránh sự đàm tiếu của dư luận.
“Trước đây tôi cũng có người theo đuổi nhưng tình duyên có vẻ lận đận, nhiều lúc tưởng sắp thành thì lại tan vỡ. Đến khi gặp ông Học chúng tôi trò chuyện nhiều hơn về cuộc sống, thấy ông hiền lành, chịu khó, lại ở một mình nên thấy rất thương, chỉ thương thôi chứ không phải yêu, thương vì sự đồng cảm, hiểu rõ nỗi cô đơn của ông ấy nên tôi chủ động ngỏ lời, dù ông ấy còn hơn cả tuổi bố tôi”, chị Bích nói.
Tiễn chúng tôi ra về, ông Học bảo: “Giờ gần hết đời rồi tôi sống sao cũng được chỉ sợ một ngày khi mình không còn nữa không biết vợ con sẽ ra sao”.
Tác giả: Nguyễn Long
Nguồn tin: doisongplus.vn